Văn phòng Quốc hội tổ chức lớp bồi dưỡng văn hóa công vụ
Sáng 8/7, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp và văn hóa công vụ cho công chức, viên chức, người lao động.
Lớp bồi dưỡng có sự tham gia của lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị và đông đảo công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội. TS. Nguyễn Thị Hà - Giảng viên cao cấp Viện Lãnh đạo học và Hành chính công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã chia sẻ những thông tin hữu ích về văn hóa công vụ và kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong thực thi công vụ.

Theo đó, có thể hiểu một cách chung nhất văn hoá công vụ là hệ thống các chuẩn mực, giá trị, niềm tin hình thành trong nhận thức, tạo nên tầm nhìn, tác động đến hành vi và lề lối làm việc, cách ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ, có khả năng lưu truyền và ảnh hưởng tới chất lượng công vụ.
Ở nước ta, trong những năm gần đây, nhiều quy tắc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội… đều nhấn mạnh khía cạnh văn hóa nhằm tăng tính chất điều chỉnh hành vi. Điều này càng khẳng định, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, văn hóa luôn là nền tảng để xây dựng đạo đức con người nói chung và đạo đức trong từng lĩnh vực hoạt động nói riêng. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa công vụ nói chung, đạo đức công vụ nói riêng phải bắt đầu từ xây dựng văn hóa phục vụ của từng cá nhân trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

TS. Nguyễn Thị Hà cũng nhấn mạnh, văn hóa công vụ là sự tổng hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố: đạo đức công vụ, tri thức công vụ và hành vi công vụ. Nâng cao văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức là một trong những vấn đề chính của cải cách hành chính nhà nước, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, lưu ý bên cạnh những mặt tích cực, văn hóa công vụ Việt Nam vẫn còn đối mặt với không ít những thách thức như: sự bất cập về tri thức công vụ (nhiều vấn đề thực tiễn bức xúc chưa được lý giải về lý luận và chưa kịp thời đúc rút kinh nghiệm); nguy cơ xói mòn các giá trị truyền thống trong hoạt động công vụ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chính là quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa từ tốt sang xấu của một bộ phận cán bộ, đảng viên; hiệu quả công vụ còn nhiều hạn chế...

Về giải pháp phát triển văn hóa công vụ, TS. Nguyễn Thị Hà cho rằng, văn hóa công vụ cần được xem là nội dung cơ bản trong cải cách công vụ, công chức. Muốn xây dựng văn hóa công vụ, phải chú trọng xây dựng con người, hoàn thiện nhân cách trong hoạt động công vụ mà trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý được giao trọng trách ở các cấp, các ngành.
Cùng với đó, cần xây dựng hệ giá trị văn hóa công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam đó là khát vọng cống hiến cho dân tộc, tinh thần yêu nước, nhân ái, sự liêm chính, trung thực, tinh thần trọng chân lý, trọng nhân dân, thượng tôn pháp luật. Cán bộ, công chức ý thức đầy đủ về bổn phận, trách nhiệm của mình trong hoạt động công vụ, trong mối quan hệ với tổ chức, công dân.



Cũng tại lớp bồi dưỡng, các đại biểu đã nghe TS. Nguyễn Thị Hà giới thiệu về giao tiếp hành chính. Trong đó, một số kỹ năng giao tiếp hành chính bao gồm: kỹ năng lắng nghe; kỹ năng sử dụng yếu tố phi ngôn từ trong giao tiếp hành chính; kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong nội bộ cơ quan, tổ chức; kỹ năng giao tiếp, ứng xử với công dân, tổ chức; kỹ năng giao tiếp thông qua một số phương tiện truyền thông hiện đại...