Mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành: Cần trao quyền tự chủ cao
Theo nghiên cứu, các trường kinh doanh thành công thường được trao quyền tự chủ cao trong việc ra quyết định về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo. Điều này giúp họ phản ứng nhanh hơn với các thay đổi của thị trường và nhu cầu doanh nghiệp.
Ngày 7/7, Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành”.


Mô hình đại học thông minh và đa ngành là một xu thế tất yếu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Đại học Kinh tế Quốc dân là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Việt Nam, với gần 70 năm hình thành và phát triển, luôn giữ vai trò tiên phong trong đổi mới giáo dục, nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách.
Trong lộ trình phát triển theo định hướng đại học đa ngành, ngày 18/12/2023, Hội đồng trường đã ban hành Nghị quyết thành lập Trường Kinh doanh thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân. Đây là một bước đi chiến lược, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ về mô hình tổ chức và quản trị trong nhà trường.
Ngày 15/11/2024, Chính phủ chính thức phê duyệt việc chuyển đổi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân - trở thành đại học thứ 9 trong cả nước theo mô hình đại học đa ngành. Quyết định này mở ra một giai đoạn phát triển mới của Đại học với nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức trong quá trình tổ chức và vận hành bộ máy.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang tác động mạnh mẽ đến giáo dục đại học toàn cầu, các cơ sở đào tạo - trong đó có Đại học Kinh tế Quốc dân thì việc tái cấu trúc theo mô hình đại học thông minh và đa ngành là một xu thế tất yếu.
Đi cùng với xu thế đó là những vấn đề mới đặt ra, đặc biệt trong việc xây dựng và triển khai mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành - một chủ đề đang nhận được sự quan tâm sâu sắc từ các nhà quản lý và giới học thuật.

Vì vậy, Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Mô hình Trường Kinh doanh thuộc Đại học đa ngành” được tổ chức nhằm tạo ra một diễn đàn học thuật và thực tiễn, nơi các nhà quản lý, học giả, chuyên gia và giảng viên cùng nhau trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức, vận hành và phát triển Trường Kinh doanh trong mô hình đại học đa ngành.
GS.TS Nguyễn Thành Hiếu đề xuất một trong những nội dung quan trọng cần được thảo luận trong Hội thảo là chiến lược phát triển lâu dài của Trường Kinh doanh, trong đó xác định mũi nhọn phát triển của chiến lược, điều kiện để thực hiện (điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất), quyền tự chủ của trường thành viên ở mức độ nào,... Đặc biệt, cần thảo luận về mô hình đào tạo sắp tới của Trường Kinh doanh, trong bối cảnh chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng có tác động lớn.
Tái cấu trúc Trường Kinh doanh
Theo PGS.TS Phạm Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân, đại diện ban tổ chức hội thảo Quốc gia đã phát biểu đề dẫn về 6 nhóm vấn đề chính mà các bài tham luận trong kỷ yếu được đề cập cũng như tập trung trao đổi tại phiên hội nghị: Làm rõ mô hình tổ chức và quản trị trường kinh doanh trong cơ cấu đại học đa ngành; Tự chủ về tài chính và các giải pháp tạo nguồn thu bền vững; Xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập, liên ngành, xuyên ngành hướng tới đạt chuẩn quốc tế; Đẩy mạnh nghiên cứu dụng kết nối doanh nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; Định vị thương hiệu mang bản sắc của trường, xác lập lộ trình đạt giấy chứng nhận và nâng cao xếp hạng học thuật toàn cầu; Phân tích khung thể chế và chính sách quản lý giáo dục ảnh hưởng đến quyền tự chủ, nghiên cứu những cải cách cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình này phát triển bền vững.
Phó giáo sư cũng cho rằng, trong những năm gần đây, giáo dục đại học trên thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trước yêu cầu mới của thời đại số, toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng.
Một trong những xu hướng nổi bật là chuyển đổi từ mô hình đại học đơn ngành sang đại học đa ngành, hướng tới xây dựng các trường đại học thông minh, có tính tự chủ cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - giảng dạy - đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng.
Tại Việt Nam, sự kiện Chính phủ chính thức phê duyệt chuyển đổi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thành Đại học Kinh tế Quốc dân không chỉ đánh dấu bước phát triển vượt bậc của một cơ sở giáo dục đại học hàng đầu, mà còn đặt ra nhiều thách thức mới trong tổ chức bộ máy, quản trị học thuật và định vị thương hiệu các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Trường Kinh doanh.

“Trường Kinh doanh, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý và đổi mới sáng tạo, cần có mô hình tổ chức, cơ chế vận hành và chiến lược phát triển phù hợp trong bối cảnh chuyển đổi và phát triển đại học đa ngành hiện nay.
Việc tái cấu trúc Trường Kinh doanh không chỉ là yêu cầu nội tại của một tổ chức giáo dục, mà còn là xu thế khách quan trước áp lực cạnh tranh quốc tế, nhu cầu thị trường lao động và định hướng tự chủ đại học”, PGS.TS Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.
Tăng tính tự chủ trong quản trị
Tại Hội thảo, ThS Trịnh Thị Hồng Thái, khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Kinh doanh đã nêu góc nhìn từ kinh nghiệm quốc tế về mô hình Trường Kinh doanh. Từ đó, nhấn mạnh một số bài học quan trọng cho việc phát triển trường kinh doanh thuộc đại học đa ngành.
ThS Trịnh Thị Hồng Thái cho rằng bài học trước nhất đến từ tự chủ trong quản trị. Theo nghiên cứu của Tiraboschi và Castellano (2020), các trường kinh doanh thành công thường được trao quyền tự chủ cao trong việc ra quyết định về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo. Điều này giúp họ phản ứng nhanh hơn với các thay đổi của thị trường và nhu cầu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là cân bằng giữa học thuật và thực tiễn. Nghiên cứu của Bennis và O’Toole (2021) chỉ ra rằng, các trường kinh doanh hàng đầu thế giới đều duy trì sự cân bằng giữa nghiên cứu học thuật nghiêm túc và ứng dụng thực tiễn. Họ khuyến khích đội ngũ giảng viên vừa đáp ứng tiêu chuẩn nghiên cứu quốc tế, vừa có kinh nghiệm thực tế hoặc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp.
Các trường kinh doanh cũng có thể có các khoa và trong đó có bộ môn chuyên sâu về nghiên cứu và giảng dạy. Các nội dung nghiên cứu, giảng dạy thuộc ngành kinh doanh hoặc liên ngành.
TS Ngô Quỳnh An, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực, Trường Kinh doanh trình bày về mô hình kết hợp giảng viên lý thuyết và giảng viên thực tế để tăng tính thực tiễn trong đào tạo đại học.

Theo TS Ngô Quỳnh An, để triển khai mô hình kết hợp giảng viên thực tế hiệu quả và giải quyết các nhu cầu đã xác định, cần thiết kế lại chương trình giảng dạy với các mục tiêu tích hợp: Xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp nền tảng lý thuyết, ứng dụng thực tế và phát triển chuyên môn.
Theo đó, nên triển khai các dự án hợp tác bắt buộc do cả giảng viên lý thuyết và thực hành giám sát, đảm bảo sự kết hợp liền mạch giữa tính nghiêm ngặt trong học thuật và tính phù hợp với ngành. Các đánh giá thường xuyên, dựa trên kết quả của sinh viên và phản hồi của nhà tuyển dụng nên được thể chế hóa để duy trì sự phù hợp với xu hướng thị trường và các tiêu chuẩn giáo dục.
Đồng thời, tăng cường mạng lưới tổ chức/doanh nghiệp đối tác. Thiết lập một mạng lưới các tổ chức tuyển dụng mạnh mẽ thông qua các quan hệ đối tác chiến lược theo mô hình khuôn khổ giáo dục hợp tác. Điều này có thể đạt được bằng cách thúc đẩy sự hợp tác chính thức giữa trường đại học và doanh nghiệp, khuyến khích phát triển chung các sản phẩm và chương trình đào tạo sáng tạo.
Về chiến lược phát triển và duy trì giảng viên, TS Ngô Quỳnh An đề xuất cần xây dựng đội ngũ giảng viên ổn định, chất lượng cao bằng cách tuyển dụng - duy trì giảng viên lý thuyết có hồ sơ nghiên cứu đã được chứng minh và giảng viên thực hành có 3 - 5 năm kinh nghiệm trong ngành.
Triển khai các biện pháp khuyến khích, chẳng hạn như cơ hội thăng tiến nghề nghiệp, mức lương cạnh tranh và các chương trình phát triển chuyên môn để giữ chân nhân tài. Giải quyết sự chênh lệch bằng cách tách biệt các vai trò quản lý và giảng dạy để đảm bảo chất lượng và cung cấp triển vọng thăng tiến công bằng cho giảng viên tận tụy.


GS.TS Neil Quigley, Hiệu trưởng Đại học Waikato, New Zealand đã chia sẻ một số ý tưởng, kinh nghiệm mà Đại học Waikato triển khai đối với việc đảm bảo chất lượng, đảm bảo thứ hạng cao và quản lý chất lượng cả về học thuật, nghiên cứu tại tất cả các trường nhỏ trong Đại học Waikato.
Theo GS.TS Neil Quigley, Đại học Waikato có một chiến lược phát triển chung, tổng thể cho toàn trường, dưới đó thì mỗi trường nhỏ sẽ xây dựng chiến lược riêng. Chiến lược chung không đưa ra những chi tiết quá cụ thể để tạo sự linh hoạt nhất định cho các trường nhỏ tự xây dựng, triển khai mà không bị ảnh hưởng đến chiến lược chung.