Đời sống

Biên lai điện tử thi hành án dân sự:Bước ngoặt chuyển đổi số hướng đến nền tư pháp hiện đại

Thanh Điểu 05/07/2025 07:05

Sáng 4/7, Bộ Tư pháp đã chính thức khai trương phần mềm Biên lai điện tử thi hành án dân sự - một giải pháp công nghệ đột phá được phát triển trong thời gian thần tốc chỉ 30 ngày, do Bộ Tư pháp chỉ đạo và phối hợp cùng Tập đoàn FPT thực hiện. Đây không chỉ là dấu mốc kỹ thuật số trong ngành thi hành án dân sự (THADS), mà còn hướng đến mô hình quản trị hiện đại, minh bạch và lấy người dân làm trung tâm.

Từ yêu cầu thực tiễn đến giải pháp chiến lược

Năm 2024, hệ thống thi hành án dân sự trên toàn quốc phải thi hành hơn 1 triệu quyết định, với tổng số tiền trên 400.000 tỷ đồng, kéo theo khoảng 10 triệu biên lai giấy được phát hành. Việc xử lý thủ công trong thu - nộp, in ấn biên lai giấy, lưu trữ hồ sơ khiến hệ thống vừa tốn kém, vừa tiềm ẩn rủi ro sai sót và thiếu minh bạch.

Trong bối cảnh tổ chức bộ máy tinh gọn theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, từ ngày 1/7/2025, cả nước chỉ còn 34 Cục THADS cấp tỉnh, thành phố và 355 Phòng THADS khu vực, cũng đặt ra thách thức về thủ tục hành chính và sự đồng bộ trong thực hiện nghĩa vụ tài chính. Chính vì vậy, phần mềm biên lai điện tử thi hành án dân sự ra đời nhằm giải quyết tận gốc những bất cập nói trên.

5444-1750309443078635318872.jpg
Đẩy mạnh số hóa, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ trong thi hành án dân sự. Ảnh: Diệu Anh

Phần mềm biên lai điện tử được xây dựng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ thu - nộp và phát hành biên lai. Đây là một trong những phân hệ quan trọng thuộc Nền tảng số thi hành án dân sự, hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính tư pháp hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.

Bởi, hệ thống cho phép số hóa toàn bộ quy trình tạo lập biên lai, từ quét giấy tờ, trích xuất thông tin bằng công nghệ AI-OCR, phê duyệt qua chữ ký số, đến cấp số biên lai tự động và lưu trữ tập trung. Nhờ đó, cán bộ thi hành án dân sự có thể dễ dàng quản lý và tra cứu trên hệ thống điện tử thay vì phải xử lý thủ công hồ sơ giấy gây bất cập, tỷ lệ sai sót cao, cùng với sự trợ giúp của các tác nhân AI.

Cùng với đó là việc minh bạch hóa hoạt động thu - nộp tiền thi hành án, thông qua cơ chế đối soát chặt chẽ, thời gian thực; tăng cường quản lý tập trung, giảm sai sót do thao tác thủ công, góp phần ngăn ngừa tiêu cực, thất thoát ngân sách.

Đặc biệt, biên lai điện tử giúp người dân, doanh nghiệp nộp tiền thi hành án mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vị trí địa lý hay thời gian hành chính; nhận chứng từ điện tử có giá trị pháp lý, thay cho biên lai giấy, giảm thiểu nguy cơ thất lạc; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin cá nhân và giao dịch.

Với việc hệ thống vận hành trên nền tảng số phi địa giới hành chính, người dân ở vùng sâu, vùng xa cũng được tiếp cận dịch vụ bình đẳng như ở đô thị, đúng tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Đột phá về công nghệ và quản trị

Trước đó, vào ngày 23/6/2025, Hệ thống Biên lai điện tử đã được vận hành triển khai thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số ngành THADS tại một trong những địa phương có khối lượng công việc lớn nhất cả nước. Ngay trong tuần đầu vận hành thử nghiệm, hệ thống đã ghi nhận gần 3.000 biên lai điện tử được phát hành, tương đương gần 2.000 tỷ đồng thu - nộp. Thành công này khẳng định hiệu quả vận hành, mức độ sẵn sàng của người dân, cũng như năng lực triển khai của hệ thống công nghệ.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống biên lai điện tử chính là biểu hiện rõ ràng của nỗ lực đổi mới, đưa chuyển đổi số trở thành trụ cột xây dựng nền hành chính tư pháp hiện đại, vì người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thắng Lợi, Cục trưởng Cục Quản lý THADS, việc ra mắt phần mềm biên lai điện tử thi hành án dân sự là bước chuyển mang tính chiến lược, khẳng định tầm nhìn hiện đại hóa, minh bạch hóa và chuyên nghiệp hóa của hệ thống thi hành án dân sự trong thời kỳ mới.

Khẳng định Hệ thống Biên lai điện tử là điển hình đột phá theo hướng không giấy tờ, ứng dụng AI, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT nhấn mạnh, hệ thống giúp làm việc nhanh hơn, thuận tiện hơn, chỉ trong vài phút, vài giây và thực thi trên nền tảng số phi địa giới hành chính.

Theo các chuyên gia, việc khai trương và đưa vào vận hành Hệ thống Biên lai điện tử thi hành án dân sự không chỉ góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, tiết kiệm nguồn lực mà còn tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch thu - nộp. Người dân có thể dễ dàng tra cứu, đối chiếu biên lai chỉ với một cú click chuột, thể hiện rõ bước tiến về tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong quá trình chuyển đổi số của ngành tư pháp.

Hơn hết, hệ thống không chỉ là một phần mềm nghiệp vụ, mà còn là nền tảng quản trị gắn liền với nhiều trụ cột của chiến lược cải cách tư pháp. Bao gồm: Hiện đại hóa quản lý tài chính THADS, tăng tính minh bạch và truy vết dòng tiền; tự động hóa và chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, tạo tiền đề giảm biên chế, nâng cao hiệu suất lao động; tạo nguồn dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ điều hành, ra quyết định chính sách, dự báo và kiểm soát rủi ro. Đồng thời, hướng đến một mô hình quản trị minh bạch, lấy người dân làm trung tâm.

Được biết, Bộ Tư pháp đang xây dựng hệ sinh thái số cho ngành THADS, kết nối liên thông với các nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư, tài chính công, ngân hàng và tòa án; hứa hẹn xây dựng một hệ thống THADS thông minh, hiệu quả và thân thiện hơn bao giờ hết.

Thanh Điểu