Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì họp giao ban lãnh đạo Quốc hội
Chiều 2/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp giao ban lãnh đạo Quốc hội sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm.
Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan; Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng; Phó Bí thư Đảng ủy Quốc hội Vũ Hải Hà.

Đánh giá tại cuộc họp cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, với sự lãnh đạo sát sao của Bí thư Đảng ủy Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan thuộc khối Quốc hội đã rất nỗ lực, đoàn kết, khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, “vừa chạy vừa xếp hàng”, chủ động thực hiện và hoàn thành các nội dung thuộc chương trình, kế hoạch và các nhiệm vụ phát sinh.
Các cơ quan của Quốc hội đã tham mưu xây dựng chương trình khoa học và tổ chức thành công nhiều cuộc họp, hội nghị quan trọng, bao gồm: 2 kỳ họp của Quốc hội, 16 phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều hội nghị, cuộc họp quan trọng khác… Đặc biệt là Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV - kỳ họp ghi dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử lập hiến, lập pháp của Quốc hội, với tinh thần cải cách thể chế toàn diện, sắp xếp bộ máy mạnh mẽ và những quyết sách chiến lược mở đường cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, với những ý nghĩa đặc biệt.

Qua 2 kỳ họp, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc tham mưu trình Quốc hội xem xét, thông qua 38 luật, 52 nghị quyết, trong đó có 16 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 6 dự án luật khác - trong 2 kỳ họp Quốc hội đã thông qua số lượng luật chiếm tới 63,3% tổng số luật được ban hành tại 16 kỳ họp trước của nhiệm kỳ Khóa XV.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thành công của 2 Kỳ họp, nhất là Kỳ họp thứ Chín vừa qua là do sự lãnh đạo hết sức kịp thời của Đảng, Bộ Chính trị đã kịp thời có các văn bản kết luận, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; Đảng ủy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp hành nghiêm các quy định, kết luận của Đảng; sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ Quốc hội, thảo luận, tranh luận nhiều vấn đề, các tờ trình, báo cáo của Chính phủ nhưng trên tinh thần vì đại cuộc, vì lợi ích chung...

6 tháng còn lại năm 2025 cũng là những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, còn rất nhiều nhiệm vụ chính trị lớn, đặc biệt quan trọng cần phải tập trung thực hiện, trọng tâm là Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12, 13, tổ chức Đại hội Đảng bộ Quốc hội, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Mười và các kỳ họp khác nếu có, công tác tổng kết nhiệm kỳ 2021 - 2026, công tác chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam và bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách các lĩnh vực chỉ đạo rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ, nhất là những việc đang làm, chưa làm để tập trung triển khai, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng; tiếp tục triển khai đúng tiến độ các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, các Nghị quyết thuộc nhóm “bộ tứ trụ cột” và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...

Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đồng chí trong Đảng ủy Quốc hội tập trung chuẩn bị thật tốt cho việc tổ chức Đại hội Đảng bộ Quốc hội lần thứ Nhất; hoàn thiện các văn kiện trình Đại hội - đây là vấn đề quan trọng nhất hiện nay; tiếp tục tham mưu, theo dõi, cập nhật tiến độ thực hiện kết luận các cuộc họp của lãnh đạo chủ chốt.
Về lập pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo rà soát, khẩn trương hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín, trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực, công bố theo thời gian quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo tiến hành công tác tổng kết Kỳ họp thứ Chín; chỉ đạo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp chủ trì tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chuẩn bị Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín và Kỳ họp thứ Chín.

Chỉ đạo Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp các cơ quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định về quy chế phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 31 về hướng dẫn Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Đồng thời, tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 197 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập pháp năm 2025 và cả nhiệm kỳ Khóa XV. Tổ chức tổng kết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, chuẩn bị xây dựng Định hướng chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Khóa XVI.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chỉ đạo hoàn thiện dự án Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (sửa đổi) để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Mười; chuẩn bị tổ chức hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Mười.
Hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình tại Phiên họp tháng 7, 8 và báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Quốc hội để trình tại Phiên họp tháng 9/2025 trước khi trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Mười; chuẩn bị tổ chức Diễn đàn về hoạt động giám sát.
Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo Ủy ban Dân nguyện và Giám sát chủ trì, phối hợp với các cơ quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định việc thực hiện dân chủ trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của HĐND.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức, hoạt động của HĐND các cấp sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành chính thức; công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH Khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Phó Chủ tịch Quốc hội theo lĩnh vực phụ trách chỉ đạo các cơ quan về công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Mười, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan thường xuyên đôn đốc hồ sơ, tài liệu để bảo đảm tiến độ các nội dung trình Quốc hội, UBTVQH cho ý kiến tại các phiên họp tháng 7, 8, 9/2025, tránh dồn vào phiên họp sát Kỳ họp thứ Mười.

Cùng với đó, chủ động các nội dung để đề xuất đưa vào chương trình Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tránh đề nghị điều chỉnh liên tục. Chuẩn bị tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách cho ý kiến đối với các nội dung trình Kỳ họp thứ Mười. Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 1255 ngày 17/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9/2025.
Tiếp tục chỉ đạo tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam; đẩy mạnh chuyển đổi số, "bình dân học vụ số", ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tất cả các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm yêu cầu công tác, tăng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu kịp thời, hiệu quả.
Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt các luật, Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ bất thường lần thứ Chín và Kỳ họp thứ Chín.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về chủ trương, định hướng và việc tổ chức triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy. Chủ động nắm, rà soát “phủ xanh” thông tin tích cực; đấu tranh phản bác, xử lý thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật…

Nhấn mạnh sứ mệnh, vai trò của Quốc hội Việt Nam trước kỷ nguyên mới là “kiến trúc sư thể chế”, “trụ cột dân chủ”, “đầu tàu đổi mới” và “cầu nối hội nhập quốc tế", Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội cùng suy nghĩ, thống nhất hoạch định, hành động để: kiến tạo nền tảng thể chế tiên tiến, hội nhập; dẫn dắt xã hội số và kinh tế số; bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền, an ninh phi truyền thống; đổi mới trong hoạt động giám sát tối cao, đồng hành cùng nhân dân; thúc đẩy ngoại giao nghị viện đa phương và song phương; kiến tạo động lực phát triển và đồng thuận xã hội.