Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh dịp nghỉ hè
Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với học sinh luôn được các cấp, ngành, đoàn thể, nhà trường chú trọng, duy trì thường xuyên. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ hè, tình trạng học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông lại có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, đòi hỏi các cơ quan chức năng và mỗi gia đình có biện pháp quản lý, giáo dục con em mình, phòng ngừa vi phạm.
Tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông
Những ngày đầu hè, khi lưu thông trên một số tuyến đường ở các quận, huyện thành phố Hà Nội, không khó bắt gặp hình ảnh nhiều tốp học sinh tụ tập tại các điểm giải trí, quán nước ven đường. Để đi đến các điểm vui chơi, quán nước, hầu hết các em lựa chọn phương tiện di chuyển là xe máy, xe gắn máy, xe máy điện… Và điều đáng lo ngại là tại một số tuyến đường vẫn xuất hiện những nhóm học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông như: Dàn hàng ba, hàng bốn, đi không đúng làn đường, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, sử dụng ô, điện thoại, nói chuyện, đùa giỡn... gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện tham gia giao thông khác và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.

Đáng nói hơn, trong số nhiều vụ việc tụ tập, đi xe gây rối trật tự công cộng có không ít những trường hợp đang là học sinh do nhận thức chưa đầy đủ hoặc bị bạn bè xấu lôi kéo dẫn tới hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ tới khi gây ra hậu quả mất an toàn giao thông, mất trật tự công cộng và bị cơ quan công an xử lý, bản thân trẻ vị thành niên và gia đình mới nhận thức được sự nghiêm trọng khi buông lỏng quản lý bản thân và con em mình.
Trung tá Nguyễn Quang Việt, Đội Cảnh sát giao thông số 12, Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội cho biết, nhiều gia đình không quan tâm và xem nhẹ việc quản lý con em mình. Nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng đã đưa ra video clip về hành vi vi phạm thì gia đình mới biết là con mình đã vi phạm giao thông.
Cùng với biện pháp giáo dục, tuyên truyền của nhà trường, Lực lượng Cảnh sát giao thông Hà Nội luôn quan tâm kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm của học sinh và phụ huynh. Chỉ trong quý I/2025, lực lượng chức năng đã xử lý gần 2.300 học sinh vi phạm luật, gần 200 phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi.
Cần nâng cao nhận thức
Việc xử lý nghiêm đã góp phần làm giảm sâu số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nhận định, vào mỗi dịp nghỉ hè, tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm luật thường có xu hướng gia tăng, đòi hỏi các bậc phụ huynh tăng cường quản lý con em, phòng ngừa vi phạm, nhất là không giao xe máy phân khối lớn cho con em khi chưa đủ tuổi quy định.
Thời gian nghỉ hè, hầu hết các bậc phụ huynh đều có chung nỗi lo làm thế nào để con em mình có một kỳ nghỉ hè vui tươi, bổ ích, an toàn, nhất là khi tham gia giao thông. Chị Hoàng Thị Lâm (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) chia sẻ, “Gia đình tôi có 1 con trai năm nay lên lớp 7. Trong dịp hè này, tôi cũng đăng ký các lớp năng khiếu như bơi, đá bóng…để con tham gia, vừa giúp con được rèn luyện, học hỏi, giao lưu, vừa hạn chế các hoạt động vui chơi có thể gây nguy hiểm. Đồng thời, gia đình cũng thường xuyên dặn dò con tuân thủ các quy định khi tham gia giao thông để đảm bảo an toàn cho mình và những người xung quanh”.

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2022-2025” cho các em học sinh trước dịp nghỉ hè. Theo đó, các em học sinh được giới thiệu về các nội dung cốt lõi của Luật Giao thông đường bộ năm 2024, Nghị định số 168/2021/NĐ-CP và các quy định liên quan đến học sinh trung học phổ thông.
Thông qua các chương trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội kỳ vọng góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn trong học đường, giúp thanh thiếu niên hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, chủ động bảo vệ bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông và đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh dịp nghỉ hè, hoạt động tuyên truyền còn có ý nghĩa thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của giáo viên và học sinh, mỗi cá nhân trở thành tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình và mọi người xung quanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Có thể thấy, để giảm thiểu tình trạng thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, quan trọng nhất vẫn là làm thế nào để hình thành cho các em ý thức, văn hóa khi tham gia giao thông để tự giác chấp hành, tạo cho các em có thói quen, ý thức bền vững tuân thủ Luật giao thông đường bộ. Và để làm được điều này, ngoài lực lượng Công an, nhà trường quan trọng nhất vẫn là sự quản lý, giáo dục của gia đình. Các bậc cha, mẹ cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của con em mình.