Bài 2: Xây dựng đời sống văn hóa mới gắn với xóa bỏ hủ tục
Xóa bỏ hủ tục vốn đã tồn tại lâu đời trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là việc làm khó, cần phải kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp với cuộc sống và nhận thức, phong tục của đồng bào. Với quan điểm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, những phong tục, tập quán có ý nghĩa tốt đẹp thì nên duy trì, phát huy và ngược lại, những hủ tục thì cần phải loại bỏ.
Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ủy Ban Dân tộc, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao. Trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14.10.2021 của Thủ tướng Chính phủ và thông qua nguồn lực này tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức nhằm làm thay đổi cho được hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã triển khai và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 27-CT/TW về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội và Kết luận số 51-KL/TW ngày 22.7.2009 của Bộ Chính trị, từng bước đẩy lùi các hủ tục, mê tín dị đoan, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn tỉnh.

Đơn cử tại huyện Thường Xuân, hiện có 3 dân tộc cùng sinh sống là Thái, Mường và Kinh. Mỗi dân tộc đều có sắc thái văn hóa riêng từ phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết... trong đó có nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy, song cũng còn một số hủ tục ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân cần phải loại bỏ. Từ đó, huyện chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Trong đó, đã phục dựng lại một số lễ hội của đồng bào dân tộc Thái như, lễ hội Nàng Han, lễ hội mừng cơm mới, các làn điệu dân ca, dân vũ... Khuyến khích người dân đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gia đình văn hóa. Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội... Nhờ đó, đời sống văn hóa ở cơ sở trên địa bàn huyện được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua các phong trào thể thao, văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia.
Tại huyện Như Xuân, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Như Xuân Đoàn Đức Lưu cho biết, Liên đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đảng viên công đoàn tích cực tham gia xóa bỏ hủ tục, gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh. Qua đó, nhận thức của người dân dần được nâng cao, nhiều lễ hội văn hóa, nghề truyền thống, phong tục tốt đẹp của đồng bào được khôi phục, giữ gìn và phát huy; nhiều hủ tục, tập quán không còn phù hợp từng bước được xóa bỏ, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Việc hiếu hỷ được 100% người dân tổ chức theo nếp sống mới đơn giản, tiết kiệm, lành mạnh. Đến nay, huyện có 18 cơ quan văn hóa cấp tỉnh, 5 cơ quan văn hóa cấp huyện, 76% gia đình văn hóa, 84,2% thôn, làng, khu phố được công nhận danh hiệu làng văn hóa, thôn văn hóa, khu phố văn hóa.
Kết quả trên cho thấy, văn hóa đã thấm sâu vào mỗi gia đình, cộng đồng dân cư, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc và trở thành thước đo giá trị về chất lượng cuộc sống, về sự phát triển nhân cách con người, về nét đẹp trong mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, ổn định, tạo đà cho sự phát triển kinh tế ở mỗi địa phương. Các phong trào quần chúng xây dựng đời sống văn hóa đã phát huy được tinh thần làm chủ của nhân dân, có tính tự nguyện cao, thu hút được các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội. Những điều đó đang góp phần hạn chế và dần loại bỏ những tư tưởng, hủ tục, tập quán lạc hậu.
Đột phá của đột phá
Cũng giống như Thanh Hóa, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Nghệ An vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, khó có thể xóa bỏ triệt để, trong đó nhức nhối nhất là nạn tảo hôn - một hủ tục như đã ăn sâu vào bao thế hệ đồng bào các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… Mặc dù chính quyền và các ngành liên quan đã có những nỗ lực lớn trong việc tuyên truyền nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn song đến nay, đâu đó vẫn đang tồn tại tình trạng có những đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội vã lấy vợ, lấy chồng, chưa kịp trưởng thành đã vội vã lập gia đình. Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang gây ra không ít bi kịch, làm héo tàn những “bông hoa rừng” mới chớm nở, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nòi giống cũng như các vấn đề xã hội, nhất là trong việc nâng cao chất lượng dân số ở tỉnh Nghệ An.
Ở vùng rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), chỉ tính riêng trong năm 2020-2023, huyện đã có trên 600 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể hơn, năm 2020 toàn huyện có 164 trường hợp, năm 2021 có 147 trường hợp, năm 2022 có 171 trường hợp, năm 2023 có 229 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã có đông đồng bào dân tộc Mông và Khơ Mú... Độ tuổi vi phạm trung bình là 17,5 tuổi đối với nam, 15,8 tuổi đối với nữ.

Em Lầu Y D. (xã Mường Lống) cho biết, em đã kết hôn được 2 năm khi mới hết tuổi 13 sang 14 và mới là học sinh lớp 8. Chồng D. không ai xa lạ mà chính là bạn học cùng trường, trên D. một lớp và lúc đó cũng chỉ mới 15 tuổi. May mắn hơn nhiều bạn khác, sau khi làm lễ cưới theo phong tục của người Mông, vợ chồng D. được gia đình cho tiếp tục đến trường, không như nhiều bạn khác phải nghỉ học luôn. Thời điểm đó, lớp D. cũng có ba bạn cưới chồng nên thấy cũng bình thường.
Cô Lô Thị Thắm giáo viên trường PTDTBT THCS Nậm Cắn (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn) cho biết, những năm trước cứ vào dịp Tết, các thầy cô trong trường lại phải đến tận nhà từng học sinh để vận động các em khoan hãy lấy vợ lấy chồng. Nhiều bản ở xa trung tâm xã, việc đi lại vận động rất vất vả nhưng các thầy cô vẫn không nản nhưng năm nào cũng 2,3 trường hợp các em lấy vợ, lấy chồng. “Năm nay nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp nên đến thời điểm này ở trường chưa có trường hợp nào các em nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng nên chúng tôi cũng rất phấn khởi” cô Thắm chia sẻ.

Thực tế, dù đã có chế tài trong xử lý vi phạm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, song chủ yếu vẫn dựa vào việc tuyên truyền, nhắc nhở khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nên trên thực tế, có nhiều gia đình có con em tảo hôn đã cố tình dấu dẫn đến việc ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp… dẫn đến hiệu quả không cao. Sự can thiệp, xử phạt vi phạm hành chính từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn có lúc thiếu kiên quyết; các chính sách, pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được triển khai thực hiện hiệu quả ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các bậc làm cha, làm mẹ chưa quan tâm đúng mức, nhiều gia đình buông lỏng trong quản lý con cái…
Để ngăn chặn tảo hôn, cuối năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kỳ Sơn đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng chống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2024-2030". Theo đó, Huyện uỷ chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đoàn thể và sự nêu gương của cán bộ, đảng viên đối với việc bài trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, 3 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ vi phạm tảo hôn trên địa bàn giảm 30% so với cùng kỳ 2024; một số địa bàn không có người tảo hôn như xã Bảo Thắng, Hữu Lập, Bảo Nam, Phà Đánh, Mỹ Lý, Keng Đu...
Theo Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn Lầu Bá Chò: Năm 2024, toàn huyện tổ chức được 47 hội nghị tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 47 bản thuộc 14 xã và 4 cụm thi tuyên truyền phòng, chống tảo hôn tại 19 Trường PTDTBT THCS trên địa bàn huyện. Đầu năm 2025, Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức Lễ ra mắt mô hình điểm sáng "Gia đình, dòng họ, bản không tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" ở nhiều địa bàn như bản Trường Sơn (xã Nậm Cắn), bản Hín Pèn (xã Bảo Nam), bản Đỉnh Sơn (xã Hữu Kiệm)… “Từ các mô hình điểm, UBND các xã, thị trấn sẽ chủ động nhân rộng mô hình, nhất là ở các địa bàn có diễn biến phức tạp về tảo hôn và địa bàn nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Song song với việc rà soát đưa các nội dung phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết vào quy ước, hương ước của từng thôn bản”, Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn Lầu Bá Chò thông tin.
Bên cạnh mô hình “Gia đình, dòng họ, bản, khối không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, huyện đồng thời chỉ đạo triển khai các mô hình khác như “Câu lạc bộ thanh niên không tảo hôn, bỏ học”, “Trường học không có học sinh vi phạm pháp luật về tảo hôn”, “Cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị không vi phạm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”… từng bước làm thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, khi cả nước đang bứt phá để trở thành một nền kinh tế phát triển vào năm 2045, việc xóa bỏ những hủ tục vùng dân tộc thiểu số không chỉ là vấn đề văn hóa, mà còn là một nhiệm vụ chính trị - xã hội cấp bách. Từ nhận thức đến hành động, từ chính sách đến thực tiễn, các địa phương đã và đang tìm mọi cách “cởi trói tư duy”, giúp người dân thoát khỏi những ràng buộc vô hình đã ăn sâu hàng thế kỷ.
Ông Tráng A Dương, Ủy viên chuyên trách Hội Đồng Dân tộc