Giáo dục

Tốt nghiệp đại học, nhiều bạn trẻ Gen Z chọn… làm nghề chân tay

Hồng Nhung 05/07/2025 08:44

Trong khi nhiều người vẫn xem tấm bằng đại học như “tấm vé vàng” dẫn đến tương lai nghề nghiệp vững chắc, thì thế hệ Gen Z lại đang tạo nên một bước ngoặt đáng chú ý.

Thay vì đổ xô vào các ngành nghề văn phòng truyền thống sau khi tốt nghiệp đại học, ngày càng nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ Gen Z – những người trẻ sinh sau năm 1996 – đang chuyển hướng sang các nghề kỹ thuật và học nghề.

topics-featured-career-technical-education.png
Một khảo sát ở Mỹ cho thấy, 37% Gen Z tốt nghiệp đại học lựa chọn các công việc kỹ thuật thay vì văn phòng truyền thống.

Một khảo sát mới đây của Resume Builder vào tháng 5 đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về xu hướng này: 42% Gen Z đang làm việc hoặc theo đuổi nghề lao động chân tay, trong đó có tới 37% đã tốt nghiệp đại học. Nguyên nhân là do người trẻ phải chịu tác động bởi áp lực kinh tế, chi phí giáo dục tăng cao và lo ngại về trí tuệ nhân tạo (AI).

Tấm bằng đại học không còn là đích đến duy nhất

Dữ liệu khảo sát cho thấy rõ sự thay đổi trong cách nhìn nhận của Gen Z về giáo dục đại học. Trong số những người đang làm hoặc theo đuổi nghề kỹ thuật, có 29% sở hữu bằng cử nhân và 18% có bằng cao đẳng. Đồng thời, cũng có tới 15% chưa từng học đại học và 8% bỏ học giữa chừng.

Thực tế này phản ánh nhận thức ngày càng rõ ràng của giới trẻ rằng con đường đến với nghề nghiệp ổn định và thu nhập tốt không nhất thiết phải đi qua giảng đường đại học truyền thống.

Bà Stacie Haller, cố vấn nghề nghiệp trưởng của Resume Builder nhận định: “Nghề kỹ thuật mang đến một lộ trình nghề nghiệp thông minh và thiết thực cho nhiều người, đặc biệt là những ai yêu thích công việc thực hành và học hỏi qua trải nghiệm. Không chỉ giúp người học nhanh chóng gia nhập lực lượng lao động mà còn giúp họ tránh được gánh nặng nợ sinh viên kéo dài”.

Thực tế thúc đẩy thay đổi

Theo khảo sát, nhiều bạn trẻ thuộc Gen Z không tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp (19%), hoặc thu nhập không tương xứng với bằng cấp (16%), trong khi 16% khác cho biết tấm bằng không đưa họ đến công việc như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, các yếu tố như mong muốn có thời gian linh hoạt hơn (45%), sở thích với công việc tay chân thay vì văn phòng (32%) và nhận thấy triển vọng lâu dài từ nghề kỹ thuật (30%) cũng là những động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự lựa chọn.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-04 103050
Khảo sát cho biết, 32% Gen Z cho biết có sở thích với công việc tay chân hơn công việc văn phòng.

Đáng chú ý, nỗi lo về sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng ảnh hưởng sâu sắc đến quyết định nghề nghiệp. Có tới 25% người được hỏi tin rằng công việc lao động kỹ thuật ít bị AI thay thế hơn. Lo ngại này không phải không có cơ sở, đặc biệt sau nhiều cảnh báo của giới chuyên gua về nguy cơ AI có thể thay thế tới một nửa số việc làm văn phòng đơn giản trong vòng 5 năm tới.

Sự thay đổi hợp lý giữa bối cảnh chi phí giáo dục leo thang

Theo số liệu của Education Data Initiative, chi phí trung bình cho một năm học đại học tại Mỹ hiện lên tới hơn 38.000 USD, bao gồm học phí, sách vở và chi phí sinh hoạt, tăng gấp đôi trong vòng 24 năm qua. Trước bối cảnh đó, các chương trình đào tạo nghề trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn về chi phí, thời gian và hiệu quả đầu ra.

Nghề kỹ thuật không chỉ giúp người học nhanh chóng tìm được việc làm mà còn mang lại mức thu nhập cạnh tranh và cơ hội thăng tiến rõ ràng. Nhiều nghề bắt đầu bằng chương trình học nghề và có thể phát triển thành chuyên môn sâu, vai trò giám sát hoặc thậm chí mở doanh nghiệp riêng.

industrial-auto.jpg
Các chương trình đào tạo nghề đang trở thành lựa chọn hấp dẫn hơn với Gen Z về chi phí, thời gian và hiệu quả đầu ra.

Ngoài ra, trong bối cảnh thiếu hụt lao động kỹ thuật tại Mỹ – khi lực lượng thợ lành nghề lớn tuổi lần lượt nghỉ hưu – các vị trí như thợ điện, thợ sửa ống nước hay kỹ thuật viên cơ khí đang ngày càng được săn đón.

Bài toán chính sách giáo dục nghề

Gen Z đang định hình lại tư duy về sự nghiệp: đặt tính thực tiễn, khả năng chống chịu với biến động công nghệ và chi phí học tập lên hàng đầu. Sự chuyển hướng sang nghề kỹ thuật không đơn thuần là phản ứng ngắn hạn với thị trường việc làm, mà là một lựa chọn có tính toán, hợp lý và mang tính lâu dài.

Đối với các nhà hoạch định chính sách giáo dục và hướng nghiệp, sự thay đổi của Gen Z là lời nhắc nhở rằng hệ thống giáo dục cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế lao động mới. Cần đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục nghề, mở rộng cơ hội học nghề, và tuyên truyền để xã hội nhìn nhận công bằng hơn về giá trị của các ngành nghề kỹ thuật.

Đây chính là thời điểm quan trọng để tái định hình hệ thống đào tạo sao cho phù hợp với kỳ vọng và nhu cầu của thế hệ mới.

Hồng Nhung