Đánh thức di sản, lan tỏa giá trị văn hóa
Đầu năm 2025, tại Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian (Mỹ), một cánh diều từ Việt Nam đã được hồi sinh sau 6 thập kỷ bị quên lãng; phát hiện tình cờ này không chỉ hé lộ câu chuyện đầy ý nghĩa, mà còn mở ra câu chuyện bảo tồn và phục chế cổ vật, tác phẩm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật tại Việt Nam.
Cánh diều giữa dòng chảy lịch sử
Năm 1967, Đại tá Không quân Hoa Kỳ Robert C. “Bob” Mikesh say mê vẻ đẹp tao nhã của diều Huế, đã đặt một nghệ nhân địa phương chế tác riêng một cánh diều và mang về Mỹ theo đề nghị của ông Paul E. Garber, lúc đó là giám tuyển của Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian. Sau này, cả Mikesh và Garber đều trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực bảo tồn hàng không.
Cánh diều này - một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo từ tre, giấy, nylon và giấy bạc nhôm, đã nằm lặng lẽ trong phòng bảo quản của bảo tàng gần 60 năm, một phần vì sự đồ sộ của bộ sưu tập và giới hạn về nguồn lực bảo quản. Trong quá trình tham quan các phòng thí nghiệm, trung tâm phục chế và làm việc cùng các chuyên gia bảo tồn, Vũ Đỗ - học giả Fulbright Việt Nam đã tình cờ bắt gặp cánh diều này. Nhận thấy giá trị độc đáo của hiện vật - đặc biệt khi Việt Nam chưa có bộ sưu tập diều quy mô và phong trào nghiên cứu phục dựng đồ chơi cổ đang trỗi dậy mạnh mẽ trong nước, đã thôi thúc Vũ Đỗ đề xuất hồi sinh cánh diều.
.jpg)
Cánh diều, dù mang tính nghệ thuật, song vốn không được tạo ra để trường tồn, mà đôi khi chỉ để vui chơi vài lần rồi bỏ đi. Bởi thế, hiện trạng của nó khá giòn, dễ gãy. Tre và giấy nến, những vật liệu không kháng nước, đã bị co ngót, giòn và rách khi độ ẩm thay đổi đột ngột; ngoài ra, màu vẽ nước gốc trên cánh diều đòi hỏi sự can thiệp vô cùng thận trọng.
Trong gần một tháng, Vũ Đỗ đã phục chế thành công cánh diều dựa trên quy trình khoa học và bài bản: đo đạc, kiểm nghiệm, tìm kiếm tư liệu lưu trữ về nguồn gốc, kỹ thuật, vật liệu chế tác và câu chuyện lịch sử ẩn chứa sau hiện vật. Qua nghiên cứu, cánh diều được xác định làm từ giấy glassine, giấy cotton, sợi nylon, khung tre, chất liệu màu là phẩm nhuộm cánh kiến, được kết dính bằng chất keo da động vật.
Dựa trên kết quả nghiên cứu, Vũ Đỗ đề xuất thay thế chiếc hộp cũ không còn phù hợp. Cánh diều cần được bảo quản trong điều kiện ổn định, độ ẩm cao hơn, bởi vật liệu cực kỳ nhạy cảm với nước và sự biến đổi đột ngột của độ ẩm và nhiệt độ. Quy trình phục chế gồm vệ sinh bề mặt bằng chổi lông mềm mại và vá lại những vết rách…
Không chỉ dừng lại ở phục chế vật lý, đây còn là hành trình tìm về lịch sử. Từ những dòng thư trao đổi giữa Mikesh và Garber, cùng với mong muốn của Mikesh về việc ghi lại hình ảnh cánh diều bay trên bầu trời Việt Nam, anh Vũ Đỗ đã nỗ lực tìm kiếm thông tin về người làm ra hiện vật này. Nhờ có sự kết nối của những người bạn ở Huế, anh đã tìm được thông tin về cụ Đoàn Văn Chước (1899 - 1977), nghệ nhân làm đồ mã và diều nổi tiếng ở Huế; việc tìm thấy gia đình cụ Chước, đặc biệt là cháu nội cụ, ông Đoàn Văn Hùng, đã làm sáng tỏ nghi vấn về nguồn gốc và kỹ thuật chế tác diều.
Năm 2025 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, khiến câu chuyện "đánh thức con diều" càng thêm ý nghĩa, trở thành biểu tượng của hòa bình. Vũ Đỗ cũng ấp ủ hy vọng tái dựng con diều và ghi lại hình ảnh nó bay lượn trên bầu trời Huế, đúng theo di nguyện của Mikesh và Garber.
Gợi mở cách thức bảo tồn di sản tại Việt Nam
Chương trình phục chế diều Huế là nguồn cảm hứng và gợi mở quan trọng cho quy trình bảo quản và phục chế cổ vật, tác phẩm thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật tại Việt Nam, mở ra tiềm năng hợp tác mới mẻ trong lĩnh vực bảo quản, bảo tồn, phục chế di sản văn hóa, sản phẩm thủ công và nghệ thuật.
Theo các nhà chuyên môn, thực tế, công tác bảo tồn, bảo quản và phục chế hiện vật tại Việt Nam nhìn chung chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, dẫn đến nhiều hệ lụy. Điều này thể hiện qua việc nhiều cổ vật, tác phẩm nghệ thuật và di sản văn hóa xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí hư hỏng không thể phục hồi.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian, nơi các hiện vật được bảo tồn và bảo quản theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, anh Vũ Đỗ đặc biệt nhấn mạnh phương pháp bảo quản phòng ngừa, trong đó thiết kế hộp chuyên biệt từ vật liệu an toàn vô cùng quan trọng.
Kỹ sư Lê Chí Công, cán bộ bảo quản Bảo tàng Hà Nội, cho biết, những chiếc hộp này được làm từ vật liệu phi axit, không chứa hóa chất độc hại và được thiết kế riêng biệt, giúp bảo quản hiện vật trong vài thập kỷ.
Tầm quan trọng của bảo quản phòng ngừa càng được nhấn mạnh khi nhìn vào thực tế tại các bảo tàng lớn trên thế giới. Ví dụ, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ với 34 triệu hiện vật nhưng chỉ có vài nhân viên, đòi hỏi họ phải ưu tiên tối đa việc tạo ra càng nhiều hộp bảo quản càng tốt.
Các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn có các chương trình hợp tác đào tạo cán bộ tại các bảo tàng lớn trên thế giới, cũng như tăng cường sự gắn kết giữa các bảo tàng trong tương lai. Với sự khéo léo vốn có của người Việt Nam, tiềm năng phát triển ngành bảo quản, bảo tàng và thậm chí là xuất khẩu nhân lực chất lượng cao trong tương lai vô cùng lớn.
Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết, Bảo tàng đang đề xuất tổ chức các hội thảo và workshop chuyên sâu về bảo quản hiện vật giấy và ảnh. Mục tiêu là lan tỏa kiến thức, đưa giá trị bảo tồn vào đời sống. Điều này sẽ giúp các hiện vật, di sản không chỉ được phục chế về hình thức mà còn được đánh thức về tinh thần, qua đó lan tỏa mạnh mẽ giá trị văn hóa, lịch sử của chúng.