Xã hội

Xóa bỏ hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số Bài 1: “Cởi trói” nhận thức bằng hành động

Thái Yến và Nhóm PV 18/03/2025 10:47

"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" - lời chỉ bảo ngắn gọn mà sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự. Xoá bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới văn minh chính là quá trình “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, có ảnh hưởng không nhỏ đến trình độ phát triển văn hoá của mỗi tộc người và cả quốc gia.

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Việt Nam có 53 Dân tộc thiểu số ít người, với khoảng trên 14 triệu người, chiếm khoảng 14% dân số, phân bố trên địa bàn 58/63 tỉnh, thành cả nước. Mỗi dân tộc thiểu số lại có các sắc thái văn hoá riêng, tạo nên đời sống văn hoá Việt Nam giàu có, đa sắc màu. Văn hóa các dân tộc thiểu số là một bộ phận hữu cơ của văn hóa quốc gia, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, hội nhập quốc tế hiện nay.

Ảnh bài 1
Văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số được coi là tài sản quý báu của toàn xã hội. Ảnh: ITN

Xuyên suốt thời gian, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định quan điểm tôn trọng tính đa dạng văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, coi đó là tài sản quý báu của toàn xã hội, là điều kiện quan trọng để xây dựng nền văn hóa chung của quốc gia, dân tộc.

Nghị quyết Trung ương V khoá VIII nêu rõ: “Di sản văn hoá là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hoá. Cần phải hết sức coi trọng, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống”. Xu thế trở về cội nguồn để khẳng định những giá trị văn hoá truyền thống là hướng đi mang tính tất yếu của thời đại. Muốn nhận diện được sự biến đổi văn hóa từ truyền thống đến hiện đại trong giao lưu hội nhập trên những bình diện mới giữa các quốc gia - dân tộc hiện nay thì vấn đề bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa tộc người có ý nghĩa lớn lao trong việc tham gia đối thoại với các nền văn hóa, văn minh trong khu vực và có thể xa hơn, rộng hơn.

Trang phục truyền thống dân tộc Dao là nét đẹp văn hóa thu hút khách du lịch. Ảnh: ITN
Trang phục truyền thống dân tộc Dao là nét đẹp văn hóa thu hút khách du lịch. Ảnh: ITN

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng, trong mỗi dân tộc, dù đông người hay ít người đều tồn tại một kho tàng văn hóa vô giá mà không gì có thể thay thế được. Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số chính là linh hồn của núi rừng, là thanh âm của những bản làng xa xôi, là sắc màu làm nên sự rực rỡ của bức tranh thống nhất trong đa dạng của đất nước ta. Mỗi lời hát dân ca, mỗi điệu múa lễ hội, mỗi nét hoa văn trên váy áo thổ cẩm đều mang trong mình ký ức cộng đồng, tri thức bản địa và tinh thần sinh tồn vượt qua bao thế kỷ. Đó không chỉ là nghệ thuật, mà là tri thức sống, là cách con người gắn bó hài hòa với thiên nhiên, là đạo lý sống thuận hòa, là nền tảng đạo đức truyền đời. Khi chúng ta bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta gìn giữ sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, đồng thời góp phần thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân một cách bền vững.

“Tôi cho rằng, văn hóa chính là sợi dây kết nối quá khứ – hiện tại – tương lai, là cầu nối giữa các dân tộc anh em. Bảo vệ, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số chính là chúng ta đang dựng xây một tương lai bao dung, nhân văn và thấm đẫm bản sắc Việt Nam – nơi mọi người đều có cơ hội được cất lên tiếng nói riêng trong bản hòa ca chung của đất nước. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là niềm tự hào dân tộc, là trách nhiệm thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và từng người dân Việt Nam”. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Ảnh bài 1 (2)
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc đã và đang được bảo tồn và phát triển. Ảnh: ITN

Hiện nay, đã có trên 62.283 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 145/288 di sản của các dân tộc thiểu số - chiếm hơn 50% tổng số di sản); 5 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết...

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một, lai căng, biến tướng thành các hủ tục, mất dần bản sắc đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị.

“Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”

Là tỉnh vùng cao biên giới có địa bàn rộng, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. Sự đa dạng về thành phần dân tộc và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, kéo theo nhiều phong tục, tập quán lạc hậu còn tồn tại trong đời sống Nhân dân và mang yếu tố tâm linh nên khó có thể loại bỏ trong thời gian ngắn...

Hà Giang, nơi địa đầu cực Bắc với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, đa sắc màu văn hóa đã tạo nên một “miền đá khát” giàu bản sắc nhưng cũng kéo theo nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, mang yếu tố tâm linh vẫn len lỏi, “bám rễ” sâu trong nhận thức của người đồng bào. Chính vì vậy, trong những năm qua cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng văn hóa, con người trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là xóa bỏ các phong tục, hủ tục lạc hậu...

Với tinh thần quyết tâm cao nhất, ngày 01.5.2022, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TU về thực hiện xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các chủ trương, chính sách được ban hành và thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đồng thời tạo động lực để phát triển đời sống kinh tế -xã hội của địa phương.

Điển hình tại huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), đã triển khai nhiều mô hình như “Tuyên truyền, vận động Nhân dân theo tà đạo quay trở về phong tục truyền thống”, “Dòng họ Lầu tự quản về an ninh trật tự gắn với xóa bỏ hủ tục lạc hậu thôn Trà Mần (xã Sơn Vĩ)”... Để vận động bà con dân tộc Mông xoá bỏ tập tục lạc hậu trong tang ma, địa phương đã có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với những gia đình thực hiện tốt các tiêu chí trong xây dựng nếp sống văn minh. Cụ thể, hộ gia đình nào đăng ký thực hiện tốt 3 tiêu chí đó là: đưa người chết vào áo quan, chôn cất sớm không để quá 48 tiếng, không giết mổ gia súc thì huyện sẽ hỗ trợ là 15 triệu đồng mỗi hộ gia đình để gia đình mua áo quan.

Tại huyện Quản Bạ có mô hình “Dân vận khéo trong vận động đồng bào dân tộc Mông thực hiện đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ”, mô hình “Vận động giúp đỡ Nhân dân cải tạo vườn tạp và xóa bỏ hủ tục lạc hậu” của Chi bộ Công an xã Bát Đại Sơn. Huyện có 107 thôn, tổ dân phố ban hành quy ước văn hóa; 13/13 xã, thị trấn kiện toàn “Hội nghệ nhân dân gian”; 107 người có uy tín phát huy vai trò nòng cốt...

Là một trong những người tích cực trong cuộc vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-TU phải kể đến đồng chí Giàng Mí Vư - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ Dân vận thôn Lùng Cúng, xã Thanh Vân. Đồng chí Giàng Mí Vư là một trong số ít người còn biết làm thủ tục trong đám tang người Mông, thổi kèn đám ma. Do đó, đám tang nào trên địa bàn không thực hiện theo Nghị quyết số 27/NQ-TU (không cho người chết vào áo quan, tổ chức quá 48 tiếng…) đồng chí sẽ không hỗ trợ thực hiện các nghi lễ.

Đoàn công tác huyện Quản Bạ đi tuyên truyền, vận động người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu. Ảnh: Mai Lan
Đoàn công tác huyện Quản Bạ đi tuyên truyền, vận động người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu.
Ảnh: Mai Lan

Trong 3 tháng đầu năm 2025, trên địa bàn huyện Quản Bạ không có trường hợp tảo hôn, không có trường hợp hôn cận huyết thống. 100% đám tang thực hiện việc đưa người chết vào áo quan trước khi cử hành lễ tang và không giết chết nhiều gia cầm; tuyên truyền, vận động thành công dòng họ Sùng tại thôn Sủa Cán Tỷ và dòng họ Ly tại thôn Pờ Chúa Lủng, xã Cán thực hiện việc đưa người chết vào áo quan ngay từ khi bắt đầu tổ chức tang lễ….

Có thể thấy, sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TU, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận trong Nhân dân, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyến biến mạnh mẽ trong việc xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

“Trong mỗi dân tộc, dù đông người hay ít người đều tồn tại một kho tàng văn hóa vô giá mà không gì có thể thay thế được. Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số chính là linh hồn của núi rừng, là thanh âm của những bản làng xa xôi, là sắc màu làm nên sự rực rỡ của bức tranh thống nhất trong đa dạng của đất nước ta. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ấy không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là niềm tự hào dân tộc, là trách nhiệm thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và từng người dân Việt Nam”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội

Thái Yến và Nhóm PV