Nghị quyết Về chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Lời tòa soạn: Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín Về chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.
.png)
NGHỊ QUYẾT Về chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;
Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV,
QUYẾT NGHỊ:
1. Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phát huy tốt trách nhiệm giải trình, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước. Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng, động lực cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
2. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong các lĩnh vực được chất vấn, cụ thể như sau:
2.1. Đối với lĩnh vực tài chính
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trong năm 2025 trên 15% so với dự toán. Phát triển mạnh các kênh huy động vốn từ thị trường vốn; trong năm 2025, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi. Sớm nghiên cứu ban hành khung pháp lý về triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa tại Việt Nam. Bố trí nguồn ngân sách nhà nước để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng pháp luật, sắp xếp tổ chức bộ máy, miễn, giảm học phí và chủ trương miễn viện phí. Rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân trong năm 2025 đạt 100% kế hoạch. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ứng dụng chuyển đổi số, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, giảm mạnh chi phí tuân thủ pháp luật. Sớm hoàn thiện, đưa vào vận hành “Cổng một cửa đầu tư quốc gia”; trong năm 2025, thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp trên môi trường điện tử; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Triển khai hiệu quả Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin, gắn với hoàn thiện cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả quản trị, điều hành doanh nghiệp nhà nước. Cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản, đẩy nhanh thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ, tập trung đầu tư có trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, then chốt, có thế mạnh, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, hình thành các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phấn đấu trong năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 51-52%; tăng tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế tư nhân trong tổng thu ngân sách nhà nước; tăng hiệu quả giải quyết việc làm và năng suất lao động. Hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh dựa trên công nghệ và nền tảng số. Thực hiện các giải pháp hỗ trợ các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuận lợi trong việc chuyển đổi từ phương pháp khoán thuế sang nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. Đẩy mạnh tuyên truyền, đào tạo, tư vấn, nâng cao nhận thức về chính sách thuế mới và đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử để hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp hiểu đúng về chính sách; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Trong năm 2025, đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử đối với các đối tượng ở các ngành, lĩnh vực theo quy định. Thúc đẩy tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.
Xây dựng chính sách thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường, có cam kết chuyển giao công nghệ và liên kết với doanh nghiệp trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp FDI đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực lao động Việt Nam, triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, rút ngắn thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án FDI lớn; xử lý dứt điểm các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ kéo dài, không triển khai hoặc không thực hiện đúng cam kết đầu tư.
Trong năm 2025, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định, có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư, phát triển các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới (khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp công nghệ cao, khu kinh tế chuyên biệt, khu thương mại tự do) và các mô hình tương tự. Phát triển khu công nghiệp sinh thái, khu kinh tế ven biển gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khu công nghiệp, khu kinh tế; hoàn thiện mô hình quản lý, bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng và khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, từng vùng, tránh lãng phí nguồn lực về đất đai, hạ tầng.
2.2. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế giáo dục đại học; rà soát, sửa đổi, bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng giáo dục, đào tạo; tiếp tục đổi mới và hoàn thiện mô hình quản trị giáo dục đại học. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình; khuyến khích tự chủ về tài chính, có sự bổ sung đầu tư hợp lý từ ngân sách nhà nước. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để đầu tư phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng và cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngang tầm với các cơ sở giáo dục đại học ở các nước tiên tiến. Đề xuất cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu đào tạo nhân lực theo vùng, miền, khu vực, nhân lực cho các ngành khoa học, công nghệ mới. Sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Xây dựng cơ chế thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và thương mại hóa kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học. Quan tâm đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học bảo đảm đủ cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt. Xây dựng chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu, làm việc ở các cơ sở giáo dục Việt Nam. Có chính sách hỗ trợ tài chính cho người học bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học; hỗ trợ đào tạo trong các ngành ưu tiên phát triển, các lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghiệp nền tảng và công nghệ chiến lược.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định pháp luật, hướng dẫn, phổ biến, truyền thông rõ hơn về dạy thêm, học thêm. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm các điều kiện để thực hiện chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, kết hợp hài hòa giữa thời lượng dạy các môn văn hóa với các hoạt động giáo dục khác, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, giúp học sinh phát triển toàn diện. Cải tiến phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; tăng cường xây dựng nguồn học liệu mở, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số và các thiết bị dạy học thông minh, nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, năng lực tự học của học sinh. Đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá, khen thưởng theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, bảo đảm thực chất, chống bệnh thành tích trong giáo dục. Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá; kịp thời cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh và tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình để có cách thức hỗ trợ học sinh học tập hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở dạy thêm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm.
Tiếp tục quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định, nhiệm vụ, giải pháp trong việc bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Chú trọng công tác xây dựng văn hóa học đường; chỉ đạo xây dựng, thực hiện đầy đủ, thực chất các quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Xác định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan để kịp thời phát hiện, xử lý, gỡ bỏ các thông tin phản giáo dục, nội dung bạo lực, tác động tiêu cực đến trẻ em và học sinh, đặc biệt là trên không gian mạng. Tổ chức tốt hoạt động tư vấn tâm lý học đường; tiếp tục kiện toàn đội ngũ nhân viên làm nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho học sinh; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên về kỹ năng, kiến thức tư vấn tâm lý học đường, bảo đảm hỗ trợ học sinh kịp thời, hiệu quả. Tập trung giáo dục, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và giải quyết tình huống cho học sinh; ưu tiên dạy bơi an toàn, giảm thiểu nguy cơ đuối nước; giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma túy.
Rà soát, hoàn thiện quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học. Tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý. Tăng cường kiểm tra liên ngành, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm tại các cơ sở giáo dục. Huy động sự tham gia của đại diện cha mẹ học sinh trong việc giám sát an toàn thực phẩm. Phối hợp xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho trường học không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng.
3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp sau.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2025.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
(Đã ký)
Trần Thanh Mẫn