Giáo dục

Đắk Lắk: Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm được chuyển đổi mô hình sau 12 năm chờ đợi

Djuang Niê 08/07/2025 17:17

Theo thông tin từ ông Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã chính thức ban hành quyết định chuyển đổi loại hình trường sau hơn một thập kỷ vướng mắc pháp lý.

Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm
Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (phường Buôn Ma Thuột)

Gỡ “nút thắt” kéo dài hơn một thập kỷ

Sau nhiều năm hoạt động trong trạng thái “lưng chừng” vì chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi mô hình theo quy định, Trường THDL Nguyễn Bỉnh Khiêm (nay là phường Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã chính thức được UBND thành phố Buôn Ma Thuột (cũ) phê duyệt chuyển đổi sang loại hình tư thục.

Ông Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngày 27/6/2025, Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã ký ban hành Quyết định số 4644, chuyển đổi Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm sang Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoạt động theo mô hình tư thục. Từ thời điểm này, nhà trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo pháp luật hiện hành.

Đây là kết quả quan trọng sau gần 12 năm nhà trường kiên trì hoàn thiện hồ sơ, đề nghị chuyển đổi theo Thông tư số 11/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, do những yêu cầu bổ sung hồ sơ vượt quá quy định và kéo dài không rõ căn cứ, quá trình này nhiều lần bị gián đoạn, gây khó khăn nghiêm trọng cho hoạt động chuyên môn, tổ chức nhân sự và tài chính của đơn vị.

img_0929(1).jpeg
Ông Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhiều lần làm việc với các ban ngành liên quan

Trước tình trạng bế tắc kéo dài, năm 2024, nhà trường buộc phải khởi kiện hành chính UBND thành phố Buôn Ma Thuột (cũ). Ngày 29/4/2025, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành Bản án số 37, xác định các yêu cầu bổ sung hồ sơ của UBND thành phố là không đúng quy định, đồng thời buộc thực hiện chuyển đổi theo đúng trình tự pháp luật. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều văn bản chỉ đạo đôn đốc, yêu cầu xử lý dứt điểm.

Từ mô hình dân lập đến tư thục: bước chuyển đúng hướng

Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm có tiền thân là Trường phổ thông cơ sở Lê Hồng Phong, được thành lập từ năm 1992. Năm 1997, Thành đoàn Buôn Ma Thuột tiếp nhận, đổi tên và tổ chức hoạt động theo loại hình dân lập. Là một trong những mô hình xã hội hóa giáo dục sớm trên địa bàn, nhà trường được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ 140 triệu đồng, còn lại là nguồn vốn vay ngân hàng và huy động cổ phần, do Chủ tịch Hội đồng quản trị làm chủ đầu tư.

Để thực hiện quyết định về dự án được phê duyệt , Thành đoàn Buôn Ma Thuột đã giao cho ông Nguyễn Đình Long, Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm huy động vốn xây dựng và tổ chức hoạt động theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

12 năm trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm vật vã chờ chuyển đổi loại hình trường
Sau gần 12 năm vật vã chờ đợi, trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được chuyển đổi loại hình trường

Tuy nhiên, sau khi Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định loại hình dân lập không còn phù hợp, nhà trường chủ động làm thủ tục xin chuyển đổi sang tư thục. Trong khi hầu hết các cơ sở giáo dục dân lập khác đã chuyển đổi, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm lại rơi vào tình thế “lửng lơ pháp lý” kéo dài do gặp khó khăn trong việc xác định cơ quan chủ quản và cơ chế tiếp nhận tài sản.

Với quyết định chuyển đổi vừa được ban hành, nhà trường đã chính thức thoát khỏi tình trạng tồn tại không đầy đủ quyền hạn trong suốt hơn một thập kỷ. Theo ông Nguyễn Đình Long, đây là bước ngoặt quan trọng để nhà trường xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, nâng cao chất lượng dạy và học, tạo điều kiện tuyển dụng, đào tạo và giữ chân đội ngũ giáo viên, đồng thời tham gia bình đẳng trong hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn.

Vụ việc Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ là câu chuyện pháp lý kéo dài, mà còn phản ánh rõ yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn chuyển đổi mô hình trường học, đảm bảo sự thống nhất trong tổ chức thực hiện giữa các cấp chính quyền.

Sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, cùng phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, đã giúp tháo gỡ “điểm nghẽn” không chỉ cho riêng nhà trường, mà còn tạo tiền lệ tích cực trong xử lý các tồn tại pháp lý tương tự.

Djuang Niê