Diễn đàn Quốc hội

Luật Cán bộ, công chức năm 2025:Quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm

Anh Thảo 03/07/2025 16:55

Lời Tòa soạn: Tại Kỳ họp thứ Chín vừa qua, Quốc hội đã thông qua 34 luật, chiếm 52,3% tổng số luật được ban hành tại 17 kỳ họp của nhiệm kỳ Khóa XV. Các quyết sách, đạo luật được thông qua tại kỳ họp này có tính cách mạng, khởi đầu cho những cải cách thể chế một cách căn cơ, định hướng những nhiệm vụ cho giai đoạn phát triển mới của đất nước. Báo Đại biểu Nhân dân xin trân trọng giới thiệu chuyên mục “Luật – Những điểm mới”.

Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã

Tại họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 15 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 là bước cụ thể hóa quan trọng nhằm đưa chủ trương, định hướng lớn của Đảng về công tác cán bộ, chế độ công vụ, đặc biệt là thể chế hóa các nghị quyết đột phá được khẳng định là "bộ tứ trụ cột" phát triển của đất nước, đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, góp phần xây dựng nền công vụ Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động vì sự phát triển của đất nước và phục vụ Nhân dân.

luat01.jpg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu. Ảnh: H.Ngọc

Luật thực hiện liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh, thống nhất một chế độ công vụ từ Trung ương đến cấp xã để thực hiện chủ trương xây dựng một nền công vụ thống nhất, liên thông, đồng bộ từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Quy định chuyển tiếp cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật hiện hành được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định mới của Luật Cán bộ, công chức nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ đào tạo mà không yêu cầu về thời gian công tác, tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức.

Luật chuyển đổi phương thức quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm. Theo đó, lấy vị trí việc làm là trung tâm, trên cơ sở căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm và kết quả, sản phẩm thực hiện nhiệm vụ để tuyển dụng, bố trí, sử dụng, đánh giá, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, công chức.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ, “luật hoàn thiện khái niệm vị trí việc làm, phân loại vị trí việc làm công chức thành 3 nhóm gồm: vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Bỏ quy định thi nâng ngạch thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp ở ngạch công chức tương ứng”.

Đáng lưu ý, luật đổi mới công tác tuyển dụng công chức, quy định nguyên tắc, điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và phương thức, thẩm quyền tuyển dụng theo hướng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm, sau khi trúng tuyển được xếp ở ngạch công chức tương ứng và không phải thực hiện chế độ tập sự; không quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, quản lý công chức.

Quy định chuyển tiếp đối với người đang thực hiện chế độ tập sự thì được xếp vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.

Đánh giá, xếp loại công chức theo KPI

Để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Luật quy định chính sách đối với 2 nhóm đối tượng gồm: Nhóm đối tượng thu hút vào khu vực công áp dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao; Nhóm đối tượng là người có tài năng trong hoạt động công vụ. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí ngân sách hàng năm để thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài.

Luật quy định cơ quan quản lý công chức được ký hợp đồng thực hiện một số nhiệm vụ của công chức đối với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, luật gia, luật sư giỏi, chuyên gia, nhà khoa học thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và nhân lực chất lượng cao để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngân sách nhà nước bảo đảm việc ký kết hợp đồng (ngoài biên chế, quỹ tiền lương và kinh phí chi hành chính được cấp có thẩm quyền giao).

Quy định cụ thể về đạo đức, chuẩn mực hành vi của cán bộ, công chức và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ "vừa hồng, vừa chuyên", phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi công vụ

Đồng thời, luật bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; bổ sung quy định được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật hoặc đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn gây ra thiệt hại vì lý do khách quan để thể chế hóa các Nghị quyết số 57-NQ/TW và số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Điểm mới đáng chú ý nữa của luật là quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI); sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy. Quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.

Luật đã lược bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý; không tiếp tục quy định hạ bậc lương là 1 hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính, đồng bộ với sử dụng kết quả đánh giá công chức theo quy định mới của Luật.

Luật bổ sung quy định về nghĩa vụ ứng dụng khoa học, công nghệ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong đánh giá công chức. Xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức trong quản lý cán bộ, công chức; quản lý hồ sơ cán bộ, công chức điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong việc cập nhật hồ sơ cán bộ, công chức và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Anh Thảo