Chính trị

Chuyện hàng ngày ở xã

Lê Minh Hoan 08/07/2025 16:26

Sáng sớm, khi những cánh cò còn chấp chới trên đồng, anh Tư, Chủ tịch xã, đã ghé quán cà phê đầu chợ. Vẫn như thường lệ, anh gọi ly cà phê đen không đường, không phải vì “ghiền” mà vì “muốn nghe chuyện dân”.

cover(3).jpg

Sáng sớm, khi những cánh cò còn chấp chới trên đồng, anh Tư, Chủ tịch xã, đã ghé quán cà phê đầu chợ. Vẫn như thường lệ, anh gọi ly cà phê đen không đường, không phải vì “ghiền” mà vì “muốn nghe chuyện dân”.

Cô Hai chủ quán vừa lau bàn vừa nói: “Hôm qua có bà cụ lên xin giấy khai tử cho ông chồng mất đã lâu. Thấy bà lưng còng, viết không nổi, phải nhờ người khác điền giùm mà cũng trầy trật. Tội nghiệp!”.

Nghe xong, anh Tư lặng người. Lúc quay về trụ sở UBND xã, anh bước chậm hơn mọi khi. Dọc đường, anh ghé thăm một cán bộ về hưu tặng quyển sách hướng dẫn cách trị liệu những bệnh tuổi già thường gặp, đến nhà có đứa trẻ vừa bỏ học, rồi ghé qua con mương sau đình làng, nơi có mùi hôi mấy ngày chưa ai xử lý. Những điều nho nhỏ vậy, nhưng dường như đâu đó trong anh đã gợi lên một câu hỏi lớn: Phải chăng xã - phường nên bắt đầu đổi mới từ chính những việc giản dị mỗi ngày?

anh-1.jpg
Lãnh đạo Thành phố Cần Thơ kiểm tra Trung tâm phục vụ hành chính công Phường Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: Nguyễn Hành

Bắt đầu từ những việc không tên

Không thiếu những nghị quyết, kế hoạch, văn bản hướng dẫn từ trên gửi xuống. Không thiếu những nghị định, thông tư quy định chức năng nhiệm vụ của từng người, từng phòng ban. Nhưng điều dân cần lại chính là chính quyền biết cúi xuống, lắng nghe, đồng hành, biết nghĩ ra công việc hàng ngày mà không chờ cấp trên chỉ đạo.

Trung tâm HCC phường Mỹ Ngãi, tỉnh Đồng Tháp 2
Người dân thực hiện hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công phường Mỹ Ngãi, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Câu chuyện của bà cụ xin giấy khai tử hôm ấy trở thành “chuyện gợi mở” cho cả xã. Anh Tư cùng cán bộ Trung tâm Hành chính công bàn nhau lập một góc hỗ trợ người già - người yếu thế, nơi có máy tính đơn giản, chữ to, bàn ghế thấp, và một cán bộ trực hằng ngày để hỗ trợ.

Còn chuyện con mương hôi thối, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Đô thị phối hợp tổ dân phố, đoàn thanh niên tổ chức tổng vệ sinh môi trường vào chiều cuối tuần. Từ đó, người dân không chỉ góp công mà còn góp ý, những điều mà lâu nay họ tưởng chỉ để “cán bộ lo”.

Thanh niên ra quân hưởng ứng phong trào tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội. Nguồn: kinhtedothi.vn

Mỗi phòng một việc, nhưng cùng đi một hướng

Văn phòng HĐND - UBND mỗi sáng mở cổng là bắt đầu một ngày hối hả. Cán bộ, công chức tất bật với đơn thư, sắp lịch họp, theo dõi từng văn bản gửi về. Nhưng từ sau hôm “nghe chuyện bà cụ”, các anh chị ở đây thay đổi cách làm. Mọi người không chỉ làm đúng quy trình, mà còn hướng dẫn thêm, viết hộ đơn khi cần, tạo cảm giác thân thiện như người nhà.

Phòng Kinh tế không chỉ lo đường, lo điện, lo cây xanh, mà còn phải gần dân. Cán bộ đi thực địa nhiều hơn, biết chỗ nào ruộng thiếu nước, chỗ nào nhà sắp xây, chỗ nào hộ nghèo muốn chuyển đổi nghề. Công chức phụ trách không chỉ giải quyết vụ việc, mà còn chủ động gợi ý cho dân: Bác nên làm thế này để dễ được phê duyệt”, “Anh thử mô hình này, tôi sẽ kết nối bên ngân hàng hỗ trợ vốn”.

Phòng Văn hóa - Xã hội thì như những người bạn đồng hành với từng cảnh đời. Họ đến thăm hộ nghèo, phối hợp trường học theo dõi trẻ bỏ học, tổ chức lớp kỹ năng sống vào dịp hè. Họ không đợi các dịp lễ mới làm sự kiện, mà coi mỗi ngày đều là cơ hội để gắn kết cộng đồng, lan tỏa nhân ái. Mỗi người đều hiểu rằng “Không ai bị bỏ lại phía sau” không phải là một khẩu hiệu suông, không phải chỉ là nhiệm vụ, mà là bổn phận xuất phát từ trong trái tim.

Cấp xã sau sáp nhập: Quyền nhiều hơn, trách nhiệm lớn hơn - Ảnh 2.
Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính. Nguồn: thanhnien.vn

Trung tâm Hành chính công, nơi “mặt tiền” của chính quyền, cũng thay đổi nhiều. Không còn cảnh người dân chờ đợi mỏi mòn, hồ sơ vòng tới vòng lui. Công chức ân cần: “Cô ơi, có cần cháu viết giúp không?”, biết mỉm cười khi giải thích một thủ tục phức tạp, và biết nói lời cảm ơn khi người dân phản ánh sai sót.

Gieo một hạt thay đổi, gặt cả niềm tin

Mỗi sáng, anh Tư lại ghé quán cà phê của cô Hai. Giờ đây, quán không chỉ bán nước mà còn là “trạm thông tin nhân dân”. Dân tới ngồi, không chỉ uống cà phê mà còn kể chuyện xóm làng, góp ý chuyện trụ sở, thủ tục, an ninh, môi trường.

Một buổi sáng nọ, chú Năm, người từng nói “cán bộ xã xa dân lắm”, lại đến đưa tận tay một đơn thư góp ý: “Tui thấy mấy bữa nay trụ sở xã thân thiện hơn rồi. Nhưng còn cái nhà vệ sinh sau phòng tiếp dân, mùi lắm nghen. Làm ơn sửa lại!”. Chị Ba, tiểu thương ở ngôi chợ gần Ủy ban ghé vội gửi gắm: “Mấy ngày nay chỗ gửi xe làm ăn lượm thượm quá, bà con đi chợ hơi phiền, mấy chú xuống coi sao!”.

Anh Tư nhận lấy đơn và những lời nhắn gửi mà miệng mỉm cười. Đơn giản thôi. Nhưng đó là dấu hiệu của một sự thay đổi: từ thờ ơ sang tin tưởng, từ nghi ngại sang góp sức.

Làm chính quyền, không phải để ngồi trên mà để sát bên

Sự đổi mới của bộ máy cấp xã, phường không nằm ở tên gọi của từng phòng ban, mà ở cách mỗi cán bộ làm việc mỗi ngày. Mỗi phòng ban có thể có chức năng riêng, nhưng tất cả cùng chung một mục tiêu: phục vụ dân tử tế, gần gũi, kịp thời.

z6780348028779_412e9fa74808f9652b59c629aa4a8f4a.jpg
Đoàn viên tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tại phường Mỹ Thọ, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hữu Nghĩa

Tư duy mới không cần bắt đầu bằng những từ hoa mỹ. Chỉ cần bắt đầu từ những câu hỏi giản dị: “Hôm nay, mình đã giúp được ai chưa? Mình đã làm cho ai thấy dễ chịu hơn, an tâm hơn khi đến trụ sở xã chưa? Làm thế nào để hiệu quả hơn, thực chất hơn phong trào bình dân học vụ số?… Làm gì? Làm thế nào? Làm cho ai? - là những câu hỏi hàng ngày của lãnh đạo xã.

Lãnh đạo bằng cách đặt câu hỏi là một trong những nghệ thuật quản trị địa phương sâu sắc và tinh tế nhất. Bởi nó không chỉ giúp mở ra suy nghĩ, mà còn mở đường cho sự đồng hành. Câu hỏi không phải là dấu hiệu của sự thiếu hiểu biết, mà là chìa khoá khơi dậy trí tuệ tập thể, thúc đẩy sự chủ động và sáng tạo.

Câu chuyện mỗi ngày - nền móng của chính quyền vì dân

Hành trình đổi mới ở cấp xã, phường không đến từ các cuộc họp lớn, mà đến từ những chuyện nhỏ. Một hộ nghèo được hỗ trợ giấy tờ nhanh gọn, đỡ phải đi lại nhiều lần. Một cụ già không còn run rẩy vì thủ tục, vì đã có người hướng dẫn tận tình. Một đoạn đường hư được vá lại chỉ sau vài ngày phản ánh. Một học sinh nghèo được Phòng Văn hóa - Xã hội vận động quay lại lớp. Một doanh nghiệp nhỏ được Phòng Kinh tế tư vấn miễn phí về giấy phép môi trường. Một người dân góp ý và thấy mình được lắng nghe…

www.jpg
Người dân làm thủ tục xin cấp số nhà tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: thanhnien.vn

Tất cả những điều ấy tưởng chừng nhỏ, nhưng chính là hạt giống của lòng tin. Mỗi ngày tưới tắm bằng sự tận tụy, bằng cách hành xử tử tế, rồi sẽ đơm hoa thành niềm tin vào chính quyền, vào cán bộ công chức.

“Chuyện hàng ngày ở xã” không chỉ là những công việc hành chính đều đặn. Đó là i diễn ra sự thay đổi thầm lặng nhưng bền bỉ. Nơi mà mỗi cán bộ, mỗi người dân đều có thể góp một phần vào hành trình làm cho quê hương tốt đẹp hơn, cho chính quyền gần dân hơn.

Thủ tục hướng dẫn người dân đến làm giấy tờ tại xã Vị Thủy, TP. Cần Thơ; ảnh Nguyễn Hành
Bảng hướng dẫn người dân đến làm giấy tờ tại xã Vị Thủy, TP. Cần Thơ. Ảnh Nguyễn Hành

Không cần khẩu hiệu cải cách to tát. Chỉ cần một tinh thần: Đừng để bất kỳ bà con nào rời trụ sở xã mà mang theo nỗi bực mình. Chỉ cần như thế, xã - phường sẽ không còn là “cấp dưới cùng”, mà là nơi bắt đầu mọi hy vọng.

Trình bày: Duy Thông

Lê Minh Hoan