Quốc hội và Cử tri

Niềm tin về một chính quyền phục vụ

BÌNH NGUYÊN 06/07/2025 06:20

Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV để lại dấu ấn lịch sử với việc thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (mới); đây là bước hoàn thiện quan trọng về mặt thể chế, tạo cơ sở pháp lý triển khai mô hình chính quyền hai cấp - một yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn đô thị hóa và đổi mới quản trị địa phương; cùng với đó, việc thông qua 34 luật và 13 nghị quyết khác trong kỳ họp này đã thể hiện rõ vai trò kiến tạo của Quốc hội.

Từ nghị trường đến đời sống, kỳ họp đã khơi dậy niềm tin vào một chính quyền phục vụ, gần dân, vì dân.

Luật thông, thực tiễn khai mở

Một trong những dấu mốc nổi bật của Kỳ họp thứ Chín là việc thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025/QH15 ngày 16/6/2025. Luật chính thức xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phù hợp với thực tiễn phát triển, yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Bên cạnh không tổ chức cấp huyện, Luật cũng tái cấu trúc rõ ràng thẩm quyền giữa các cấp chính quyền, giữa tập thể UBND và Chủ tịch UBND, thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế phân cấp, phân quyền đi đôi với trách nhiệm giải trình.

z6774119412239_280434e369d380a8d55fd63b6dc17027.jpg
Sau một tuần đi vào hoạt động mô hình mới, Trung tâm phục vụ Hành chính công phường Nam Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh bảo đảm phục vụ thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức.

Cử tri Nguyễn Văn Luyến, phường Bắc Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đánh giá: luật sửa đổi lần này thực sự là bước tháo gỡ căn cơ những vướng mắc lâu nay trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Khi thẩm quyền được phân định rành mạch, trách nhiệm được giao đúng người, đúng cấp, bộ máy sẽ vận hành thông suốt. Quan trọng nhất với người dân chúng tôi là không phải gõ cửa nhiều cấp, chờ đợi lòng vòng cho những thủ tục vốn dĩ rất đơn giản. Một chính quyền gọn nhẹ, rõ ràng, minh bạch và sát dân - đó mới là điều chúng tôi mong đợi từ lâu.

Việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 72/2025 cùng với sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và 34 luật khác trong kỳ họp đã cho thấy tầm vóc thể chế đang được nâng lên một bước mới - từ khung pháp lý đến khả năng vận hành thực chất, hướng đến xây dựng một nền hành chính kiến tạo, minh bạch và hiệu quả.

Theo sát mọi diễn biến của Kỳ họp thứ Chín, cử tri Lê Văn Huân, phường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk nhận định: mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không có ý nghĩa nếu không đi kèm đổi mới thực chất về phân quyền, công vụ, trách nhiệm và sự minh bạch. Các Luật được thông qua tại kỳ họp đã minh chứng rất rõ cho quyết tâm thể chế phải đi trước và là khâu tiên quyết, là “chìa khóa của mọi vấn đề”. Việc thông qua nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật tại kỳ họp lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp các địa phương chủ động sắp xếp tổ chức, ổn định bộ máy chính quyền mới trước thềm Đại hội Đảng, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới”.

Đầu tiên phải cho dân hiểu

Không khí hồ hởi sau kỳ họp không chỉ dừng ở nghị trường. Nhiều cán bộ và cử tri theo dõi sát kỳ họp bày tỏ đồng tình, đồng thời gửi gắm niềm tin vào việc luật sẽ sớm đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, nhiều cử tri quan tâm đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) - đạo luật mở đường cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều đạo luật quan trọng khác cũng đã được Quốc hội thông qua, trực tiếp tác động đến quyền lợi của người dân và hoạt động của nền kinh tế.

Tiêu biểu trong số đó là Luật Nhà giáo - lần đầu tiên quy định đầy đủ vị thế pháp lý, chế độ đãi ngộ và đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo; Luật Việc làm (sửa đổi) - mở rộng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động. Cùng với đó là Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - khuyến khích nghiên cứu ứng dụng; Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng - siết chặt quản trị rủi ro, bảo vệ người gửi tiền; Luật sửa đổi Luật Doanh nghiệp - giảm gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bày tỏ niềm tin các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín sẽ sớm đi vào cuộc sống, cử tri Nguyễn Thị Liên (Đà Nẵng) chia sẻ: tôi kỳ vọng Luật Việc làm mới sẽ giúp những người lao động thời vụ như tôi dễ tiếp cận bảo hiểm thất nghiệp hơn.

Việc thông qua nhiều đạo luật cùng lúc là bước tiến mạnh mẽ trong cải cách thể chế, nhưng hiệu quả thực sự vẫn phụ thuộc vào khâu triển khai đồng bộ, nhất là từ cấp cơ sở. Để các Luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín sớm đi vào cuộc sống, việc tuyên truyền, giải thích, phổ biến, giáo dục luật, nghị quyết được xem là “chìa khóa” đầu tiên cần sớm được triển khai đồng bộ từ chính những đại biểu Quốc hội đến đại biểu dân cử ở các địa phương.

Đúng như bà Nguyễn Thị Liên, tiểu thương tại Đà Nẵng nói mộc mạc nhưng chính xác: cán bộ, đại biểu làm luật trúng rồi nhưng dân chưa hiểu thì muốn luật đi vào cuộc sống cũng rất khó. Quan trọng là làm cho dân hiểu luật đã. Hiểu đúng thì mới thực thi đúng. Vì vậy, khâu tuyên truyền, giáo dục pháp luật cần phải được đẩy mạnh.

Kỳ họp thứ Chín đã để lại dấu ấn sâu đậm về một Quốc hội đổi mới, trách nhiệm, hành động và đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Từ diễn đàn chất vấn thẳng thắn đến những đạo luật đi sâu cải cách bộ máy, Quốc hội đã thể hiện vai trò kiến tạo thể chế, mở đường cho một mô hình chính quyền hiện đại - nơi quyền lực được kiểm soát, bộ máy được tinh gọn và mọi chính sách hướng tới phục vụ người dân. Kết thúc kỳ họp, luật đã thông qua, thể chế đã có nền, niềm tin đã được khơi dậy. Nhưng chỉ khi các cấp chính quyền bắt tay vào hành động, thực hiện đúng tinh thần của Quốc hội, luật mới đi vào đời sống. Và khi ấy, cử tri mới thực sự cảm nhận được: một kỷ nguyên mới đã bắt đầu - kỷ nguyên của chính quyền vì dân.

BÌNH NGUYÊN