Thế giới 24h

Bầu cử Thượng viện Nhật Bản: 5 câu hỏi quan trọng

Quỳnh Vũ 03/07/2025 16:49

Ngày 3/7, chiến dịch bầu cử Thượng viện Nhật Bản chính thức được khởi động nhằm chuẩn bị cho ngày bầu cử chính thức vào 20/7. Diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, khi các cuộc đàm phán về thuế quan với Mỹ đang căng thẳng và trong bối cảnh Thủ tướng Shigeru Ishiba đang chật vật đối phó với tình trạng giá cả leo thang, cuộc bầu cử có ý nghĩa gì đối với Nhật Bản?

Liên minh cầm quyền, gồm Đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Ishiba và đảng liên minh Komeito, đang đối mặt với một phe đối lập bị chia rẽ mạnh. Tuy nhiên, nếu kết quả bầu cử không thuận lợi, khó khăn đối với liên minh sẽ gia tăng, đặc biệt sau thất bại trong việc giành đa số tại Hạ viện vào tháng 10 năm ngoái. Dưới đây là 5 điều đáng chú ý về cuộc bầu cử này:

8xdxlxd0wygosuxatfukwuaqnwdrcflj3mgfsde7.jpg
Nguồn: NHK

1. Tại sao cuộc bầu cử lần này lại quan trọng?

Diễn ra một năm sau khi Thủ tướng Ishiba lên nắm quyền, cuộc bầu cử Thượng viện lần này sẽ là “cuộc bỏ phiếu tín nhiệm” của công chúng đối với cá nhân Thủ tướng và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng ra quyết định dài hạn của chính phủ. Đáng chú ý, sẽ không có cuộc tổng tuyển cử nào khác trong vòng 3 năm tới sau lần bầu cử này.

Nếu liên minh cầm quyền để mất thế đa số tại Thượng viện, quá trình thông qua các đạo luật sẽ trở nên khó khăn và kéo dài hơn. Chính phủ có thể buộc phải mở rộng liên minh, tìm kiếm sự ủng hộ từ các đảng đối lập trên cơ sở từng dự luật, hoặc gửi lại các dự luật bị bác bỏ ở Thượng viện trở lại Hạ viện.

Số ghế tại hai viện Quốc hội Nhật Bản. Nguồn: NHK
Số ghế tại hai viện Quốc hội Nhật Bản. Nguồn: NHK

Về nguyên tắc, phần lớn các đạo luật đều cần được thông qua ở cả hai viện, trừ một số trường hợp đặc biệt như dự luật ngân sách.

Liên minh cầm quyền đã có kinh nghiệm điều hành trong tình trạng thiểu số. Sau thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 10 năm ngoái, LDP bị chỉ trích nặng nề vì các bê bối tài trợ chính trị, buộc liên minh phải thiết lập “liên minh một phần” với đảng đối lập Nippon Ishin no Kai (Đảng Đổi mới Nhật Bản) để thông qua ngân sách. Nếu để mất đa số ở cả hai viện, liên minh cầm quyền có thể vẫn điều hành đất nước, nhưng công việc sẽ phức tạp hơn nhiều.

Kịch bản tồi tệ này cũng có thể gây áp lực buộc ông Ishiba phải từ chức Chủ tịch LDP, mở đường cho một thủ tướng mới.

2. Những vấn đề nào cử tri quan tâm?

Kiềm chế giá cả leo thang là mối quan tâm lớn nhất của cử tri trong cuộc bầu cử lần này. Chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) của Nhật Bản trong tháng 5 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp vượt mốc 3%. Giá gạo - mặt hàng thiết yếu trong bữa ăn của người Nhật, hiện đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.

Bộ trưởng Nông nghiệp Shinjiro Koizumi, một thành viên LDP, đã quyết liệt xả kho gạo dự trữ nhằm hạ giá. Nhờ đó, giá gạo đã giảm 5 tuần liên tiếp, giảm 3% xuống còn 3.801 yên (khoảng 26 USD) cho mỗi 5 kg tính đến tuần bắt đầu từ 16/6.

Liên minh cầm quyền cam kết sẽ phát tiền hỗ trợ 20.000 yên/người để giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt. Đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDP) cũng đưa ra lời hứa tương tự, đồng thời đề xuất xem xét lại chính sách về gạo. CDP còn kêu gọi miễn thuế tiêu dùng đối với thực phẩm và giảm thuế xăng, dầu diesel.

Tuy nhiên, Thủ tướng Ishiba, người cam kết đặt trọng tâm vào kinh tế, đã bác bỏ ý tưởng giảm thuế tiêu dùng. Theo ông, việc phát tiền trực tiếp cho dân hiệu quả hơn và có thể triển khai ngay lập tức.

3. Bầu cử Thượng viện diễn ra như thế nào?

Các nghị sĩ Thượng viện Nhật Bản có nhiệm kỳ 6 năm. Khác với Hạ viện, Thượng viện không bị giải tán. Bầu cử được tổ chức 3 năm/lần để thay thế một nửa trong tổng số 248 thượng nghị sĩ.

Năm nay, có 125 ghế được bầu, bao gồm một ghế khuyết cần bổ sung. Trong số này, 75 nghị sĩ được bầu theo khu vực, 50 ghế còn lại thông qua hình thức đại diện tỷ lệ toàn quốc.

Phân bổ ghế tại Thượng viện hiện nay và 125 ghế sẽ bầu lại trong cuộc bỏ phiếu sắp tới. Ảnh: Nikkei Asia
Phân bổ ghế tại Thượng viện hiện nay và 125 ghế sẽ bầu lại trong cuộc bỏ phiếu sắp tới.
Ảnh: Nikkei Asia

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên bầu cử Thượng viện được tổ chức giữa kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài 3 ngày, khiến nhiều người lo ngại tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ thấp. Chính phủ đang khuyến khích bỏ phiếu sớm. Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tỷ lệ cử tri đi bầu năm 2022 là 52,05%, tăng 3,25 điểm phần trăm so với năm 2019 nhưng vẫn là lần thấp thứ ba trong 10 kỳ bầu cử gần nhất.

Liên minh cầm quyền gồm LDP và đảng nhỏ hơn là Komeito, đang đối đầu với một phe đối lập bị chia rẽ, bao gồm CDP do cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda lãnh đạo, Đảng Dân chủ vì nhân dân (DPP), Đảng Đổi mới Nhật Bản (Nippon Ishin) và Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Ông Ishiba cho biết liên minh cầm quyền đặt mục tiêu giành đa số tính cả các ghế không bầu lại, tức phải giành ít nhất 50 ghế trong cuộc bầu cử lần này.

4. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy điều gì?

Theo các cuộc thăm dò dư luận do Nikkei/TV Tokyo thực hiện vào tháng 6, tỷ lệ ủng hộ nội các của Thủ tướng Ishiba ở mức 37%, tăng 3 điểm so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với mức 51% khi ông nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái. Tỷ lệ không ủng hộ là 57%.

Khi được hỏi về lựa chọn trong bầu cử Thượng viện, 29% số người được hỏi ủng hộ LDP (tăng 3 điểm). CDP và DPP cùng đứng thứ hai với mức ủng hộ 12%. Đảng Komeito của liên minh cầm quyền được 5%. Khoảng 12% cử tri vẫn chưa quyết định.

Trước đó, liên minh cầm quyền được dự đoán sẽ giữ vững đa số tại Thượng viện, cho đến khi LDP đạt kết quả thấp kỷ lục và Komeito cũng mất ghế trong cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo ngày 22/6. DPP đã giành được những ghế đầu tiên trong cơ quan này.

Sau thất bại ở Tokyo, Thủ tướng Ishiba thừa nhận: “Chúng tôi đã nhận được một phán xét rất nghiêm khắc”. Trong khi đó, Chủ tịch CDP Yoshihiko Noda nói: “Chúng tôi hy vọng có thể khiến liên minh cầm quyền mất thế đa số tại Thượng viện”.

5. Điều gì xảy ra nếu liên minh cầm quyền mất đa số?

Nếu liên minh cầm quyền giành được dưới 50 ghế, đồng nghĩa với việc họ không chỉ mất đa số ở Thượng viện mà còn thua liên tiếp hai cuộc bầu cử quốc gia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ishiba.

z6767789996740_238b5e789c9289c0d3edf10e39822982.jpg
Từ trái sang, Chủ tịch đảng Komeito Tetsuo Saito, Chủ tịch LDP - Thủ tướng Shigeru Ishiba,
Chủ tịch DPP Yuichiro Tamaki và Chủ tịch CDP Yoshihiko Noda. Nguồn: Nikkei Asia

Dù vẫn điều hành Chính phủ, nhưng vị thế của ông Ishiba sẽ suy yếu nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc ông buộc phải từ chức Chủ tịch LDP, mở đường cho cuộc đua chọn Thủ tướng mới. Khả năng các đảng đối lập thành lập chính phủ, tuy thấp, nhưng không thể loại trừ.

Theo khảo sát của Kyodo News vào tháng 5, cựu Bộ trưởng Sanae Takaichi, người từng suýt thắng ông Ishiba trong cuộc bầu cử Chủ tịch LDP năm ngoái, hiện nhận được tỷ lệ ủng hộ là 21,5% để làm Thủ tướng tiếp theo. Đứng thứ hai là ông Shinjiro Koizumi, tiếp theo là lãnh đạo DPP Yuichiro Tamaki. Ông Ishiba chỉ đứng thứ tư với 7,3%.

Nếu giữ được đa số, liên minh có thể tuyên bố rằng họ vẫn giữ được lòng tin của cử tri, đặc biệt là nhờ các nỗ lực kiềm chế giá cả. Tuy nhiên, việc để mất thế đa số tại Hạ viện vẫn sẽ là rào cản lớn đối với hoạt động của Chính phủ.

Quỳnh Vũ