Mỹ tạm ngừng chuyển giao một số vũ khí cho Ukraine: Sự điều chỉnh chiến lược
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra quyết định tạm ngừng chuyển giao một số loại vũ khí từng cam kết viện trợ cho Ukraine, sau khi Lầu Năm Góc đánh giá kho dự trữ quốc phòng đang giảm sút.
Động thái này, theo giới quan sát, phản ánh sự thay đổi rõ nét trong chiến lược an ninh và đối ngoại của Washington, đồng thời đánh dấu bước ngoặt trong chính sách hỗ trợ Ukraine dưới nhiệm kỳ mới của ông Donald Trump.

Ảnh: AFP/Getty Images
Rà soát kho vũ khí và điều chỉnh ưu tiên
Theo thông tin từ Lầu Năm Góc, quyết định tạm dừng viện trợ một số lô hàng vũ khí đến Ukraine được đưa ra sau cuộc rà soát nội bộ nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng và dự trữ quân sự của Mỹ. Một quan chức quốc phòng tiết lộ, một số loại vũ khí mà Mỹ từng cam kết chuyển cho Ukraine hiện đang ở mức tồn kho quá thấp, buộc Washington phải điều chỉnh kế hoạch viện trợ để đảm bảo an ninh quốc gia của chính mình.
Người phát ngôn Nhà Trắng, bà Anna Kelly, nhấn mạnh: “Quyết định này được đưa ra nhằm đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu sau khi xem xét toàn diện các chương trình viện trợ quân sự trên toàn cầu”.
Bộ Quốc phòng Mỹ không công bố cụ thể các loại vũ khí bị tạm hoãn chuyển giao. Tuy nhiên, giới chức nước này khẳng định quá trình hiện đại hóa vũ khí và quốc phòng của Mỹ vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua gói cắt giảm thuế và chi tiêu quốc phòng đang được Quốc hội xem xét.
Tác động tới Ukraine
Việc Mỹ tạm ngừng một phần viện trợ quân sự được cho là sẽ giáng một đòn nặng nề lên Ukraine trong bối cảnh xung đột với Nga đang diễn biến phức tạp.
Từ tháng 2/2022 đến nay, Mỹ đã viện trợ hơn 66 tỷ USD cho Ukraine, chủ yếu là vũ khí, thiết bị và hỗ trợ huấn luyện. Tuy nhiên, khi căng thẳng leo thang ở nhiều khu vực, bao gồm cả Trung Đông, và nhu cầu hiện đại hóa quân đội trong nước ngày càng cấp thiết, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu điều chỉnh cách tiếp cận với vấn đề Ukraine.

Dù vậy, trong một tuyên bố, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Elbridge Colby khẳng định, Washington vẫn đang cung cấp cho Tổng thống Trump “những phương án mạnh mẽ” để tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine, phù hợp với mục tiêu “kết thúc cuộc chiến một cách hợp lý”. Đồng thời, ông nhấn mạnh Bộ Quốc phòng đang “nghiêm túc đánh giá và điều chỉnh phương pháp tiếp cận để bảo đảm sẵn sàng lực lượng cho các ưu tiên quốc phòng dài hạn”.
Thay đổi trong cách tiếp cận
Sự thay đổi quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump được thể hiện rõ nét qua phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth trong phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 6. Ông Hegseth cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã chủ động loại bỏ các chương trình viện trợ “thiếu hiệu quả” và tái phân bổ ngân sách cho các mục tiêu ưu tiên của Tổng thống.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông tin, một phần ngân sách an ninh dành cho Ukraine vẫn đang được triển khai, tuy nhiên ông khẳng định rằng khoản viện trợ vốn được duy trì mạnh mẽ trong hai năm qua chắc chắn sẽ bị cắt giảm.
“Chính quyền của Tổng thống Donald Trump có cách nhìn hoàn toàn khác về cuộc xung đột. Chúng tôi tin rằng một giải pháp hòa bình thông qua đàm phán là lợi ích tốt nhất cho cả hai bên và cho lợi ích quốc gia của chúng ta”, ông Hegseth khẳng định.
Đáng chú ý, trong cuộc gặp Tổng thống Volodymyr Zelenskyy bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần đây, Tổng thống Donald Trump dù để ngỏ khả năng tiếp tục cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine - loại vũ khí được Kiev tha thiết đề nghị nhằm chống lại các đợt tấn công bằng tên lửa từ Nga, nhưng cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ “cũng cần những hệ thống đó” và đang “ưu tiên cung cấp cho Israel” - ám chỉ khả năng viện trợ thêm cho Kiev là có giới hạn.

tại hội nghị thượng đỉnh NATO tháng trước. Ảnh: Reuters
Sự rút lui từng bước của Mỹ khỏi vai trò điều phối các nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine cũng đã thể hiện rõ. Bộ trưởng Hegseth là người đầu tiên không tham dự cuộc họp của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine kể từ khi nhóm này được thành lập năm 2022.
Trước đó, người tiền nhiệm Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ từng duy trì vai trò lãnh đạo nhóm này và tổ chức họp định kỳ hàng tháng với các đối tác phương Tây. Việc Mỹ chuyển giao vai trò lãnh đạo nhóm này cho Đức và Anh rồi hoàn toàn rút lui khỏi cơ chế điều phối thể hiện một bước lùi đáng kể trong cam kết hỗ trợ dài hạn với Ukraine.
Ưu tiên nội lực, hướng tới đàm phán
Từ những quyết sách mới, có thể thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang định hình lại cách tiếp cận của Mỹ trong cuộc xung đột Ukraine. Không còn là mô hình viện trợ “không giới hạn” như trong nhiệm kỳ trước, Washington giờ đây chuyển sang ưu tiên lợi ích chiến lược của nước Mỹ, giảm thiểu rủi ro từ việc tiêu hao nguồn lực quân sự, đồng thời thúc đẩy một tiến trình đàm phán kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho cả Mỹ và các đồng minh.
Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng tới Ukraine mà còn tác động sâu sắc tới vị thế của Mỹ trong NATO và trong bàn cờ địa chính trị toàn cầu. Với quan điểm đặt “nước Mỹ trên hết”, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: Hỗ trợ quốc tế không thể tách rời lợi ích trong nước và sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.