Đời sống

Phổ biến, giáo dục pháp luậtTăng tốc số hóa, hoàn thiện thể chế, hướng tới người dân

Thảo Mộc 07/07/2025 08:19

Trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy, khối lượng công việc phát sinh ngày càng lớn, đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và trợ giúp pháp lý (TGPL). Trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục PBGDPL và TGPL (Bộ Tư pháp) đã phát huy tốt vai trò tham mưu, điều phối và tổ chức thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, cần sự đột phá về thể chế, tư duy tiếp cận và ứng dụng công nghệ.

Triển khai toàn diện những nhiệm vụ trọng tâm

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, giải pháp 6 tháng cuối năm do Cục PBGDPL và TGPL, bà Lê Thị Thu Hà, Chánh Văn phòng Cục cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục đã nỗ lực triển khai đồng bộ các mặt công tác, từ xây dựng thể chế, hướng dẫn nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, đến truyền thông chính sách, hòa giải cơ sở và TGPL.

Trong đó, chủ động triển khai toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, không chỉ bảo đảm tiến độ kế hoạch mà còn xử lý kịp thời các nhiệm vụ phát sinh đột xuất như xây dựng Cổng Pháp luật quốc gia, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, tham mưu sửa đổi các quyết định và thông tư quan trọng.

Về xây dựng thể chế và ban hành văn bản, Cục đã tham mưu, ban hành 116 quyết định, 34 kế hoạch, 43 văn bản hướng dẫn, phục vụ triển khai đồng bộ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Nổi bật là đề xuất thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; tích hợp nội dung TGPL vào Thông tư số 09 và 11/2025/TT-BTP; xây dựng Đề án phát triển TGPL đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

ANH PBPL 5.3.2025_xuAZLjMjhkeXNY9l (1)
Tuyên truyền pháp luật thông qua việc sử dụng có hiệu quả tài liệu, sách, báo, tạp chí, bản tin. Ảnh: Diệu Linh

Ở lĩnh vực TGPL, các tổ chức thực hiện TGPL trên toàn quốc đã thụ lý 16.630 vụ việc, trong đó có 14.113 vụ tham gia tố tụng, 2.420 vụ tư vấn, 96 vụ đại diện ngoài tố tụng. Tỷ lệ vụ việc tham gia tố tụng thành công là 3.787 vụ (chiếm 22,8%). Cục cũng hướng dẫn nghiệp vụ, đánh giá thực tiễn tại 15 địa phương, tổ chức kiểm tra kết quả tập sự và cấp phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Về PBGDPL, Cục đã triển khai nhiều nhiệm vụ cấp bách: tổ chức Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về Bộ, ngành tư pháp"; thực hiện vai trò Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương; truyền thông về các chính sách mới như Nghị quyết số 66-NQ/TW, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013; phối hợp truyền thông về Ngày Pháp luật, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật Trợ giúp pháp lý. Song song với đó, sử dụng có hiệu quả tài liệu, sách, báo, tạp chí, bản tin các loại như Bản tin Tư pháp, sách pháp luật, sách bỏ túi, tờ gấp tìm hiểu pháp luật nhằm tuyên truyền, PBGDPL cho người dân...

Ngoài ra, Cục cũng triển khai Đề án nâng cao năng lực hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quản lý chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nghiên cứu hợp nhất hai Hội đồng phối hợp để bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực trong chỉ đạo.

Đặc biệt, nhiệm vụ chuyển đổi số được đẩy mạnh. Cục đã tiếp nhận và xử lý 4.306 văn bản đến, ban hành 1.007 văn bản đi, bảo đảm vận hành thông suốt qua hệ thống điện tử. Cùng với đó, việc xây dựng và vận hành Cổng Pháp luật quốc gia được triển khai với tinh thần quyết liệt, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước về pháp luật trong môi trường số.

Đổi mới cách làm, bảo đảm hiệu quả và toàn diện

Dù đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, công tác PBGDPL và TGPL vẫn đang đối mặt với một số khó khăn lớn. Đơn cử như khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ phát sinh ngoài kế hoạch, trong khi biên chế và nguồn lực hạn chế; chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập đơn vị hành chính, dẫn đến khó khăn trong chỉ đạo điều hành, thống nhất hệ thống thể chế.

Một số hội nghị, hội thảo, tập huấn bị lùi tiến độ, ảnh hưởng đến chất lượng triển khai nhiệm vụ; tỷ lệ thành công của vụ việc TGPL tham gia tố tụng còn khiêm tốn, đòi hỏi nâng cao chất lượng cán bộ và tổ chức phối hợp liên ngành; chuyển đổi số mới bước đầu, còn thiếu cơ chế đánh giá hiệu quả, chưa gắn với nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục PBGDPL và TGPL Lê Vệ Quốc nhấn mạnh, 6 tháng cuối năm là giai đoạn bản lề, cần tập trung trí tuệ, nguồn lực và đổi mới cách làm để bảo đảm hiệu quả toàn diện. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tham mưu hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt là thay thế Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; tiếp tục xây dựng các thông tư, nghị định hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật sửa đổi.

Song song với đó, triển khai hiệu quả Cổng Pháp luật quốc gia, hoàn thiện nội dung, cấu trúc, tạo điều kiện cho người dân - doanh nghiệp dễ tiếp cận, đồng thời khai thác hiệu quả vai trò của luật sư, chuyên gia pháp lý trong tư vấn chính sách. Đặc biệt, đẩy mạnh truyền thông chính sách, lồng ghép trong các chương trình, sự kiện, kết nối các bộ, ngành để triển khai kế hoạch truyền thông thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc. Đồng thời, tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2025, làm rõ vai trò hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nhập quốc tế.

Mặt khác, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Chính phủ như Kết luận số 80-KL/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW, 68-NQ/TW, 140/NQ-CP… Đẩy mạnh số hóa và thống kê, áp dụng phần mềm quản lý văn bản thông minh, tăng cường kết nối dữ liệu giữa trung ương - địa phương - cơ sở.

Theo lãnh đạo Cục PBGDPL và TGPL, 6 tháng cuối năm, yêu cầu không chỉ là làm đủ, làm đúng mà phải làm hiệu quả, có chiều sâu và hướng tới người dân, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi tinh thần đổi mới tư duy quản lý nhà nước, tăng cường phản ứng chính sách kịp thời, minh bạch hóa quy trình PBGDPL và TGPL, gắn kết chuyển đổi số và công bằng pháp lý.

Thảo Mộc