Nghị viện thế giới

Giáo dục AI của Trung Quốc - đòn bẩy chiến lược để định hình tương lai số

Ngọc Minh 07/07/2025 07:52

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành động lực trung tâm cho đổi mới số, Trung Quốc đang nhanh chóng triển khai một chiến lược giáo dục AI đồng bộ và bài bản, nhằm tạo dựng hệ sinh thái nhân lực đủ sâu để phục vụ phát triển quốc gia và cạnh tranh toàn cầu.

Giáo dục thông minh 2.0

Ngày 31/3/2025, nhân dịp 3 năm vận hành nền tảng Giáo dục thông minh 2.0 (Smart Education of China), Trung Quốc công bố Chiến lược hành động giáo dục kỹ thuật số 2025, nhấn mạnh vai trò then chốt của AI trong đổi mới nội dung học, phương pháp dạy và quản trị giáo dục.

foreign202302271423000062415959942.jpg
Học sinh đeo kính thực tế ảo trong giờ khoa học tại một trường tiểu học ở Tần Hoàng Đảo, tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Ảnh: Nhân dân Nhật báo

Nền tảng Smart Education 2.0, hiện là thư viện giáo dục số lớn nhất thế giới, được giới thiệu cùng các định hướng như nâng cao năng lực số giáo viên, mở rộng đào tạo ngành AI, và phát triển giáo dục suốt đời. Đáng chú ý, phiên bản quốc tế của nền tảng (csmartedu.cn), ra mắt từ tháng 1/2024, đã hỗ trợ sáu ngôn ngữ chính thức của Liên Hợp Quốc, thúc đẩy hợp tác giáo dục toàn cầu phù hợp với cam kết của Trung Quốc và mục tiêu của UNESCO.

Cấp phổ thông: Tầm nhìn dài hạn với quy chuẩn hóa quốc gia

Tháng 5/2025, Bộ Giáo dục Trung Quốc chính thức ban hành hai văn bản hướng dẫn quan trọng nhằm định hình hệ thống giáo dục AI toàn diện trong bậc phổ thông: “Hướng dẫn giáo dục AI phổ thông (2025)” và “Hướng dẫn sử dụng AI tạo sinh trong trường học (2025)”. Đây là một phần trọng tâm trong Chiến lược hành động giáo dục kỹ thuật số năm 2025, với tầm nhìn đưa Trung Quốc trở thành quốc gia sở hữu hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới vào năm 2035.

Chương trình giáo dục AI được thiết kế theo nguyên lý “xoắn ốc”, tức phát triển theo chu kỳ lặp lại nhưng ngày càng nâng cao, kết hợp cấu trúc phân tầng và tăng dần theo từng cấp học. Cụ thể, ở bậc tiểu học, mục tiêu là khơi gợi hứng thú và hình thành nhận thức nền tảng về AI. Khi lên trung học cơ sở, học sinh được tiếp cận các nguyên lý công nghệ cơ bản và thực hành ứng dụng nền tảng. Đến trung học phổ thông, chương trình nhấn mạnh tư duy hệ thống, sáng tạo và hiểu biết xã hội liên quan đến công nghệ AI.

Đáng chú ý, các hướng dẫn nêu rõ những giới hạn về mặt đạo đức và kỹ thuật nhằm bảo đảm sử dụng AI một cách an toàn và hiệu quả. Học sinh tiểu học bị cấm tự sử dụng công cụ tạo sinh nội dung mở (ví dụ như chatbot AI giúp viết văn bản), nhằm tránh rủi ro về thông tin sai lệch hoặc lệ thuộc công nghệ sớm. Đồng thời, giáo viên cũng bị nghiêm cấm sử dụng AI để thay thế vai trò giảng dạy cốt lõi, đặc biệt trong việc giải đáp câu hỏi của học sinh hoặc chấm điểm bài làm. Mọi hoạt động tích hợp AI trong trường học đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ môi trường học đường lành mạnh, nhất là không được nhập dữ liệu nhạy cảm như đề thi hoặc thông tin cá nhân vào công cụ AI.

Chiến lược này phản ánh tham vọng dài hạn của Trung Quốc trong việc xây dựng một hệ sinh thái nhân lực AI bản địa. Bằng cách thiết lập khung chương trình giáo dục thống nhất và định hướng năng lực từ sớm, Trung Quốc đặt nền móng cho việc hình thành thế hệ công dân có hiểu biết sâu về công nghệ, tư duy phản biện, sáng tạo, khả năng hợp tác hiệu quả với máy móc và có trách nhiệm với xã hội. Đây vốn là những yếu tố cốt lõi cho đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên AI.

Đại học và nghiên cứu: TPACT và hướng tiếp cận đa ngành

Hệ sinh thái AI của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở giáo dục phổ thông mà còn phát triển mạnh mẽ ở cấp đại học và nghiên cứu chuyên sâu. Các trường đại học hàng đầu như Đại học Bắc Kinh, Đại học Giao thông Thượng Hải, và Đại học Nhân dân Trung Quốc đang mở rộng quy mô tuyển sinh trong các lĩnh vực chiến lược như AI, công nghệ vi mạch, sinh học tính toán, y tế thông minh và năng lượng mới nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành công nghệ mũi nhọn.

Đáng chú ý, từ năm 2020, Trung Quốc đã thành lập Trung tâm đổi mới công nghệ AI thế hệ mới (TPACT) tại Đại học Thanh Hoa dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là một mô hình tổ hợp nghiên cứu liên ngành quy mô lớn, kết nối các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp công nghệ như Huawei, Baidu, SenseTime và iFlytek. TPACT tập trung phát triển công nghệ AI cốt lõi (như thị giác máy tính, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, máy học) và đẩy mạnh ứng dụng AI vào y tế, giáo dục, nông nghiệp chính xác, giao thông thông minh hay an ninh quốc phòng.

Ngoài TPACT, nhiều trường đại học như Đại học Chiết Giang và Đại học Khoa học và công nghệ Trung Quốc (USTC) cũng đã thành lập các viện AI riêng biệt, triển khai các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ tích hợp nhiều ngành. Chương trình học tích hợp kiến thức công nghệ với các lĩnh vực như đạo đức AI, pháp lý số, kinh tế dữ liệu và an ninh mạng, nhằm đào tạo đội ngũ kỹ sư và nhà hoạch định chính sách có tư duy tổng hợp.

Một điểm nhấn trong chiến lược giáo dục AI tại Trung Quốc là sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Sinh viên được tham gia thực tập, nghiên cứu cùng các tập đoàn công nghệ lớn ngay từ khi còn trong trường, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và ứng dụng thực tiễn. Các startup AI nội địa như DeepSeek cũng đã phối hợp cập nhật chương trình giảng dạy từ đầu năm 2024 nhằm bám sát các xu hướng phát triển nhanh chóng của lĩnh vực này.

Ở mảng nghiên cứu, Viện Nghiên cứu AI tổng quát Bắc Kinh (BIGAI), được thành lập năm 2020, đang hợp tác cùng Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa để phát triển AGI (AI tổng quát) theo định hướng “dữ liệu nhỏ, nhiệm vụ lớn”, hướng tiếp cận dựa trên lý thuyết nhận thức học tiên tiến.

Các chính sách giáo dục AI đồng bộ của Trung Quốc phản ánh rõ tham vọng trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Nguồn nhân lực với tư duy phối hợp người và máy, đạo đức nghề nghiệp và năng lực đổi mới sáng tạo chính là nền tảng cho mục tiêu đó.

Vì thế, chiến lược giáo dục AI không chỉ đơn thuần là chương trình đào tạo, mà là đòn bẩy chiến lược để định hình tương lai của nền kinh tế số lớn thứ hai thế giới.

Ngọc Minh