Mở rộng không gian, cộng hưởng sức mạnh văn hóa
Hôm qua, 1/7, các đơn vị hành chính mới trên cả nước chính thức đi vào hoạt động; các chuyên gia cho rằng, không chỉ là thay đổi trên bản đồ hành chính quốc gia mà còn mở rộng cơ hội để văn hóa được củng cố, lan tỏa và vươn xa hơn.
Kết nối, giao thoa và lan tỏa
Từ thuở hồng hoang dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay, các lớp phù sa văn hóa Việt Nam đã được hình thành, bồi đắp không ngừng. Nét văn hóa của một vùng quê không chỉ nằm trên những trang sử mà được lưu giữ sống động trong những hương ước, quy ước, lễ hội làng và truyền thống tốt đẹp đã tồn tại qua bao thế hệ. Nó hiện hữu trong từng nếp nhà, đình làng cổ kính, vang vọng trong câu ca dao mộc mạc, điệu hò sâu lắng truyền từ đời này qua đời khác... Đây chính là những "gene" văn hóa được mã hóa sâu sắc trong tâm hồn người Việt.

Thực tế cho thấy, qua hàng nghìn năm lịch sử, tên gọi của các vùng miền, làng quê đã nhiều lần thay đổi, nhưng giá trị tinh thần, ký ức tập thể và bản sắc văn hóa vẫn được lưu giữ, phát huy. Bản sắc văn hóa không chỉ nằm ở cái tên. Sự thay đổi về tên gọi hành chính không dễ làm suy chuyển các giá trị văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người.
Chẳng hạn, cái tên “Ba Đình” không chỉ là một đơn vị hành chính của Thủ đô Hà Nội, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của độc lập dân tộc, gắn liền với Quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là nơi có Lăng Bác, Nhà Quốc hội và các trụ sở cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước. Tương tự, “Điện Biên Phủ” không chỉ là một đơn vị hành chính của tỉnh Điện Biên, mà trường tồn như một bản hùng ca chiến thắng lẫy lừng, một biểu tượng của ý chí quật cường, kiên cường của dân tộc Việt Nam...
Vì thế, các chuyên gia cho rằng, vấn đề cốt yếu sau khi sáp nhập là làm thế nào để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa ấy một cách hiệu quả nhất. Mở rộng địa giới hành chính đồng nghĩa với mở rộng không gian văn hóa. Điều này tạo ra cơ hội để các giá trị văn hóa không còn bị khu trú trong những ranh giới cũ mà có thể kết nối, lan tỏa và giao thoa với những khu vực khác, làm phong phú thêm đời sống văn hóa ở những vùng đất mới.
Hợp lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa
GS. TS. Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam khẳng định, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ mang lại những tác động tích cực đáng kể đến việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các địa phương.
Khi các địa phương sáp nhập sẽ hình thành một mạng lưới di sản văn hóa vật thể đồ sộ. Song hành với đó là kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú, gồm các phong tục tập quán, hệ thống lễ hội... Sự hợp lực, cộng hưởng này tạo nên sức mạnh mềm to lớn, là một trong những trữ lượng tài nguyên quý giá để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch tại các địa phương. Từ đó, tác động tích cực, góp phần hình thành sức mạnh tổng thể trong phát triển kinh tế - văn hóa từng xã/ phường, từng tỉnh/ thành phố.

và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: VGP
GS. TS. Bùi Quang Thanh cũng cho rằng, khi sáp nhập, bộ máy quản lý văn hóa sẽ có đội ngũ cán bộ hùng hậu, dày dặn kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, bên cạnh chiến lược phát triển văn hóa quốc gia, các tỉnh có thể xây dựng những chiến lược phát triển văn hóa riêng biệt, quan tâm bảo vệ, khai thác di tích và đóng góp vào phát triển du lịch. Điều này không chỉ có ý nghĩa với văn hóa của người Kinh, mà còn với văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và khu vực miền núi trong việc khai thác giá trị văn hóa. Quá trình sáp nhập, dù hình thức là hành chính, nhưng bên trong, đây là sự cộng hưởng về trí tuệ và kỹ trị, tức là không chỉ dừng ở quản lý mà còn là quản trị, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Tuy nhiên cũng có một số thách thức đặt ra. Trong đó, hệ thống di tích lịch sử văn hóa sau sáp nhập có thể trở nên quá lớn, vượt quá khả năng quản lý và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, dẫn đến không thể bao quát hết các giá trị văn hóa hoặc phát triển không đồng đều, thiếu đồng bộ giữa các xã. Ngoài ra, cần quan tâm đúng mức tới bản sắc văn hóa của từng làng quê, từng tộc người, từng thôn bản, để tránh bị mai một hoặc tác động tiêu cực đến tính đa dạng văn hóa ở từng tiểu vùng, từng khu vực…
Mặc dù vậy, GS. TS. Bùi Quang Thanh tin rằng, theo thời gian, cùng sự chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ của Trung ương và rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bộ máy quản lý văn hóa tại các địa phương sẽ dần trở nên đồng bộ và chuyên nghiệp hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. "Bằng tầm nhìn chiến lược, sự chuẩn bị kỹ lưỡng và quan tâm sâu sắc đến các giá trị văn hóa, hoàn toàn có thể tạo nên sức mạnh tổng hợp để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững đất nước".