Diễn đàn

HĐND Nghệ An chất vấn hai nội dung trọng điểm tại Kỳ họp thứ 31

Diệp Anh 07/07/2025 07:31

Tại Kỳ họp thứ 31 diễn ra ngày 9 - 10/7 tới, HĐND tỉnh dự kiến sẽ chất vấn hai nhóm vấn đề lớn: việc thực hiện các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); công tác quản lý nhà nước với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn… Đây là những vấn đề thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đòi hỏi các giải pháp quyết liệt, đồng bộ.

Bài 1: Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh thăm dây chuyền sản xuất, nắm bắt thực tế, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: P. Quỳnh

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khắc phục các hạn chế và nâng cao PCI tiếp tục là yêu cầu cấp thiết. Dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế vẫn còn không ít bất cập cần tập trung tháo gỡ. Đây sẽ là một trong những nội dung trọng tâm được HĐND tỉnh Nghệ An tập trung chất vấn tại Kỳ họp thứ 31 tới.

Cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ

Nghệ An được biết đến là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, môi trường đầu tư vẫn còn một số “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để tăng sức hút đầu tư.

Theo Báo cáo PCI năm 2024, Nghệ An đạt 66,48 điểm, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ hai trong khu vực Bắc Trung Bộ. Dù đã có bước cải thiện so với các năm trước nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu. Một số nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là chi phí không chính thức vẫn chưa có sự chuyển biến (đạt 6.45 điểm); thủ tục hành chính vẫn còn nhiều khâu; một số dự án lớn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh quá trình giải quyết hồ sơ hành chính tại một số cơ quan, đơn vị vẫn còn phiền hà, thiếu minh bạch; quy trình xử lý còn nhiều bước trung gian, kéo dài thời gian thực hiện, ảnh hưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh... Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai nhưng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chưa cao do hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, thói quen xử lý hồ sơ giấy còn phổ biến.

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Nghệ An đã chủ động rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các cuộc đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên, cùng với việc duy trì các kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và đường dây "nóng" xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch nghiên cứu kỹ các chỉ số thành phần PCI để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, yêu cầu hoàn thành trong tháng 6/2025, làm cơ sở xây dựng các giải pháp mang tính đột phá cho giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa tạo ra chuyển biến thực sự rõ nét. Một số thủ tục đầu tư còn kéo dài do quy định chồng chéo hoặc phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ. Việc chuyển từ phương thức “quản lý” sang “phục vụ” doanh nghiệp còn hạn chế… cần các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để tháo gỡ.

Chấm dứt tình trạng phải trả chi phí không chính thức

Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An tới đây dự kiến sẽ chất vấn các sở, ngành, đơn vị liên quan nhằm làm rõ trách nhiệm trong công tác cải thiện PCI. Nhất là ở những lĩnh vực còn nhiều “điểm nghẽn” như chi phí không chính thức, thời gian giải quyết thủ tục hành chính còn kéo dài, chất lượng dịch vụ công chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo các chuyên gia, để tạo ra đột phá thực sự, Nghệ An cần tiếp tục rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Quy trình thủ tục phải được tinh gọn, minh bạch, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư. Cùng với đó, việc công khai quy trình, thành phần hồ sơ, thời gian, chi phí thực hiện trên các cổng thông tin điện tử cần thực hiện nghiêm túc, giúp doanh nghiệp dễ tra cứu, giám sát.

Nghệ An đã và đang yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục chấn chỉnh kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý dứt điểm phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý phải kiên quyết chấm dứt tình trạng doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức; tập trung rà soát, cắt giảm các thủ tục, điều kiện đầu tư kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực then chốt... Hệ thống đường dây "nóng" tiếp nhận, xử lý phản ánh của doanh nghiệp phải được duy trì thực chất, công khai, kịp thời xử lý hành vi gây phiền hà, gợi ý chi phí ngoài quy định.

Song song với đó, tỉnh tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường tham gia sâu chuỗi cung ứng nội địa và toàn cầu, hướng tới mục tiêu GRDP năm 2025 đạt 10,5% theo Nghị quyết số 25/NQ-CP... Tất cả những giải pháp này nhằm bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng, đáp ứng kỳ vọng phát triển bền vững.

Cùng với thu hút đầu tư mới, việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hiện hữu, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng được quan tâm. Tỉnh cũng đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Kỳ họp thứ 31 sắp tới là dịp quan trọng để nhìn lại những nỗ lực đã qua, thẳng thắn đánh giá tồn tại và bàn các giải pháp cụ thể, khả thi nhằm tạo ra chuyển biến thực chất trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh… Với quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người dân, Nghệ An có cơ hội bứt phá, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

Diệp Anh