Quốc tế

Tổng thống Nga, Pháp lần đầu điện đàm sau 3 năm

Hồng Nhung 02/07/2025 15:47

Trong cuộc điện đàm kéo dài hai giờ đồng hồ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin chấp thuận một lệnh ngừng bắn với Ukraine. Đây là cuộc trao đổi chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ tháng 9/2022.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-02 145158
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Cung điện Versailles, ngày 29/5/2017. Ảnh: AFP

Theo thông cáo từ Điện Élysée, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Pháp đối với Ukraine trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, đồng thời kêu gọi “thiết lập càng sớm càng tốt một lệnh ngừng bắn” và mở lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine nhằm tìm kiếm giải pháp “vững chắc và lâu dài” cho cuộc xung đột.

Về phía Moscow, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã phản bác, cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine là “hệ quả trực tiếp từ chính sách của các quốc gia phương Tây” không tính đến các lợi ích an ninh của Moscow. Ông Putin cũng khẳng định bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào đạt được trong tương lai “phải mang tính dài hạn” - hàm ý cần phải loại bỏ những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine và đáp ứng các yêu cầu căn bản của Nga dựa trên tình hình thực tế mới.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-02 145420
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lưu ý Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng,
cuộc xung đột tại Ukraine là “hệ quả trực tiếp từ chính sách của các quốc gia phương Tây”.
Ảnh: AP

Ngoài tình hình Ukraine, chương trình hạt nhân của Iran cũng là một chủ đề quan trọng được hai nhà lãnh đạo thảo luận. Tổng thống Macron và Tổng thống Putin đều thống nhất rằng căng thẳng liên quan tới vấn đề hạt nhân của Tehran cần được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.

Điện Kremlin lưu ý, cả Nga và Pháp đều công nhận “quyền hợp pháp của Iran trong việc phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tehran tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT), bao gồm hợp tác với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Cuộc điện đàm giữa ông Macron và ông Putin được đánh giá là một bước đi ngoại giao hiếm hoi trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng sau hơn 3 năm xung đột tại Ukraine và đàm phán Nga - Ukraine đang đi vào bế tắc. Cả Nga và Pháp đều xác nhận hai Tổng thống đã nhất trí tiếp tục giữ liên lạc và phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.

Hồng Nhung