Dựng lại diện mạo hệ thống quán Đạo giáo tại Việt Nam
Cuốn sách "Quán Đạo giáo với một số vấn đề lịch sử và tôn giáo ở Việt Nam" của TS. Nguyễn Thế Hùng nêu bật vai trò của Đạo giáo, đặc biệt là hệ thống quán Đạo giáo trong giai đoạn đầy biến động của xã hội Việt Nam thế kỷ XVI - XVII.
Sách do NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành. Dựa trên nhiều năm nghiên cứu và khảo sát thực địa tại vùng xứ Đoài, nay là khu vực phía tây Hà Nội, TS. Nguyễn Thế Hùng đã dựng lại diện mạo tương đối toàn diện của hệ thống quán Đạo giáo qua các công trình như Linh Tiên, Hội Linh, Hưng Thánh, Lâm Dương... Đây không chỉ là nơi thờ phụng các vị thần như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Huyền Thiên Trấn Vũ mà còn là nơi thể hiện sự kết tinh, hòa quyện giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian Việt Nam và các tôn giáo lớn khác như Nho giáo, Phật giáo.
Không chỉ dừng ở khảo tả, liệt kê, tác giả còn phân tích kiến trúc, tượng pháp, nghi lễ, tư tưởng… để cho thấy đây là thiết chế tôn giáo độc lập, mang phong cách riêng, không thể đồng nhất với chùa hay đền.

Một trong những phát hiện đáng chú ý trong cuốn sách là sự biến đổi trong kiến trúc quán Đạo theo thời gian: từ hình chữ Tam (biểu hiện của tam giới: Thiên - Địa - Nhân) ở thế kỷ XVI sang hình chữ Công ở thế kỷ XVII, thể hiện tính liên kết và hướng nội. Ngoài ra, hệ thống hậu đường, gác chuông, cách bài trí tượng thờ, nghi lễ phụng tự được đề cập trong cuốn sách cũng làm nổi bật đặc điểm của kiến trúc quán Đạo giáo.
Không dừng ở kiến trúc, hệ thống tượng pháp trong quán Đạo giáo còn phản ánh sự phong phú và đa tầng của niềm tin cũng như nghệ thuật dân gian Việt. Tác giả phân loại tượng thờ thành bốn nhóm: từ các pho tượng phổ biến như Tam Thanh, Ngọc Hoàng, Bắc Đẩu, Nam Tào; đến những tượng chỉ có ở một số quán như Tây Vương Mẫu, Đông Nhạc Đại Đế, và nhóm tượng giao thoa với Phật giáo. Những phân tích này cho thấy quán Đạo giáo là không gian tiêu biểu cho quá trình bản địa hóa Đạo giáo, thể hiện rõ sự tiếp biến văn hóa và sáng tạo tín ngưỡng của người Việt.
Không chỉ phục dựng giá trị lịch sử, tín ngưỡng của các quán Đạo giáo, cuốn sách còn đưa ra các phân tích để khẳng định: đây là loại hình di tích cần được nhìn nhận đúng như một bộ phận thiết yếu trong hệ sinh thái văn hóa - tôn giáo Việt Nam. Việc bảo tồn quán Đạo giáo không nên chỉ dừng lại ở hình thức kiến trúc mà phải gắn với phục dựng đúng nghi lễ, hiểu đúng hệ thống biểu tượng và tái hiện môi trường văn hóa nguyên gốc của nó.
GS.TS. Nguyễn Văn Kim nhận xét: “Cuốn sách không chỉ góp phần nghiên cứu lịch sử và tôn giáo Việt Nam; hướng tới nhận thức ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn về Đạo giáo, Tam giáo mà còn là một chuyên khảo có giá trị trong công tác quản lý di tích; làm cơ sở cho việc giữ gìn, bảo vệ, định hướng khai thác, phát huy giá trị kiến trúc, nghệ thuật tôn giáo cũng như các lễ hội, sinh hoạt văn hóa, tâm linh diễn ra trong các không gian văn hóa, kiến trúc truyền thống hiện nay”.