Luật Dữ liệu Việt Nam: Kiến tạo kỷ nguyên số vững chắc
Luật Dữ liệu, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Với khung pháp lý toàn diện, Luật không chỉ định hình cách chúng ta quản lý và khai thác dữ liệu, mà còn mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số tại Việt Nam.
Khung pháp lý toàn diện - nền tảng cho kỷ nguyên dữ liệu
Luật Dữ liệu được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh toàn diện các vấn đề xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý và sử dụng dữ liệu. Với dấu mốc này, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu đạo luật riêng về dữ liệu, khẳng định quyết tâm kiến tạo hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu.

Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Thành Vĩnh cho biết: để Luật sớm đi vào cuộc sống, Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đã tham mưu, báo cáo Lãnh đạo Bộ Công an trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đồng bộ bốn văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định quy định về Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia (Nghị định số 160/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025); Nghị định quy định hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.
Đáng chú ý, cùng với việc Luật Dữ liệu có hiệu lực từ 1/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định về Quỹ Phát triển Dữ liệu Quốc gia nhằm cụ thể hóa khoản 4 Điều 29 của Luật Dữ liệu. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, do Bộ Công an quản lý. Quỹ có ngân sách cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng/năm, với mục tiêu hỗ trợ phát triển công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, học máy; ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia, nhất là tại các địa bàn khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và thị trường dữ liệu Việt Nam.
“Quỹ được phép thực hiện các hoạt động như cho vay ưu đãi, hỗ trợ chi phí, đầu tư và nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, Quỹ cũng tiếp nhận tài trợ, đóng góp, ủy thác từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đồng hành cùng Nhà nước trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu hiện đại, an toàn, hiệu quả”- Đại tá Nguyễn Thành Vĩnh cho biết.
Đẩy mạnh truyền thông để Luật đi vào cuộc sống
Theo các luật gia cũng như chuyên gia về công nghệ, Luật Dữ liệu thiết lập một khung pháp lý toàn diện và thống nhất, điều chỉnh xuyên suốt các hoạt động thu thập, phân loại, lưu trữ, khai thác, chia sẻ và xử lý dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu xuyên biên giới. Đây không chỉ là hành lang pháp lý cho các hoạt động thu thập, xử lý và chia sẻ dữ liệu, mà còn là công cụ để thiết lập niềm tin số - yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, việc triển khai một đạo luật có tầm vóc và phạm vi ảnh hưởng sâu rộng như Luật Dữ liệu không phải là không có thách thức. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Chúng ta có luật, có nghị định của Chính phủ, có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng việc các quy định có đi vào cuộc sống hay không, có tạo ra chuyển biến thực chất hay không, phụ thuộc rất lớn vào tinh thần trách nhiệm và quyết tâm hành động của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Từ thực tế đó, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia đề nghị các đơn vị chức năng thuộc Trung tâm cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, bám sát các nhiệm vụ được giao trong Luật và các nghị định; đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến Luật Dữ liệu một cách sâu rộng tới đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân.
“Việc truyền thông cần được thực hiện một cách sáng tạo, linh hoạt, đa kênh, từ đào tạo, tập huấn nội bộ đến các nền tảng truyền thông số để mọi đối tượng đều có thể hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và những cơ hội to lớn mà dữ liệu mang lại. Chỉ khi nhận thức được nâng lên một cách thống nhất, Luật Dữ liệu mới có thể đi vào cuộc sống hiệu quả và bền vững”- Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.
Mặt khác, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia cũng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Dữ liệu Quốc gia, không chỉ trong thực thi các quy định của Luật, mà còn trong việc kiến tạo một hệ sinh thái dữ liệu quốc gia mở, minh bạch, nhân văn và phát triển bền vững.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng cần phát huy vai trò tiên phong, chủ động đóng góp dữ liệu, đầu tư công nghệ, phát triển nền tảng và dịch vụ số dựa trên dữ liệu. Bởi, sự tham gia tích cực, bền vững của khu vực tư nhân chính là chìa khóa để Việt Nam phát triển thành công nền kinh tế dữ liệu, hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia số an toàn, hiệu quả, nhân văn.