Giáo dục

Đề xuất xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành hệ sinh thái công nghệ

Nguyễn Liên 09/07/2025 07:41

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất cần xây dựng tổ hợp đại học công nghệ kỹ thuật quốc gia có các đại học chủ lực, vùng thử nghiệm công nghệ,... trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là thành phần hạt nhân mà còn là hệ sinh thái công nghệ.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trong Chương trình làm việc về Khoa học Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số tại Đại học Bách khoa Hà Nội vừa diễn ra.

Đến năm 2045 phải tạo ra 3 "doanh nghiệp kỳ lân"

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học Bách khoa Hà Nội là nòng cốt trong hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam; có năng lực nội tại lớn.

20250704-cbo_7005.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng tại buổi làm việc

Một số thành tựu nổi bật nhà trường đã đạt được như xây dựng được các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hình thành các trung tâm liên ngành trong lĩnh vực công nghệ cao, triển khai nhiều dự án chuyển giao công nghệ thành công. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong hệ thống công lập thành lập Viện nghiên cứu ứng dụng về trí tuệ nhân tạo.

“Không nhiều đại học ở Việt Nam sở hữu doanh nghiệp spin-off hoạt động hiệu quả như Đại học Bách khoa Hà Nội”, Bộ trưởng nhận định.

Cũng theo Bộ trưởng, dù đạt nhiều thành tựu, Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn đối mặt với một số tồn tại như số lượng hợp đồng chuyển giao công nghệ và doanh thu từ thương mại hóa công nghệ còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế sở hữu trí tuệ chưa rõ ràng, thiếu cơ chế tài chính linh hoạt và lực lượng trung gian chuyển giao còn yếu.

Bộ trưởng cho biết, các thể chế cơ bản đã được quy định trong Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nghị định hướng dẫn chi tiết sẽ được ban hành trong quý III năm nay, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học chủ động điều chỉnh cơ chế nội bộ phù hợp.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội đang trong giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ, từ một đại học nghiên cứu sang đại học chủ lực trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Nhà trường cần đẩy mạnh ươm tạo mở, thu hút các dự án cấp quốc gia, đặc biệt là các dự án công nghệ trọng điểm.

Bên cạnh đó, Đại học Bách khoa Hà Nội có thể nghiên cứu trở thành “tổng thầu trí tuệ”, thí điểm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo theo ngành, nơi mỗi ngành có phòng thí nghiệm riêng, doanh nghiệp liên minh và hoạt động ngay trong lòng trường đại học.

20250704-cbo_7166.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Để trở thành đơn vị đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực và trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất cần xây dựng tổ hợp đại học công nghệ kỹ thuật quốc gia có các đại học chủ lực, vùng thử nghiệm công nghệ,... trong đó Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là thành phần hạt nhân mà còn là hệ sinh thái công nghệ; nghiên cứu cơ chế đại học bảo hộ sáng chế, bảo lãnh công nghệ cho các doanh nghiệp spin-off.

Nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ trong sự hưng thịnh của quốc gia, Bộ trưởng giao nhiệm vụ đến năm 2045: Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phải tạo ra 3 doanh nghiệp kỳ lân (unicorn) cùng nhiều doanh nghiệp “mini unicorn”.

“Khoa học công nghệ là nền tảng của quốc gia. Nếu muốn Việt Nam hùng cường, khoa học công nghệ phải hưng thịnh. Khoa học công nghệ phải hướng tới đổi mới sáng tạo, hướng tới ứng dụng, tạo ra của cải vật chất, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng cho hay.

Muốn đổi mới, trước hết phải bắt đầu từ tư duy

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, các Bộ cần lắng nghe để hiểu rõ các cơ sở giáo dục đại học đang mong muốn điều gì, từ đó có thể hỗ trợ, điều phối, tháo gỡ sao cho sát với thực tiễn và nhu cầu phát triển.

"Trong bối cảnh thuận lợi của Nghị quyết 57, đồng thời một số chính sách lớn đã được thông qua, đây là thời cơ quý báu cho các trường đại học, nhất là khối kỹ thuật - công nghệ. Nếu không tận dụng được cơ hội này, không khai thác hiệu quả các nguồn lực mới đang mở ra thì đó sẽ là lỗi của chính chúng ta", Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

20250704-cbo_7218.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu

Bộ trưởng cho rằng muốn đổi mới, trước hết phải bắt đầu từ tư duy - tư duy làm khoa học, tư duy sử dụng chi phí nghiên cứu hiệu quả, tư duy về vai trò và cách thức tổ chức công việc,...

Cũng theo Bộ trưởng, hiệu quả và chất lượng sản phẩm khoa học là yêu cầu hàng đầu, nhưng không nên xem đó là mục tiêu duy nhất. Hoạt động khoa học công nghệ không chỉ phục vụ phát triển kinh tế, mà còn là nhiệm vụ quan trọng để phát triển đội ngũ giảng viên, phát triển đào tạo và năng lực tự chủ đại học. Việc xác định đúng “đầu bài” - tức là đặt đúng vấn đề nghiên cứu, đặt đúng nhu cầu xã hội và thị trường sẽ là yếu tố quyết định sự thành công trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Nhấn mạnh vai trò của mô hình phối hợp "ba nhà" - Nhà nước, Nhà trường và Doanh nghiệp mà Đại học Bách khoa Hà Nội đang triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, ngay từ giai đoạn xây dựng nhiệm vụ nghiên cứu, cả ba bên cần tham gia để hình thành “đầu bài” chung, tạo sự đồng bộ và thực tiễn trong triển khai.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đề xuất Đại học Bách khoa Hà Nội tìm hiểu thêm về mô hình đại học công nghệ thế hệ mới theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

“Đại học Bách khoa Hà Nội phải khác với chính mình của trước đây, phát triển với tốc độ tốt hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dám nghĩ, dám làm, bản lĩnh thử nghiệm

Báo cáo kết quả hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học cho biết, về tổ chức nghiên cứu, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp tự chủ trong quản lý hoạt động khoa học công nghệ với 6 Viện nghiên cứu.

Nhà trường đã và đang phát triển, quy hoạch mạng lưới các lab nghiên cứu theo các lĩnh vực khoa học công nghệ chiến lược.

Về nhân lực khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội quy tụ đông đảo nhà khoa học có chuyên ngành nằm trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp cốt lõi. Nhà trường có 1.069 giảng viên, trong đó có 797 tiến sĩ (chiếm 75%) - chủ yếu học tập từ các nước tiên tiến, 299 giáo sư và phó giáo sư (chiếm 28%). Ngoài ra, 40.000 sinh viên Bách khoa Hà Nội cũng rất tâm huyết với học tập, nghiên cứu.

Về công bố nghiên cứu khoa học, Đại học Bách khoa Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng văn bằng sáng chế và giải pháp hữu ích trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ (đạt 20 – 25 sở hữu trí tuệ/năm), số công bố khoa học trên 2.000 bài báo/năm, trong đó quốc tế WoS/Scopus khoảng 1.400 công bố/năm.

20250704-cbo_7096.jpg
20250704-cbo_7131.jpg
Các nhà khoa học Bách khoa trình bày các sản phẩm nghiên cứu cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT

Các sản phẩm công nghệ “made in Bách khoa” phủ hầu hết các lĩnh vực công nghệ chiến lược, trong đó có nhiều công nghệ lưỡng dụng có khả năng phục vụ hiệu quả trong an ninh quốc phòng ở lĩnh vực điện tử viễn thông, biển đảo, năng lượng, công nghệ thông tin, AI, kỹ thuật vật lý, hóa học, cơ khí động lực và hàng không.

Hệ sinh thái nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng là dấu ấn đáng chú ý, với mạng lưới cựu sinh viên, Quỹ khởi nghiệp sinh viên BK Fund, mạng lưới doanh nghiệp đối tác là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, mạng lưới hợp tác quốc tế hơn 300 đầu mối các trường đại học, Viện nghiên cứu quốc tế.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định, Đại học Bách khoa Hà Nội dám nghĩ, dám làm, bản lĩnh thử nghiệm để phát triển thành trung tâm xuất sắc về đào tạo, phát triển tài năng, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Nhà trường giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong các lĩnh vực phục vụ phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, bao gồm: trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn và chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến; phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đại, gắn kết với mạng lưới đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Đề xuất giao nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo năng lực của tổ chức khoa học công nghệ

Đề xuất, kiến nghị tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội nêu 2 nội dung.

Theo đó, về phát triển công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo năng lực của tổ chức khoa học công nghệ và có kinh phí đảm bảo đầu tư trung hạn, dài hạn để phát triển các chương trình nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ có khả năng thương mại hóa mang lợi ích lớn về kinh tế, xã hội, con người. Các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp chủ động phối hợp, tổ chức lực lượng triển khai.

Bên cạnh đó, xây dựng Trung tâm nghiên cứu sáng tạo công nghệ lõi sâu (Deep - Tech Research) phù hợp với chiến lược của Quốc gia trong các lĩnh vực thế mạnh của Đại học Bách khoa Hà Nội, gồm: Trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chuỗi khối, điện tử, bán dẫn và chip, công nghệ số, robot và tự động hoá, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến - theo mô hình tiên tiến trên thế giới như HighTechXL, MIT Lincoln Laboratory, Stanford Research Institute (SRI), Berkeley Lab.

Nguyễn Liên