Thị trường

Để thực sự "may áo" cho chính mình

Khôi Việt 03/07/2025 05:50

Năm 2025 được xem là năm bản lề khi các doanh nghiệp ngành dệt may trong nước, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Sau nhiều thập kỷ chủ yếu gia công, đây là thời điểm quyết định để ngành CNHT dệt may bứt phá, giảm sự phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, từ vai trò "thợ may" thành "nhà thiết kế" cho chính mình.

Sự phát triển mạnh mẽ của CNHT dệt may không chỉ là mục tiêu kinh tế mà còn là chìa khóa để kiến tạo một chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao giá trị và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới.

Nguồn cung phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu

Ngành dệt may Việt Nam hiện xuất khẩu đứng TOP 3 thế giới, đóng góp 9% vào nguồn cung ứng cho thị trường toàn cầu. Hiện thị trường toàn cầu đang tái cấu trúc và đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc ngành dệt may. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó là nỗi trăn trở kéo dài: sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu; theo thống kê của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), đến năm 2025, tỷ lệ nội địa hóa của ngành, đặc biệt là ở khâu vải và thuốc nhuộm, vẫn chỉ đạt khoảng 45 - 50%. Điều này có nghĩa là mỗi năm, Việt Nam vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu vải, sợi và phụ kiện, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN.

Dệt may 1
Doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn còn phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu quốc tế. Ảnh: A.P

Sự phụ thuộc này không chỉ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp mà còn khiến chuỗi cung ứng trở nên bấp bênh, dễ bị tổn thương trước các biến động địa chính trị, dịch bệnh hay những chính sách thương mại bất ngờ; việc Mỹ áp thuế hàng nhập khẩu từ hàng chục đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với ngành dệt may. Bởi lẽ, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của nước ta, với 38% tổng kim ngạch trong năm ngoái (đạt 16,6 tỷ USD), nên bất kỳ biến động chính sách nào từ thị trường này đều tác động đến toàn ngành.

Hơn nữa, việc đáp ứng các quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP trở thành một thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa Việt Nam. Đại diện Công ty Việt Thắng Jean cho biết, hiện nay cần phải xây dựng được ngành công nghiệp phụ trợ, bảo đảm được nguyên tắc xuất xứ ở các thị trường lớn. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mới giúp được doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay.

Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, nhằm tận dụng cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ để đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương và các bộ, ngành tiếp tục thúc đẩy đàm phán nhằm tạo cơ chế ổn định để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành dệt may, giày dép nói riêng chủ động trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại với hình thức phù hợp với bối cảnh thị trường, phù hợp với mục tiêu của các nhóm doanh nghiệp, bảo đảm duy trì sự hiện diện liên tục của ngành may mặc, giày dép Việt Nam trên thị trường Hoa Kỳ thông qua các hội chợ quốc tế, hội chợ chuyên ngành.

Khai thác tiềm năng của thị trường trong nước

Việc phát triển CNHT ngành dệt may không còn là một lựa chọn mà là một yêu cầu cấp thiết; thị trường nội địa gần 100 triệu dân cùng với nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may là một "mỏ vàng" chưa được khai thác triệt để. Năm 2025 đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các dự án FDI chất lượng cao vào ngành CNHT dệt may. Thay vì chỉ tập trung vào gia công cắt may, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng sang các khâu có giá trị gia tăng cao hơn như dệt, nhuộm và sản xuất sợi tổng hợp. Điển hình là các dự án nhà máy sản xuất vải công nghệ cao tại các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng và Ninh Bình, với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, ứng dụng công nghệ hiện đại, tự động hóa và thân thiện với môi trường.

Ngành dệt may Việt Nam đang phải đối mặt với yêu cầu chuyển đổi sang phát triển bền vững để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao. Trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ thị trường cung ứng, các doanh nghiệp dệt may và da giày Việt Nam phải đồng thời đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc, và phát thải carbon thấp từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU. Theo báo cáo của UNIDO (2023), chỉ 20% doanh nghiệp trong ngành hiện có hệ thống quản lý đủ tiêu chuẩn bền vững quốc tế. Thách thức này càng lớn hơn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính và công nghệ xanh.

Chính vì vậy, đại diện một số doanh nghiệp ngành dệt may kiến nghị bên cạnh Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với các nội dung giảm thuế, miễn thuế, hỗ trợ tiếp cận đất đai ở khu công nghiệp... cần có chính sách cụ thể về tài chính như tài chính xanh, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận và chuyển đổi công nghệ nhanh nhất. Chỉ có ứng dụng công nghệ mới thì doanh nghiệp bảo đảm được sản xuất bảo vệ môi trường, cạnh tranh về giá... Bởi công nghệ và sản xuất xanh hiện nay là yếu tố tiên quyết để gỡ bỏ các rào cản trong việc xuất khẩu sang nước ngoài.

Các dự án mới đều phải áp dụng công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, tuần hoàn nước và sử dụng hóa chất thân thiện môi trường. Sự chuyển dịch này không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước cũng mạnh dạn đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại, hướng tới mục tiêu nhà máy thông minh (smart factory). Song song đó, cần chính sách cụ thể để phát triển chủ động về xơ, sợi, tăng cường chủ động nguyên liệu trong nước. Việt Nam đã tham gia hội nhập sâu rộng và hầu hết các nước đều sẽ ưu tiên cho hàng dệt may Việt Nam nếu chủ động được nguyên phụ liệu.

Khôi Việt