Chủ tịch EC đối mặt với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Nghị viện
Cuộc bỏ phiếu đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2014 một Chủ tịch Ủy ban châu Âu bị thách thức bởi một động thái như vậy.

cách thức điều hành. Ảnh: Getty Images
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sẽ phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Nghị viện châu Âu vào ngày thứ Năm tuần tới, 11/7. Đây được đánh giá là một phép thử chính trị đối với bà Ursula von der Leyen trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, trong bối cảnh xuất hiện nhiều chỉ trích và bất đồng xung quanh cách thức điều hành của bà.
Theo lịch trình được Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola thông báo tới các trưởng nhóm chính trị vào tối qua, 2/7, bà Ursula von der Leyen sẽ tham dự phiên tranh luận công khai tại Strasbourg vào đầu tuần sau. Sau đó, lãnh đạo các nhóm chính trị sẽ phát biểu quan điểm trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra ba ngày sau đó.
Lý do bỏ phiếu bất tín nhiệm?
Mặc dù phần lớn các nhóm chính trị chính trong Nghị viện châu Âu đã lên tiếng phản đối kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm - cho thấy khả năng cao bà Ursula von der Leyen sẽ vượt qua cuộc bỏ phiếu - nhưng sự kiện này vẫn có ý nghĩa chính trị đáng kể. Đây là lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, người đứng đầu Ủy ban châu Âu phải đối mặt với một thách thức trực tiếp từ cơ quan lập pháp của Liên minh.
Kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm được nghị sĩ Gheorghe Piperea, một chính trị gia cánh hữu người Romania đưa ra, sau khi ông thu thập đủ 72 chữ ký cần thiết theo quy định của Nghị viện châu Âu.
Lý do chính dẫn đến động thái này là những tranh cãi xoay quanh các tin nhắn riêng tư giữa bà Ursula von der Leyen và Giám đốc điều hành Pfizer, ông Albert Bourla, trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 năm 2021. Các tin nhắn được cho là liên quan đến việc đàm phán mua vaccine cho châu Âu nhưng chưa từng được công khai, gây lo ngại về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình ra quyết định.
Rạn nứt trong nội bộ?
Ban đầu, kiến nghị nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sĩ thuộc Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng của bà Ursula von der Leyen, và nhóm cực hữu Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR). Tuy nhiên, sau khi đối mặt với áp lực nội bộ, một số thành viên trong hai nhóm này đã rút lại sự ủng hộ đối với kiến nghị. Dẫu vậy, số chữ ký vẫn đạt ngưỡng cần thiết để tiến hành cuộc tranh luận và bỏ phiếu theo luật định.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh chính trường châu Âu đang có nhiều biến động. Các nhóm Xã hội và Tự do, hai trụ cột của khối trung dung từng ủng hộ bà Ursula von der Leyen gần đây đã chỉ trích Chủ tịch Ủy ban châu Âu vì có những bước đi “nhượng bộ phe cực hữu” trong một số chính sách môi trường. Họ cho rằng bà đã thỏa hiệp với các lực lượng bảo thủ để làm suy yếu các mục tiêu xanh của EU, khiến uy tín và định hướng chiến lược của Ủy ban châu Âu bị đặt dấu hỏi.
Tuy vậy, khối đa số trung dung tại Nghị viện châu Âu vẫn chưa thể hiện xu hướng rõ ràng sẽ "quay lưng" với bà Ursula von der Leyen. Nhiều nghị sĩ cho rằng một cuộc khủng hoảng chính trị lớn lúc này là điều không cần thiết, trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột tại Ukraine, chính sách mở rộng EU và chuyển đổi năng lượng.
Nếu kiến nghị được thông qua?
Nếu cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm giành được đa số phiếu thuận (tối thiểu 361/720 nghị sĩ), toàn bộ Ủy ban châu Âu sẽ buộc phải từ chức. Điều này sẽ kích hoạt một quy trình bổ nhiệm mới đầy phức tạp, với việc đề cử và phê chuẩn 27 ủy viên từ các quốc gia thành viên, đồng thời khiến quá trình hoạch định và thực thi chính sách của EU bị gián đoạn nghiêm trọng.
Mặc dù khả năng này được đánh giá là rất thấp, nhưng việc một kiến nghị bất tín nhiệm chính thức được đưa ra và đưa vào nghị trình tranh luận cũng cho thấy tín hiệu cảnh báo nghiêm trọng về mức độ phân hóa và bất mãn đang gia tăng trong nội bộ thể chế châu Âu.