Đề xuất siết chặt kiểm soát thực phẩm như châu Âu
Nhằm khắc phục những lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 15/2018/NĐ-CP, với nhiều điểm mới siết chặt quản lý.
Theo Bộ Y tế, những vụ việc như sản phẩm kẹo rau củ Kera quảng cáo sai công dụng, hay việc sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả, thực phẩm chức năng giả quy mô lớn gây bức xúc dư luận.
Việc sửa đổi Nghị định 15 nhằm giải quyết ngay hạn chế, bất cập liên quan đến tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm, quảng cáo, hậu kiểm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý hiện nay.

Quản lý hồ sơ tự công bố
Hiện tại, theo quy định của Nghị định 15, doanh nghiệp được phép tự công bố sản phẩm và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm, trong khi cơ quan quản lý chỉ thực hiện hậu kiểm một cách giới hạn.
Điều này dẫn đến thực trạng doanh nghiệp tùy tiện phân loại, thổi phồng công dụng sản phẩm, nhưng vẫn dễ dàng đưa hàng ra thị trường mà không bị ngăn chặn kịp thời.
Trong Dự thảo mới, Bộ Y tế đề xuất quy định rõ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố sẽ phải xem xét, phản hồi, đăng tải công khai thông tin, đồng thời xây dựng kế hoạch hậu kiểm và chủ động lấy mẫu kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Quy trình này giúp tăng cường tính minh bạch, tránh tình trạng doanh nghiệp "tự bơi" trong không gian quản lý lỏng lẻo như hiện nay.
Một điểm nhấn khác là quy định về thực phẩm bổ sung. Theo Nghị định 15 hiện hành, nhóm sản phẩm này được xếp chung vào nhóm thực phẩm chế biến đóng gói sẵn và chỉ cần tự công bố, không phải đăng ký công bố sản phẩm. Đây là kẽ hở khiến không ít doanh nghiệp lợi dụng, tự ý gắn nhãn "thực phẩm bổ sung" để né tránh kiểm soát quảng cáo hoặc giả dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Dự thảo sửa đổi lần này yêu cầu thực phẩm bổ sung bắt buộc phải đăng ký bản công bố sản phẩm, được kiểm tra nội dung quảng cáo, giới hạn công dụng và có cơ chế hậu kiểm cụ thể. Điều này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng lập lờ giữa các nhóm sản phẩm và ngăn chặn hành vi đánh lừa người tiêu dùng.
Kiểm soát thực phẩm đặc biệt theo tiêu chuẩn quốc tế
Với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, trước đây doanh nghiệp chỉ cần cam kết tuân thủ an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Dự thảo mới yêu cầu bổ sung kiểm soát từ thành phần, chỉ tiêu an toàn, công dụng của sản phẩm ngay từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển, và bắt buộc đăng ký bản công bố trước khi lưu thông.
Đồng thời, các cơ sở sản xuất nhóm thực phẩm đặc biệt này phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần điều kiện an toàn thông thường như trước.
Việc nâng chuẩn này nhằm đảm bảo chất lượng ở mức cao nhất, phù hợp với các nước phát triển như Liên minh châu Âu.
Bộ Y tế cũng bổ sung quyền cho cơ quan quản lý trong việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy công bố sản phẩm nếu doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, nếu chưa khắc phục, doanh nghiệp sẽ bị tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính mới – quy định chưa từng có trong Nghị định 15 cũ.
Về kiểm tra hậu kiểm, dự thảo quy định rõ việc lập kế hoạch hậu kiểm định kỳ và đột xuất, tăng quyền chủ động cho các đơn vị kiểm nghiệm trong việc lấy mẫu, phân tích. Dữ liệu giám sát sẽ được kết nối đồng bộ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, đảm bảo minh bạch và xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.

Dự thảo cũng xử lý khoảng trống liên quan đến thực phẩm sản xuất để xuất khẩu nhưng sau đó được tiêu thụ nội địa. Trước đây, Nghị định 15 chưa có quy định riêng cho trường hợp này, dẫn đến nguy cơ sản phẩm không đạt chuẩn trong nước vẫn lưu hành. Bộ Y tế đề xuất yêu cầu kiểm soát điều kiện chặt chẽ khi thay đổi mục đích sử dụng, tránh tình trạng "lọt lưới" sản phẩm kém chất lượng.
Ngoài ra, để thống nhất quản lý thực phẩm nhập khẩu, dự thảo đưa ra các quy định cụ thể về phương thức kiểm tra như kiểm tra hồ sơ, cảm quan, lấy mẫu, cùng với danh sách miễn kiểm tra và danh sách phải kiểm tra bắt buộc. Điều này sẽ khắc phục tình trạng hiện nay, khi các phương pháp kiểm tra còn chồng chéo, thực thi không đồng đều giữa các cơ quan.
Quảng cáo thực phẩm trên nền tảng số cũng là nội dung trọng tâm của sửa đổi. Theo Bộ Y tế, quảng cáo trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử hiện đang rất khó quản lý. Dự thảo yêu cầu phải kiểm soát cả doanh nghiệp phát hành quảng cáo, người thực hiện chuyển tải nội dung, người có ảnh hưởng (KOLs), đồng thời công khai mối quan hệ giữa người quảng cáo và nhà tài trợ.
Một bộ quy tắc ứng xử trong quảng cáo thực phẩm cũng đang được xây dựng để tránh gây hiểu nhầm, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường số.
Tổng quan, Dự thảo sửa đổi đã thay đổi quá một nửa số điều của Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Do đó, Bộ Y tế đang xin phép Thủ tướng Chính phủ ban hành một nghị định mới thay thế toàn bộ để đảm bảo đồng bộ, minh bạch, thuận tiện trong áp dụng.