Hàng trăm ô tô đỗ tràn lòng đường Vũ Tông Phan: Tiện cho mình, khó cho vạn người
Vào khung giờ cao điểm sáng và chiều mỗi ngày, dòng phương tiện phải chen chúc nhau qua đoạn đường Vũ Tông Phan (thuộc địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Nguyên nhân của tình trạng nêu trên không phải do tai nạn hay thi công, mà bắt nguồn từ hàng dài ô tô cá nhân, xe tải nhẹ,… ngang nhiên đỗ tràn một làn đường sát bờ sông Tô Lịch biến đoạn đường này thành “điểm đen” về giao thông suốt nhiều năm qua.
“Chúng tôi không hiểu vì sao họ có thể đỗ xe như vậy suốt nhiều năm mà không thấy áy náy. Một người tiện là hàng trăm người khác khổ sở vô cùng tận. Vỉa hè cũng bị chiếm, lòng đường cũng bị chiếm, đi lại chẳng khác nào đánh đố,” ông N.V.Q. - một người dân sống gần khu vực bức xúc.
Vỉa hè, lòng đường đều bị chiếm dụng nghiêm trọng
Theo ghi nhận của phóng viên vào khung giờ cao điểm sáng (từ 7h15 đến 8h30) và chiều (từ 17h đến 18h30), hàng loạt ô tô nối đuôi nhau đỗ kín một làn đường sát mép sông, kéo dài từ khu vực gần cầu Khương Đình đến ngã ba Vũ Tông Phan - Giải Phóng.


Điều này khiến người tham gia giao thông rơi vào tình cảnh “điền vào chỗ trống”: xe máy buộc phải luồn lách, chui qua từng khoảng trống giữa các xe, hoặc dạt sang làn đối diện, đối mặt với nguy cơ va chạm. Học sinh, người già, phụ nữ mang thai… trở nên vô cùng yếu thế giữa dòng xe hỗn loạn.

Thực tế tình trạng đỗ xe sai quy định không còn là câu chuyện mới. Nhưng điều đáng nói ở đây là mức độ trơ lì, “sống chết mặc bay” của một phận người sử dụng ô tô.
Họ chọn điểm đỗ không theo biển báo, không quan tâm ảnh hưởng, miễn là… tiện cho mình. Nhiều người đỗ xe xong là bước thẳng vào quán cà phê, tiệm ăn ven đường; vài tiếng sau mới quay lại, giữa lúc dòng phương tiện vẫn loay hoay luồn lách.


Không thể đổ hết lỗi cho hạ tầng hay thiếu chỗ đỗ xe. Bởi nếu có ý thức, mỗi người đều có thể tìm được giải pháp ít cản trở nhất. Việc đỗ xe trái phép giữa lòng đường không đơn thuần là vi phạm hành chính, mà còn là biểu hiện của lối sống thiếu trách nhiệm với cộng đồng - nơi mà sự bất tiện của người khác được xem như chuyện không liên quan.


Chia sẻ về trải nghiệm một lần va quệt “nhớ đời” tại đoạn đường này, chị N.H.T. chia sẻ: “Không có lối đi, xe máy cứ thấy nào trống là tạt vào, chẳng còn phân biệt làn nào với làn nào.
Trước không may vì mải tránh xe đang đỗ nên tôi lỡ “phi vào” ô tô của anh người Ninh Bình, khiến xe anh ấy bị móp. Cũng may người không có vấn đề gì nên anh ấy cũng thông cảm. Đi đoạn này phải thật gan, chứ không dễ tai nạn lắm.”
Khi sự vô tâm trở thành thói quen
”Đừng đổ lỗi cho đường hẹp, đừng nói rằng không có chỗ đỗ. Ai cũng bận, ai cũng muốn nhanh xong việc, ai cũng nghĩ cho bản thân trước thì đường phố này sẽ không còn đường mà đi nữa,” chị T.L. - một nhân viên văn phòng trong lúc dắt xe qua đoạn đường chật cứng.
Nhiều người đỗ xe sai dường như đã quá quen với việc “không ai xử lý”, nên càng ngày càng xem thường quy định. Thực tế, cơ quan chức năng đã thường xuyên quan tâm, rà soát nhưng cuối cùng câu chuyện vẫn quay về vòng tròn cũ: khi “khuất bóng” lực lượng chức năng thì sai phạm dần được mặc định là chuyện thường.
Nhưng nguy hiểm nhất chính là khi sự vô tâm biến thành thói quen. Khi đỗ sai không còn là chuyện cá biệt, mà trở thành phổ biến thì vấn đề không còn nằm ở chỗ đỗ xe, mà nằm ở nền tảng ý thức của cả cộng đồng.
Không ai sinh ra đã biết cư xử văn minh nơi công cộng. Đó là điều phải học bằng trải nghiệm, bằng sự tự soi chiếu. Một chiếc xe đỗ đúng chỗ sẽ giúp hàng trăm người khác di chuyển an toàn, giúp thành phố không trở thành mê cung giao thông khốn khổ.
Đôi khi, thay vì hỏi “vì sao chính quyền chưa xử lý?”, có lẽ đã đến lúc mỗi người cần tự hỏi lại chính mình: “Tôi đã đỗ xe đúng chưa? Tôi có đang gây cản trở cho ai không?” Và chỉ cần câu trả lời là “có”, thì xin hãy lùi lại. Một bước lùi vì cộng đồng, là một bước tiến của thành phố.
Vũ Tông Phan có thể là một tuyến phố nhỏ, nhưng câu chuyện nơi đây không hề nhỏ. Nó là phép thử cho cách chúng ta cùng sống, cùng di chuyển, cùng xây dựng nếp sống văn minh trong một thành phố đang lớn dần hàng ngày.