Xã hội

Phố Dương Đình Nghệ (Phường Yên Hoà, Hà Nội): Bao giờ hết cảnh tập kết rác tự phát gây ảnh hưởng môi trường sống?

Thanh Hải 02/07/2025 14:58

Bên cạnh các toà cao ốc rực sáng, ngay tại cuối con phố Dương Đình Nghệ (phường Yên Hoà, Hà Nội) đang tồn tại một bãi rác tự phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống người dân.

Khi "bãi rác" mọc lên giữa lòng đô thị đang phát triển

img_0963.jpg
Địa điểm tập kết rác bốc mùi khó chịu gần khu dân cư khiến nhiều người dân bức xúc phản ánh.

Những ai từng đi qua Dương Đình Nghệ khó có thể không chú ý tới bãi rác khổng lồ án ngữ đoạn cuối đường. Rác thải sinh hoạt, rác công trình, bao tải xây dựng, nhựa phế liệu... chất đống lộ thiên.

img_0986.jpg
Bãi rác nằm gần trụ sở phòng cháy chữa cháy - nơi cần thông thoáng để xe chuyên dụng dễ ra vào khi có sự cố.
img_0965.jpg
Rác được phủ bạt để che tạm đi thực trạng mất an toàn đô thị.

Một phần được phủ bạt cho "đỡ nhơ nhuốc" nhưng lớp bạt mỏng manh chẳng ngăn nổi mùi nồng nặc bốc lên vào mỗi buổi trưa nắng. Trời mưa, nước thải chảy lênh láng xuống lòng đường, trộn lẫn với đất cát từ cửa hàng vật liệu xây dựng gần đó, tạo thành thứ bùn nhão đen sì, ám mùi, trơn trượt.

img_0975.jpg

Bên trong những lớp bạt phủ kín là chục túi rác đen lâu ngày chưa xử lý.

Người dân khu vực xung quanh cho biết tình trạng này đã kéo dài nhiều năm. Việc tồn tại một bãi rác tự phát gần khu dân cư, sát đường lớn nơi mỗi ngày hàng nghìn lượt xe qua lại không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường mà tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, cháy nổ và dịch bệnh.

img_0982.jpg
Phế liệu chất đống
img_1059.jpg
Quán nước được dựng tạm bởi bạt, tấm tôn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

"Mưa thì lầy lội, nắng thì biết mặt nhau ngay"

Bà N., người đang chăm cháu ngoại 1 tuổi mắc chứng tự kỷ, sống gần bãi rác cho biết:

"Trời mưa thì khỏi đi đâu, sình lầy về lại giặt quần áo ốm người. Nắng lên thì mùi rác nồng lắm thậm chí bay vào tận tầng 3. Tôi muốn đưa cháu ra công viên gần đây chơi cũng phải vòng đường khác. Cháu nhạy cảm, không chịu nổi mùi lạ và âm thanh ồn ào. Cửa sổ nhà tôi lúc nào cũng phải đóng kín."

img_1003.jpg
Thói quen "tiện đâu vứt đó" kéo theo nhiều hệ lụy.

Trong khi đó, một người mẹ trẻ, sống gần khu vực này cho biết lý do phải đem rác ra bỏ tại đây:

"Nói thì tình ngay lý gian, nói thật tôi đi làm cả ngày, về đến nơi đã hơn 7 giờ tối mà xe thu gom rác chỉ qua khoảng 5 rưỡi đến 6 giờ. Về cũng phải lo nhà cửa, con cái. Để rác trong nhà cả đêm thì chịu không nổi, sáng dậy sớm cũng không gặp được xe rác nên đành mang ra đây. Thấy nhiều nhà để ở đây rồi thì cũng làm theo. Ít nhất gom tập kết thành đống còn đỡ hơn vứt bừa bãi."

img_0980.jpg

Tâm lý "tiện đâu để đó", cộng thêm khung giờ thu gom rác chưa phù hợp với nhịp sống hiện đại khiến khu vực ngày càng bị quá tải. Tình trạng này không phải cá biệt, mà là điển hình của bài toán giữa quản lý đô thị và thói quen sinh hoạt của cư dân.

Khi phế liệu trở thành chất xúc tác cho hỗn loạn

img_0978.jpg
Xe rác bị xới tung để nhiều người thu gom phế liệu.

Gần bãi rác có một cơ sở thu mua phế liệu. Mỗi khi xe rác tới, nhiều người tranh thủ "xới tung" đống rác để tìm nhựa, lon, giấy... Rác bị bới vương vãi khắp nơi, rơi xuống lòng đường.

img_0998.jpg
Rác vương vãi khắp trên nền đất, nhầy nhụa và bẩn thỉu.

Cùng lúc đó, hàng dài ô tô đỗ phía, cộng thêm gạch đá, cát sỏi từ cửa hàng vật liệu ven đường khiến không gian trở nên lộn xộn, bụi bặm và mất an toàn.

img_1020.jpg
Rác chất thành đống cao vút khiến dân đi qua "phát hoảng".
img_1019.jpg
Người dân vun tạm rác vào bao tải rồi để một góc.
img_1025.jpg
Địa điểm tập kết xe chở phế liệu cả ngày lẫn đêm.
img_1044.jpg
Gạch đá của cửa hàng vật liệu xếp trên lòng đường.
img_1068.jpg
Bùn cát không che chắn khiến mưa thì lầy lội; khi nắng, gió làm cát bay tứ tung.

Điều trớ trêu là ngay đối diện bãi rác là trạm xăng và trụ sở phòng cháy chữa cháy - nơi lẽ ra được giữ thông thoáng tuyệt đối. Nhưng hiện tại, cứ theo đà này thì mỗi khi cần xe chuyên dụng ra vào, việc tránh né rác và dòng xe chen chúc là điều không thể tránh khỏi.

img_1041.jpg
Hàng dài xe đỗ gây cản trở giao thông khu vực.
img_1049.jpg
Xe ô tô đỗ kín vỉa hè, đẩy người bộ xuống lòng đường gây mất an toàn.

Bức tranh trái ngược giữa kỳ vọng và thực tế

Theo thông tin từ quy hoạch đô thị, khu vực Dương Đình Nghệ nằm trong diện mở rộng và cải tạo trục giao thông Vành đai 2.5, được định hướng kết nối với đường Nguyễn Văn Huyên và các khu công nghệ cao lân cận.

Khu vực nằm trong diện mở rộng và cải tạo trực giao thông Vành đai 2.5.
Khu vực nằm trong diện mở rộng và cải tạo trực giao thông Vành đai 2.5.

Tuy nhiên, thực tế hiện tại đang đi ngược kỳ vọng, Một khu vực được hy vọng là trung tâm phát triển mới đáng lẽ phải gọn gàng, ngăn nắp, xanh - sạch - đẹp, lại đang trở thành điểm "đen" về rác thải và vệ sinh môi trường.

Dĩ nhiên, cần nhìn nhận một cách công bằng: đây không phải là trách nhiệm riêng của lực lượng chức năng nào. Quản lý đô thị là bài toán nhiều vế - trong đó vai trò của người dân, đơn vị vận hành dịch vụ môi trường, địa phương, và các bên liên quan đều phải đặt lên bàn cân. Việc phát sinh điểm tập kết rác tự phát thường bắt nguồn từ nhu cầu thực tế, khi hạ tầng thu gom xử lý chưa đáp ứng kịp tốc độ sống hiện đại và mật độ dân cư tăng cao.

Cần có một tầm nhìn dài hạn

Không thể giải quyết bài toán này chỉ bằng vài chiến dịch dọn dẹp. Cần một cái nhìn thực tế và có hệ thống hơn:

Trước hết, cần xem xét lại khung giờ thu gom rác hiện nay sao cho linh hoạt và phù hợp với nhịp sống đô thị, tránh tình trạng người dân đi làm cả ngày không có điều kiện tiếp cận xe rác đúng giờ, buộc phải chịu đựng và vứt rác theo cách "tiện đâu vứt đó". Bên cạnh đó, thành phố nên nghiên cứu thiết lập những điểm tập kết rác tạm thời có kiểm soát, được bố trí ở vị trí hợp lý, có mái che, có giải pháp ngăn mùi và đảm bảo vệ sinh, thay vì để rác tồn tại công khai gần khu dân cư.

Song song với đó, việc tuyên truyền và hỗ trợ cư dân thay đổi thói quen sinh hoạt cũng cần được chú trọng như khuyến khích phân loại rác, giữ rác trong hộ cho đến giờ thu gom thay vì để tràn lan ngoài hành lang, vỉa hè. Đặc biệt, các cơ sở thu gom phế liệu quanh khu dân cư cần được kiểm tra, nhắc nhở và quy định rõ trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, tránh tình trạng lục, xới tung rác gây mất trật tự và gián đoạn việc thu gom.

Và cuối cùng, quan trọng nhất, là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật gắn với quy hoạch đô thị đã được công bố. Quy hoạch không thể nằm mãi trên giấy trong khi người dân vẫn phải sống giữa khói bụi, rác thải và những bất cập đô thị lặp đi lặp suốt nhiều năm.

Dương Đình Nghệ không phải là trường hợp cá biệt, mà là lát cắt điển hình về mâu thuẫn trong đô thị hoá nhanh: giữa tốc độ phát triển và khả năng quản lý; giữa thói quen sinh hoạt cũ và nhu cầu vận hành mới.

Điều người dân cần không phải lời hứa, mà là sự chuyển động đồng bộ. Bởi vì họ đang sống trong thực tế hàng ngày, chứ không nằm trong tương lai quy hoạch.

Thanh Hải