Giáo dục

Học sinh Phần Lan học gì để không bị tin giả đánh lừa?

Hồng Nhung 09/07/2025 07:42

Trong nỗ lực tăng cường khả năng cảnh giác trước làn sóng thông tin sai lệch, Phần Lan đã tiên phong đưa giáo dục truyền thông vào chương trình học chính khóa.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-08 lúc 11.06.01
Giáo dục truyền thông được Phần Lan tích hợp vào chương trình học phổ thông như một kỹ năng công dân thiết yếu.

Tại một lớp học ở thủ đô Helsinki, cô giáo Saara Varmola đặt câu hỏi cho nhóm học sinh 14–15 tuổi: “Ai là người sản xuất nội dung mà các em đang xem? Các em kiểm chứng thông tin bằng cách nào? Liệu người đăng có trách nhiệm đạo đức với nội dung ấy không?”. Thay vì cung cấp câu trả lời, giáo viên khuyến khích học sinh tư duy, tranh luận dựa trên trải nghiệm cá nhân và môi trường mạng mà các em tiếp cận hàng ngày.

Trong một lớp học khác ở Hameenlinna, cô Saara Martikka cho học sinh xem ba video được đăng tải trên TikTok và cả lớp cùng thảo luận về động lực của người sáng tạo và tác động của các video đó đối với mình.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-08 lúc 11.00.09
Cô giáo Saara Martikka dạy học sinh về thông tin sai lệch tại trường. Ảnh: New York Times

Đây là những câu hỏi mà học sinh Phần Lan được rèn luyện thường xuyên, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng bị chi phối bởi các luồng thông tin sai lệch, tin giả và nội dung thao túng.

Thay vì chỉ dạy học sinh tiếp nhận thông tin, trường học ở Phần Lan – quốc gia được xếp hạng hàng đầu châu Âu về năng lực truyền thông – tập trung vào việc giúp các em hình thành tư duy phản biện, kỹ năng đánh giá nguồn tin và khả năng sáng tạo nội dung có trách nhiệm. Giáo dục truyền thông được tích hợp vào chương trình học phổ thông như một kỹ năng công dân thiết yếu.

Lồng ghép giáo dục truyền thông trong hệ thống chính khóa

Phần Lan là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Âu xây dựng chính sách quốc gia về giáo dục truyền thông từ năm 2013, được cập nhật vào năm 2019. Theo đó, giáo dục truyền thông không chỉ là một môn học riêng biệt, mà được lồng ghép vào nhiều môn học khác nhau từ mầm non đến hết phổ thông trung học.

Theo nhận định của Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan, ông Anders Adlercreutz, năng lực truyền thông là một thành tố quan trọng trong việc xây dựng khả năng đề kháng xã hội: “Trong bối cảnh truyền thông truyền thống dần suy giảm vai trò trong việc cung cấp thông tin, khả năng đánh giá thông tin và phản biện trở nên ngày càng cần thiết”.

Chống tin giả ngay từ nhà trường

Tại các lớp học, học sinh được tiếp cận với những câu hỏi mang tính thực tiễn: “Liệu các YouTuber, streamer có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem? Nội dung được tài trợ có làm thay đổi cách hiểu của người đọc không?”. Thông qua thảo luận nhóm và thực hành phân tích nội dung trên mạng xã hội, học sinh được trang bị các công cụ để đánh giá độ tin cậy của nguồn thông tin, xác định dấu hiệu của nội dung sai lệch, và hiểu rõ vai trò của bản thân trong môi trường truyền thông số.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-08 lúc 11.00.39
Kiến thức về truyền thông được giảng dạy ở Phần Lan bắt đầu từ bậc mẫu giáo. Ảnh: New York Times

Một học sinh lớp 8 chia sẻ: “Em đã học được cách nhận diện các thông điệp ẩn trong bài viết, và phân biệt được thông tin đáng tin cậy trên các nền tảng như TikTok hay Instagram”.

Nhiều học sinh cho biết các buổi học giúp các em ý thức rõ hơn về trách nhiệm khi chia sẻ nội dung, cũng như khả năng tự kiểm chứng thông tin thay vì tiếp nhận thụ động.

Khẳng định vai trò trung tâm của giáo dục

Phần Lan bắt đầu đưa giáo dục truyền thông vào chương trình học từ những năm 1970, khi hệ thống giáo dục phổ cập miễn phí được triển khai. Nước này đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực Truyền thông châu Âu kể từ khi bảng xếp hạng này được Viện Xã hội Mở Bulgaria công bố vào năm 2017. Bảng xếp hạng đánh giá khả năng chống lại thông tin sai lệch của 41 quốc gia dựa trên các chỉ số như chất lượng giáo dục, tự do báo chí và mức độ tin cậy trong xã hội.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Adlercreutz, thành công của Phần Lan đến từ cách tiếp cận phối hợp giữa các lĩnh vực: “Không chỉ có trường học, mà cả báo chí, doanh nghiệp, thư viện, bảo tàng... đều tham gia vào công cuộc nâng cao nhận thức truyền thông”.

Vì vậy, giáo dục truyền thông ở Phần Lan không chỉ là một chính sách, mà đã trở thành thực tiễn sống động từ trong đời sống đến từng lớp học. Từ việc phân tích nội dung trên mạng xã hội đến nhận diện thông tin sai lệch, học sinh được trang bị những kỹ năng nền tảng để chủ động, tỉnh táo và có trách nhiệm trong môi trường số.

Khi tư duy phản biện được nuôi dưỡng từ ghế nhà trường, mỗi học sinh không chỉ là người tiếp nhận thông tin mà còn trở thành “người gác cổng” cho chính mình và cộng đồng trước cơn bão thông tin sai lệch trong kỷ nguyên truyền thông đa chiều.

Hồng Nhung