Thế giới 24h

Mỹ công bố mức thuế mới với 14 nước đầu tiên, cao nhất lên tới 40%

Quỳnh Vũ 08/07/2025 16:52

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố thư gửi cho ít nhất 14 quốc gia, công bố mức thuế quan mới mà họ sẽ bị áp dụng, bắt đầu từ ngày 1/8.

z6783548073641_9f84d129e65e6900296bec76c3c83a5f.jpg
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cầm lá thư của Tổng thống Donald Trump gửi cho Tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung thông báo về mức thuế quan mới. Ảnh: AFP/Getty Images

14 quốc gia đầu tiên

Trong một loạt bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 7/7, ông Donald Trump chia sẻ ảnh chụp các bức thư gửi cho lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan, Nam Phi, Lào và Myanmar, trong đó ấn định các mức thuế mới.

Sau đó, ông Donald Trump tiếp tục đăng tải thêm 7 bức thư nữa gửi tới lãnh đạo các nước Bosnia và Herzegovina, Tunisia, Indonesia, Bangladesh, Serbia, Campuchia và Thái Lan.

Theo các bức thư thông báo thuế do ông Donald Trump công bố, hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia sẽ phải chịu thuế 25%. Hàng hóa từ Nam Phi và Bosnia sẽ bị Mỹ áp thuế 30%, trong khi Indonesia đối mặt với mức thuế 32%. Bangladesh và Serbia sẽ bị đánh thuế 35%, còn Campuchia và Thái Lan chịu 36%. Riêng Lào và Myanmar, theo các thư đăng trên Truth Social, sẽ chịu mức thuế cao nhất là 40%.

Đây là những thư đầu tiên được gửi trước hạn chót ngày 9/7, thời điểm lệnh tạm hoãn 90 ngày kết thúc. Khi đó, chính sách thuế "có đi có lại" của ông Donald Trump đối với hàng chục quốc gia dự kiến sẽ quay trở lại các mức cao hơn - vốn được công bố từ tháng 4.

Trong các lá thư, ông Trump cho biết mức thuế mới đặc biệt phản ánh tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ với quốc gia đối tác. Ông cũng cho biết mức thuế quan sẽ được áp dụng để đáp trả các chính sách khác mà ông cho là rào cản đối với hàng hóa của Mỹ, một dạng hàng rào phi thuế quan. Ông khuyến khích các nước thúc đẩy “sản xuất tại Mỹ” để tránh thuế quan.

Trong tất cả 14 lá thư, ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế thậm chí còn cao hơn mức thuế suất đã nêu nếu một quốc gia trả đũa Mỹ bằng mức thuế suất của riêng họ. Ông cho biết các mức thuế suất này sẽ "tách biệt với tất cả thuế suất theo ngành". Nghĩa là chẳng hạn mức thuế suất mới sẽ không được áp dụng chồng lên mức thuế suất ô tô hiện tại là 25%. Điều đó cũng sẽ áp dụng cho bất kỳ mức thuế suất cụ thể nào trong tương lai, một quan chức Nhà Trắng cho biết.

Ngoài ra, các lá thư cũng nhấn mạnh hàng hóa bị trung chuyển nhằm né mức thuế cao hơn sẽ vẫn bị áp mức thuế đó. Trong trường hợp này, "trung chuyển" được hiểu là việc chuyển hàng qua một nước thứ ba trước khi đưa vào Mỹ, nhằm lách các chính sách thuế.

Các mẫu thư đều cho rằng, các mức thuế mới là cần thiết để giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại kéo dài của Mỹ với 14 quốc gia nói trên. Thế nhưng thực tế, không phải tất cả các quốc gia bị áp thuế lần này đều có thặng dư lớn với Mỹ.

Chẳng hạn, trong năm 2024, Mỹ có thâm hụt 68,5 tỷ USD với Nhật Bản và 66 tỷ USD với Hàn Quốc, nhưng với Myanmar, con số này chỉ là 579,3 triệu USD - theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).

Bất chấp nhiều quan ngại về quá trình đàm phán không suôn sẻ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), khiến ông Trump nhiều lần đe dọa tăng thuế quan, khối thương mại này dường như vẫn chưa nhận được một lá thư nào từ ông.

Olof Gill, người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, trả lời các phóng viên vào chiều 7/7 rằng: "Chúng tôi không bình luận về những lá thư mà chúng tôi chưa nhận được".

Tuy nhiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết sẽ gửi nhiều thư thông báo việc áp thuế hơn nữa trong những ngày tới. Theo Sky News, EU- đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - nằm trong số sẽ nhận được thư thông báo thuế từ Mỹ trong những ngày tới.

Chiều 7/7, ông Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để lùi thời hạn từ ngày 9/7 sang ngày 1/8. Sắc lệnh nêu rõ, ông Donald Trump đưa ra quyết định đó "dựa trên thông tin bổ sung và khuyến nghị từ nhiều quan chức cấp cao".

Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Ireland Simon Harris cho biết trong một tuyên bố: "Tôi hiểu là hiện tại chúng ta có thể mong đợi việc duy trì nguyên trạng thuế quan cho đến ngày 1/8 để có thêm thời gian cho EU và Mỹ đạt được thỏa thuận về nguyên tắc về một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên".

Khi được hỏi liệu hạn chót mới ngày 1/8 đã là thời hạn cuối cùng hay chưa, ông Trump không đưa ra câu trả lời chắc chắn. "Đó là quyết định cứng rắn, nhưng không phải 100%. Nếu các nước gọi điện và nói rằng họ muốn làm điều gì đó theo cách khác, chúng tôi sẽ cởi mở với điều đó”.

Phản ứng của các nước

Nhiều quốc gia nhận được thư hoan nghênh quyết định gia hạn thời điểm áp dụng thuế mới của Mỹ và bày tỏ mong muốn tiếp tục thảo luận với Mỹ để đạt được những thỏa thuận tốt hơn.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều cho biết rằng họ có kế hoạch tham gia vào các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Ishiba đã triệu tập cuộc họp Nội các đặc biệt vào sáng 8/7, bày tỏ “lấy làm tiếc vì chính phủ Mỹ đã áp đặt thêm thuế quan và công bố kế hoạch tăng thuế suất". Ông cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục đàm phán với Mỹ để tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương có lợi cho cả hai nước.

Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng, họ sẽ theo dõi chặt chẽ các diễn biến, nhưng cảnh báo rằng nếu biến động thị trường trở nên "quá mức", Chính phủ sẽ "thực hiện hành động ngay lập tức và táo bạo theo các kế hoạch dự phòng của mình", mặc dù không nêu chi tiết hành động đó có thể bao gồm những gì.

Thái Lan vẫn phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn, ở mức 36%, nhưng Bộ trưởng Tài chính Pichai Chunhavajira đã trả lời các phóng viên vào 8/7 rằng, ông tin tưởng Bangkok sẽ có thể đàm phán được mức thuế cạnh tranh hơn và cho biết họ đã đệ trình đề xuất lên Mỹ một cách "thiện chí".

Bộ thương mại Malaysia cho biết hôm 8/7, nước này đang phải đối mặt với mức thuế quan 25%, cũng có kế hoạch "tiếp tục thảo luận" với Mỹ để đạt được "thỏa thuận thương mại cân bằng và có lợi cho cả hai bên", Reuters đưa tin.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết các nỗ lực ngoại giao sẽ tiếp tục, nhưng kêu gọi các doanh nghiệp địa phương đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa của họ. Ông Ramaphosa cũng cho biết, Mỹ đã đưa ra mức thuế quan 30% đối với Nam Phi trên cơ sở “dữ liệu thương mại không chính xác”..

CNN đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Indonesia, Campuchia, Myanmar và Kazakhstan, và bộ thương mại Bangladesh để yêu cầu phản ứng song chưa có thông tin.

Người Mỹ sẽ chịu thiệt?

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm ngoái, Mỹ đã mua tổng cộng 465 tỷ đô la hàng hóa từ 14 quốc gia vừa được áp mức thuế mới. Nhật Bản và Hàn Quốc, đối tác thương mại lớn thứ sáu và thứ bảy của Mỹ, chiếm 60% trong số đó, với kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ lên tới 280 tỷ đô la.

Triển vọng về mức thuế quan cao hơn đối với hàng hóa có thể dẫn đến giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ. Ví dụ, trong số những mặt hàng hàng đầu mà Mỹ nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản là ô tô, phụ tùng ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm và máy móc. Tổng thống Trump đã áp dụng hoặc đe dọa áp thuế quan cụ thể cho từng ngành đối với nhiều mặt hàng này.

Vào tháng 4, Nhật Bản phải đối mặt với mức thuế 24%, trong khi Hàn Quốc phải đối mặt với mức thuế 25%. Bây giờ, cả hai đều phải đối mặt với mức thuế 25%.

Mặc dù các nước khác xuất khẩu ít hàng hóa hơn đến Mỹ so với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng trong nhiều trường hợp, họ lại là một trong những nguồn hàng hóa nước ngoài hàng đầu. Ví dụ, Nam Phi, nơi sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 30%, chiếm gần một nửa lượng bạch kim mà Mỹ nhập khẩu từ các quốc gia khác vào năm ngoái và là nhà cung cấp nước ngoài hàng đầu về mặt hàng này.

Malaysia, quốc gia sẽ phải chịu mức thuế 24% so với mức 25% mà ông Trump công bố vào tháng 4, là nguồn cung cấp chất bán dẫn lớn thứ hai vào Mỹ vào năm ngoái, với lượng mua trị giá 18 tỷ đô la từ Mỹ.

Trong khi đó, Bangladesh, Indonesia và Campuchia là những trung tâm sản xuất hàng đầu về hàng may mặc và phụ kiện.

Thị trường cổ phiếu sụt giảm

Cổ phiếu sụt giảm sau khi Tổng thống Mỹ công bố loạt thư đầu tiên và tiếp tục giảm khi ông Trump công bố mức thuế quan khác nhau từ 25% đến 40% đối với các quốc gia.

Mặc dù ông Trump nói rằng thuế quan sẽ không được áp dụng chồng lên thuế quan theo ngành, cổ phiếu của các công ty ô tô tại Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn đã giảm mạnh. Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các hãng ô tô lớn của Nhật Bản là Toyota, Nissan và Honda lần lượt giảm 4%, 7,16% và 3,86%.

Chỉ số Dow đóng cửa giảm 422 điểm, tương đương 0,94%. S&P 500 giảm 0,79% và Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 0,92%. Ba chỉ số chính đã có ngày tồi tệ nhất trong khoảng ba tuần. Trong khi đó, cổ phiếu ở châu Á bắt đầu giao dịch đi ngang vào 8/7.

Quỳnh Vũ