Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025
Chiều 4/7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tổ chức họp với các cơ quan liên quan về đề xuất của Chính phủ bổ sung các dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025.
Tham dự có: Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công an và một số cơ quan liên quan.

Theo các Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, gồm: dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); dự án Luật An ninh mạng; dự án Luật Thương mại điện tử; dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).
Theo đó, dự án Luật An ninh mạng quy định về hoạt động bảo đảm an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia không gian mạng. Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ Mười theo trình tự, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp.

Về dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chính phủ dự kiến sẽ quy định 3 nội dung lớn. Thứ nhất, bổ sung các quy định nâng cao tính chủ động, tự nguyện, tự giác trong công tác tiết kiệm, chống lãng phí để xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội. Thứ hai, xây dựng cơ chế nhận diện hành vi gây lãng phí, hành vi vi phạm trong tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí và chế tài xử lý đối với các hành vi này. Thứ ba, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.
Đối với dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Tờ trình của Chính phủ cho thấy, qua rà soát có 28/46 điều của Luật Giám định tư pháp cần sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng về công tác giám định tư pháp và giải quyết vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với pháp luật liên quan; tạo cơ sở pháp lý mang tính đột phá, phát triển bền vững tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.

Dự án Luật Thương mại điện tử quy định về việc phát triển và quản lý hoạt động thương mại điện tử. 6 chính sách lớn Chính phủ dự kiến quy định tại dự án Luật này bao gồm: Chính sách 1: Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử. Chính sách 2: Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới không có hiện diện tại Việt Nam, hoạt động đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, người bán nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. Chính sách 3: Quy định loại hình và trách nhiệm của chủ thể tham gia nền tảng số đa dịch vụ, mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử. Chính sách 4: Quy định về dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử và trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Chính sách 5: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử. Chính sách 6: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xanh và bền vững.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025 trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Mười với những lý do được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các luật mới được thông qua tại Kỳ họp thứ Chín.
Về dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), đề nghị rà soát, bảo đảm thống nhất, tránh trùng lặp với quy định của pháp luật chuyên ngành như quy định về: công khai tiết kiệm, chống lãng phí; tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực; về hành vi lãng phí… Nghiên cứu quy định rõ hơn trách nhiệm của các chủ thể có hành vi gây lãng phí, mức độ xử lý kỷ luật, hành chính, hình sự và trách nhiệm hoàn trả, bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tương ứng với từng hành vi, bảo đảm tính răn đe.
.jpg)
Về phạm vi và tên gọi của Luật An ninh mạng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị làm rõ việc xây dựng dự án Luật này để thay thế Luật An ninh mạng năm 2018 hay thay thế cả Luật An toàn thông tin mạng năm 2015. Nếu chỉ thay thế Luật An ninh mạng hiện hành thì tên gọi như trên là phù hợp; nhưng nếu thay thế cả Luật An toàn thông tin mạng thì cần nghiên cứu chỉnh lý lại tên gọi cho phù hợp, bảo đảm bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại cho thấy, các cơ quan cơ bản đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ để đề nghị bổ sung các dự án luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, bảo đảm tính kịp thời.

Các ý kiến cũng tán thành với sự cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung 4 dự án luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025 để trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp (Kỳ họp thứ Mười).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, các bộ là cơ quan trình dự án luật cần tập trung ở mức độ cao nhất để hoàn thiện hồ sơ đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về trình tự, thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, cả 4 dự án luật đều là luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung để thay thế luật hiện hành và đều liên quan đến quy định về quyền con người và quyền công dân. Trong khi đó, các tờ trình chưa làm rõ căn cứ để áp dụng thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại 1 kỳ họp. Do đó, đề nghị Chính phủ khẩn trương có tờ trình bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, chỉ đạo các bộ chuẩn bị các dự án luật để sớm gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra đúng quy định.
Bên cạnh đó, đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp và hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tới.