Quốc tế

Chiến sự Gaza - bế tắc trong chiến lược an ninh của Israel

Hồng Nhung 05/07/2025 15:53

Dù đạt được những thắng lợi quân sự đáng kể trước Iran và Hezbollah nhưng Israel vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát ở Gaza - nơi xung đột mang tính cốt lõi và kéo dài hơn một thế kỷ.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Israel đã đồng ý với “các điều kiện cần thiết” cho một lệnh ngừng bắn tại Gaza, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện từ cả hai phía, Israel và Hamas. Tuy vậy, thực tế chiến trường cho thấy chấm dứt xung đột ở Gaza không phải là điều dễ dàng.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-05 lúc 14.59.49
Bộ Y tế Palestine cho biết, hơn 55.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ khi chiến sự
giữa Israel và Hamas nổ ra tháng 10/2023. Ảnh: Getty Images

Bãi lầy Gaza: Không chỉ là chiến sự

Sau hơn 21 tháng xung đột, Israel đã hai lần đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời với Hamas, song chưa có giải pháp lâu dài nào được thiết lập. Trên thực địa, giao tranh vẫn tiếp diễn mỗi ngày, với thương vong chủ yếu thuộc về dân thường Palestine. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hiện kiểm soát phần lớn Dải Gaza, liên tục yêu cầu sơ tán dân thường để chuẩn bị cho các đợt tấn công mới.

Bộ Y tế Palestine cho biết, hơn 55.000 người Palestine đã thiệt mạng kể từ đầu chiến sự, trong khi Israel cho rằng khoảng một phần ba là các chiến binh.

So sánh với các chiến dịch quân sự khác, Israel từng đạt được các kết quả nhanh chóng và rõ ràng hơn: Cuộc tấn công vào Iran kéo dài chỉ 12 ngày. Chiến dịch chống lại Hezbollah ở Lebanon cũng chỉ mất 8 tuần để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong cả hai trường hợp, Israel đều xác định được mục tiêu rõ ràng và khả thi: Phá vỡ tham vọng hạt nhân của Iran và đẩy lùi hiện diện quân sự của Hezbollah khỏi biên giới phía bắc. Các chiến dịch đó mang tính kỹ thuật cao, được hỗ trợ bởi tình báo chiến lược và vũ khí chính xác, từ đó cho phép đạt được kết quả trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, Gaza lại là một bài toán khác. Khi phát động chiến dịch quân sự tại đây, Israel cũng công bố các mục tiêu cụ thể là xóa bỏ sự cai trị của Hamas, tiêu diệt năng lực quân sự của lực lượng này và giải cứu 250 con tin bị giam giữ. Tính đến nay, Israel đã làm suy yếu đáng kể Hamas, tiêu diệt gần như toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao và giải cứu phần lớn con tin. Dù vậy, Hamas vẫn giữ được sự kiểm soát tại một số khu vực, và khoảng 50 con tin vẫn chưa được thả. Quan trọng hơn, Gaza vẫn là mảnh đất nảy sinh lực lượng đối kháng mới, khi nhiều thanh niên Palestine sẵn sàng tiếp tục chiến đấu.

Hoài nghi về “chiến thắng toàn diện”

Khi chiến sự kéo dài, giới chức Israel dường như rơi vào tình trạng “mất phương hướng”. Khái niệm “chiến thắng toàn diện” được nhắc đến, nhưng trong nội bộ an ninh và quân sự, ngày càng có nhiều ý kiến hoài nghi khả năng đạt được điều đó bằng vũ lực. Một sĩ quan IDF thừa nhận: “Chúng tôi chủ yếu đang chờ xem liệu có đạt được ngừng bắn hay không. Hầu như không còn tiến bộ rõ rệt nào trên thực địa”.

Dư luận Israel cũng cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Phần lớn người dân ủng hộ chấm dứt xung đột, trong khi một bộ phận thiểu số, chủ yếu là các lực lượng cực hữu trong liên minh cầm quyền, lại ủng hộ tiếp tục chiến dịch nhằm “xóa sổ Hamas”. Chính các nhóm này hiện đang đóng vai trò quyết định trong việc duy trì vị thế chính trị của Thủ tướng Netanyahu và do đó, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sách quân sự.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-05 lúc 15.18.09
Gaza giờ chỉ còn là đống đổ nát. Ảnh: AFP / Getty Images

Một câu hỏi đặt ra là vì sao Israel có thể đạt thỏa thuận hòa bình với Ai Cập và Jordani nhưng lại lâm vào bế tắc với Palestine? Theo nhà sử học Tom Segev, xung đột giữa Israel với Ai Cập và Jordan chủ yếu là vấn đề lãnh thổ và ranh giới, có thể giải quyết bằng đàm phán. Trong khi đó, cuộc xung đột với người Palestine mang tính nền tảng, liên quan đến bản sắc và quyền tồn tại của mỗi bên. Dải Gaza, nơi phần lớn cư dân là hậu duệ của những người tị nạn sau cuộc chiến năm 1948 (được người Palestine gọi là “nakba” – thảm họa), trở thành biểu tượng cho một cuộc đấu tranh không dễ gì dung hòa bằng các công cụ ngoại giao thông thường.

Khác biệt về bản chất xung đột

Theo các chuyên gia chính trị và chiến lược, điểm khác biệt cốt lõi nằm ở mục tiêu và bản chất xung đột. Nhà nghiên cứu Or Rabinowitz tại Đại học Hebrew cho rằng: “Trong các chiến dịch với Iran và Hezbollah, Israel tiến hành những chiến dịch quân sự mang tính “chống phổ biến vũ khí”, tức là làm suy yếu năng lực kẻ thù để buộc họ chấp nhận các giới hạn thông qua đàm phán. Đây là những mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường được”.

“Tuy nhiên, chiến sự tại Gaza lại không chỉ là quân sự, mà còn mang yếu tố tôn giáo và ý thức hệ sâu sắc, khi Thủ tướng Netanyahu cùng các đồng minh cực đoan theo đuổi giấc mơ về “Vùng đất Israel mở rộng”. Quan điểm này vượt ra khỏi các tính toán thực dụng và chiến lược, khiến khả năng đạt được hòa bình thực sự trở nên mờ mịt”.

Ảnh chụp Màn hình 2025-07-05 lúc 15.22.20
Cuộc xung đột Israel - Palestine mang tính nền tảng, liên quan đến bản sắc và quyền tồn tại
của mỗi bên. Ảnh: Sky News

Liệu có ánh sáng ở cuối đường hầm?

Trong bối cảnh đó, nhiều người Israel thừa nhận họ không nhìn thấy một tương lai khác cho mối quan hệ với Gaza, ngoài bạo lực hoặc đối đầu triền miên. Theo nhà sử học Tom Segev, có một nghịch lý hiện hữu: “Hamas sẵn sàng hy sinh hàng hơn 50.000 người vì mong muốn “tiêu diệt” Israel, còn Israel thì sẵn sàng gây thương vong tương tự với niềm tin rằng có thể triệt tiêu mọi mối đe dọa từ Gaza”.

Vì vậy, cuộc chiến ở Gaza đang đặt Israel trước một bài toán chiến lược chưa có lời giải. Trong khi các chiến dịch quân sự với Iran hay Hezbollah có thể được đánh giá bằng hiệu quả chiến thuật, thì xung đột tại Gaza là một cuộc chiến về bản sắc và lịch sử - vốn không thể giải quyết bằng bom đạn hay các chiến thắng tạm thời. Một lệnh ngừng bắn, nếu đạt được, có thể giúp chấm dứt đổ máu, nhưng chưa chắc là bước khởi đầu cho hòa bình thực sự. Và chừng nào các bên chưa đối thoại một cách thành thật về những mâu thuẫn cốt lõi, xung đột - dù tạm ngưng - vẫn sẽ âm ỉ tồn tại.

Hồng Nhung