Kinh tế

Hệ sinh thái nghìn tỷ xoay quanh đại gia muốn rót 500 tỷ vào Công ty chứng khoán đang lỗ luỹ kế

Khôi Ngô 03/07/2025 16:39

Kết thúc năm 2024, Chứng khoán Sen Vàng chỉ đạt doanh thu 13,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 351 triệu đồng và vẫn còn ôm khoản lỗ luỹ kế gần 67 tỷ đồng

Thâu tóm công ty chứng khoán đang lỗ luỹ kế

Mới đây, Công ty cổ phần chứng khoán Sen Vàng (GLS) công bố biên bản và nghị quyết đại hội cổ đông thường niên 2025.

Theo đó, Đại hội có sự tham dự của 4 cổ đông lớn, gồm Công ty TNHH TM nông nghiệp Khang An nắm 20% vốn, cùng 3 cá nhân khác: bà Thái Kiều Hương (15,13% vốn), ông Lê Huy Dũng (20,03%) và ông Hồ Ngọc Bạch (19,88%).

chung-khoan-sen-vang-5862.jpg

Tại đại hội năm nay, GLS đã trình cổ đông thông qua việc đổi tên thành Công ty cổ phần chứng khoán Xuân Thiện (viết tắt: XTSC).

Thông tin từ ban lãnh đạo GLS, việc đổi tên nêu trên xuất phát từ việc công ty có sự tham gia của cổ đông lớn là Công ty An Khang - một thành viên trong hệ sinh thái thuộc Tập đoàn Xuân Thiện.

Thay đổi tên công ty là cách thức để tận dụng và thừa kế giá trị thương hiệu cùng nội lực từ Tập đoàn Xuân Thiện - một doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đổi tên, GLS cũng trình kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng - con số được ban lãnh đạo đánh giá phù hợp với bối cảnh hiện tại, thể hiện sức mạnh tài chính của cổ đông lớn và là bước khởi đầu để công ty gia nhập cuộc chơi mạnh mẽ.

Không dừng lại như vậy, GLS còn đặt mục tiêu tiếp tục tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, phấn đấu lọt top 3 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường. Công ty cũng tiết lộ kế hoạch IPO, niêm yết sàn chứng khoán để gia tăng giá trị vốn hóa.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của GLS khá tham vọng trong bối cảnh lộ diện cổ đông lớn, cùng sự tái cấu trúc toàn diện.

Kết thúc năm 2024 gần đây nhất, công ty này chỉ đạt doanh thu 13,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 351 triệu đồng và vẫn còn ôm khoản lỗ luỹ kế gần 67 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm nay GLS đặt mục tiêu doanh thu 179 tỉ đồng, tăng 1.205%, cùng lợi nhuận sau thuế 70 tỉ đồng, tăng 19.839% so với năm trước.

Thương vụ thâu tóm GLS nêu trên đang được giới đầu tư chú ý bởi việc một tập đoàn ngoài ngành nhảy vào lĩnh vực tài chính thông qua việc thâu tóm công ty chứng khoán yếu kém, nhằm mở rộng hệ sinh thái và tận dụng các cơ hội trên thị trường vốn. Liệu GLS có thể "hồi sinh" dưới bàn tay của đại gia Xuân Thiện hay không, vẫn còn là một ẩn số.

Đại gia Xuân Thiện muốn rót 500 tỷ

Bên cạnh đó, GLS cũng thông tin về việc dự kiến chào bán riêng lẻ 165 triệu cổ phiếu với cùng mức giá.

nvthien-xt-1713915632.jpg
image10-1751358490047-175135849021620869574.png
Ông Nguyễn Xuân Thiện muốn chi 500 tỷ vào Chứng khoán Sen Vàng.

Trong danh sách nhà đầu tư chiến lược tham gia đợt phát hành riêng lẻ có ông Nguyễn Văn Thiện - chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện - dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (dự kiến tương đương giá trị 500 tỷ đồng), cùng ông Nguyễn Tấn Dũng (51,5 triệu cổ phiếu – tương đương 500 tỷ đồng) và Công ty cổ phần tài chính quốc tế Xuân Thiện (50 triệu cổ phiếu – tương đương 515 tỷ đồng).

Tổng giá trị cổ phiếu phân phối theo mệnh giá của 3 nhà đầu tư này là 1.515 tỷ đồng.

Hé lộ hệ sinh thái nghìn tỷ xoay quanh Đại gia Xuân Thiện

Tập đoàn Xuân Thiện tiền thân là Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình, thành lập năm 2000, đến tháng 1/2022 chuyển đổi thành mô hình tập đoàn.

Hiện doanh nghiệp hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng - thép xanh và nông nghiệp, logistics, bất động sản và Giáo dục đào tạo.

Từ năm 2018, Xuân Thiện đã lọt top doanh nghiệp tư nhân hàng đầu sở hữu các nhà máy thủy điện và xi măng tại Việt Nam.

Có thể kể đến như việc Xuân Thiện là chủ đầu tư hơn 20 dự án nhà máy thủy điện trong và ngoài nước. Trong nước, có thể kể tới một số thủy điện có công suất từ 20-100MW: Suối Sập 1, Háng Đồng A và Háng Đồng A1, Thủy điện Háng Đồng B (tỉnh Sơn La), Khao Mang, Khao Mang Thượng, Đồng Sung, Thác Cá (tỉnh Yên Bái), Thủy điện tích năng Đông Phù Yên tỉnh Sơn La (1.200 MW)…

Ở mảng xi măng, Xuân Thiện đầu tư sản xuất xấp xỉ 10 triệu tấn xi măng/năm. Tiêu biểu là dây chuyền 2 của Nhà máy xi măng Xuân Thành Hà Nam sử dụng công nghệ của FLSmidth (Đan Mạch), đạt 12.500 tấn clinker/ngày tương đương 16.000 tấn xi măng/ngày. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn sở hữu hai nhà máy quy mô khác là Xuân Thành Quảng Nam và Minh Tâm Bình Phước.

Giai đoạn 2020-2022, Hệ sinh thái của Xuân Thiện bắt đầu xuất hiện một cách rõ nét năng lượng tái tạo, xây dựng cơ bản và lọc dầu.

Cụ thể, Xuân Thiện đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực điện mặt trời, dồn lực vào loạt dự án như: Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc tại Ninh Thuận (tổng công suất lắp đặt 256MW, sản lượng điện khoảng 500 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng), điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp tại DakLak (tổng mức đầu tư hơn 16.500 tỷ đồng)…

Đáng chú ý, chỉ riêng năm 2020, các công ty liên quan đến Tập đoàn Xuân Thiện đã huy động hơn 10.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện các dự án liên quan đến điện mặt trời.

Nhằm tạo liên kết chuỗi, phụ trợ cho các nhà máy sản xuất xi măng, đầu tư năng lượng, Xuân Thiện đã ngắm tới Nam Định. Tại vùng biển Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (vị trí địa lý thuận lợi với các dự án của Xuân Thiện tại Ninh Bình), Xuân Thiện Ninh Bình khảo sát, nghiên cứu loạt dự án như: tổ hợp nhà máy luyện gang thép, trạm nghiền xi măng, cảng sông Đáy, nhà máy Ethanol, cảng tổng hợp quốc tế, khu đô thị biển…

Vào năm 2022, lãnh đạo của Xuân Thiện Group từng cho biết, đơn vị có tới 80 công ty thành viên trong và ngoài nước với tổng vốn điều lệ hơn 100.000 tỷ đồng. Các công ty thành viên của tập đoàn tạo ra doanh thu hàng năm 20.000 tỷ đồng.

Khôi Ngô