Thế giới 24h

Dự luật Vĩ đại, Tuyệt vời Cuộc thử lửa lập pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Hồng Nhung 02/07/2025 06:31

Tổng thống Donald Trump đang tiến gần đến thời điểm then chốt ngày 4/7 trong nỗ lực hiện thực hóa các cam kết tranh cử nhiệm kỳ hai, khi phải thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật mang tính bước ngoặt có tên “Dự luật Vĩ đại, Tuyệt vời” (One Big Beautiful Bill Act).

Với cái tên mang tính biểu tượng “đậm chất Donald Trump”, dự luật này là nỗ lực của ông Trump nhằm định hình lại toàn diện chính sách tài khóa và xã hội của nước Mỹ trong thập niên tới.

m2.jpg
"Dự luật Vĩ đại, Tuyệt vời" nếu được Quốc hội Mỹ thông qua ngày 4/7 sẽ là chiến thắng mang tính biểu tượng lớn cho Tổng thống Donald Trump. Nguồn: Getty Images

Kết hợp giữa các khoản cắt giảm thuế sâu rộng và thắt chặt chi tiêu cho mạng lưới an sinh xã hội, dự luật không chỉ đánh dấu một bước chuyển tư tưởng sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa, mà còn là phép thử đối với sự đoàn kết đảng phái, mức độ ủng hộ của công chúng và di sản chính trị mà Tổng thống Trump đang xây dựng.

Một dự luật mang “dấu ấn Donald Trump”: Tư tưởng - quyền lực - biểu tượng

“Dự luật Vĩ đại, Tuyệt vời” là nỗ lực rõ ràng nhất của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa các cam kết tranh cử của mình vào luật định. Bên cạnh các sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi - vốn có thể dễ dàng bị đảo ngược nếu nước Mỹ tiến hành chuyển giao quyền lực - việc ban hành luật mang lại cho ông Trump một di sản lâu bền hơn trong việc định hình chính sách quốc gia.

Dự luật mã hóa nhiều mục tiêu cốt lõi của Tổng thống Trump: từ việc cấp ngân sách lớn cho các chương trình trục xuất người nhập cư không giấy tờ, cắt giảm các khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo, đến việc mở rộng khai thác nhiên liệu hóa thạch và thay đổi cấu trúc thuế theo hướng có lợi cho giới thượng lưu.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Katie Britt (bang Alabama) phát biểu trên chương trình State of the Union của CNN: “Tổng thống Trump đã tranh cử với cam kết thay đổi nước Mỹ tốt đẹp hơn. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng người lao động có thể giữ nhiều tiền hơn. Chúng tôi muốn đảm bảo biên giới an toàn - không chỉ bây giờ, mà còn cho các thế hệ tương lai. Chúng tôi sẽ củng cố quốc phòng, thúc đẩy năng lượng nội địa và đưa những người bị lãng quên trở lại trung tâm chính sách”.

Về mặt lập pháp, việc thúc đẩy thông qua đạo luật đúng dịp Quốc khánh Mỹ 4/7 sẽ là chiến thắng biểu tượng to lớn đối với Tổng thống Trump, đặc biệt khi nó đến ngay sau một loạt thành tựu mà Nhà Trắng coi là bước ngoặt: không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, giúp hạ nhiệt căng thẳng Israel - Iran, và ăn mừng phán quyết của Tòa án Tối cao giúp ông Trump củng cố quyền hành pháp (triển khai kế hoạch chấm dứt quyền công dân tự động theo nơi sinh).

Trước thời điểm then chốt: Tranh cãi và hoài nghi

Nội dung của dự luật mang đậm triết lý kinh tế của đảng Cộng hòa truyền thống: cắt giảm thuế quy mô lớn, đặc biệt đối với các tập đoàn và nhóm thu nhập cao, trong khi thắt chặt chi tiêu công. Các điều khoản cụ thể bao gồm: xóa thuế trên tiền típ và làm thêm giờ cho người lao động - như ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử năm 2024, đồng thời gia tăng lợi ích thuế cho các cá nhân và gia đình giàu có.

Trong khi đó, dự luật cũng đề xuất các thay đổi lớn với chương trình Medicaid - vốn hỗ trợ hàng chục triệu người dân thu nhập thấp. Cụ thể, chi phí Medicaid sẽ được chuyển nhiều hơn sang cho chính quyền các bang, đồng thời áp dụng các yêu cầu lao động bắt buộc đối với người thụ hưởng.

Thượng nghị sĩ Katie Britt bảo vệ quan điểm này: “Chúng ta đang chi tiêu ở mức độ không thể bền vững. Nếu tiếp tục như vậy, các chương trình này sẽ trở nên mất khả năng thanh toán cho chính những người cần đến chúng nhất. Chúng ta cần chúng là tấm lưới an toàn, chứ không phải chiếc võng để người ta phụ thuộc mãi mãi”.

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ - ngay cả trong nội bộ đảng Cộng hòa - bày tỏ quan ngại. Thượng nghị sĩ Josh Hawley (bang Missouri) chỉ đồng ý ủng hộ sau khi đạt được thỏa thuận hoãn thực thi một số thay đổi. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Thom Tillis (bang Bắc Carolina) phản đối vì lo ngại hàng chục nghìn người dân bang ông sẽ mất bảo hiểm y tế.

Bên cạnh mâu thuẫn về Medicaid, một số thành viên Cộng hòa cực hữu trong nhóm Freedom Caucus tại Hạ viện tỏ ra lo ngại về tác động của dự luật đến nợ công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) ước tính phiên bản dự luật từ Thượng viện sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách thêm 3.300 tỷ USD trong vòng 10 năm - một con số khổng lồ, đặc biệt trong bối cảnh nợ công của Mỹ đang ở mức kỷ lục.

Điều này cũng khiến phe Dân chủ đặt dấu hỏi về độ chân thực trong các tuyên bố “cắt giảm chi tiêu, chống lãng phí” của chính quyền. Đảng Dân chủ đã công kích mạnh mẽ dự luật, đặc biệt xoáy vào yếu tố phân phối lợi ích. Thượng nghị sĩ Mark Warner (bang Virginia) cảnh báo: “Điểm cốt lõi của dự luật là cắt giảm hàng loạt các khoản chi y tế để trao thêm ưu đãi thuế cho nhóm giàu có nhất - điều đó thật bất công. Dự luật này sẽ trở thành gánh nặng chính trị”.

Thượng nghị sĩ Chris Murphy (bang Connecticut) chỉ trích gay gắt trên chương trình Meet the Press của NBC: “Người dân Mỹ phản đối đạo luật này gần như theo tỷ lệ 2:1. Đây là cuộc chuyển giao tài sản lớn nhất từ người nghèo và tầng lớp trung lưu sang người giàu trong lịch sử nước Mỹ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội - một tổ chức phi đảng phái - ước tính dự luật sẽ khiến từ 10 đến 15 triệu người mất bảo hiểm y tế. Vì cái gì? Vì một khoản cắt giảm thuế 270.000USD cho gia đình giàu nhất. Cắt giảm cho các tập đoàn, cho giới tỷ phú. Dự luật này thật tồi tệ. Ai hiểu rõ nó thì đều phản đối”.

Với việc Thượng viện đã sửa đổi sâu văn bản gốc từ Hạ viện, nguy cơ trượt thời hạn 4/7 có thể xảy ra, nếu hai viện không sớm đạt được đồng thuận. Tuy nhiên, đa phần giới quan sát nhận định rằng với quyền kiểm soát gần như tuyệt đối của Tổng thống Donald Trump đối với nền tảng cử tri đảng Cộng hòa, việc thông qua dự luật ở một hình thức nào đó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Phép thử cho di sản

Về phía công chúng, đa số dư luận tỏ ra không đồng tình với dự luật. Theo CNN, tổng hợp bốn cuộc khảo sát gần đây của Washington Post, Fox News, KFF và Đại học Quinnipiac cho thấy, trung bình 55% người Mỹ phản đối dự luật, chỉ 31% ủng hộ. Điều này cho thấy, dù Tổng thống Trump có thể giành chiến thắng về lập pháp, ông có nguy cơ chịu ảnh hưởng về chính trị trong dài hạn.

Như các bài học từ Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare) thời Tổng thống Barack Obama hay Đạo luật Giải cứu nước Mỹ thời Tổng thống Joe Biden từng chứng minh: Không có đạo luật lớn nào không đi kèm hệ lụy chính trị.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nếu được thông qua, “Dự luật Vĩ đại, Tuyệt vời” sẽ là chiến thắng mang tính biểu tượng và thực chất cho Tổng thống Donald Trump. Nó sẽ giúp ông khẳng định vai trò dẫn dắt đảng Cộng hòa, đáp ứng kỳ vọng của cử tri trung thành và để lại dấu ấn lâu dài trong hệ thống chính sách liên bang.

Trong bối cảnh nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, các kỳ bầu cử ngày càng cạnh tranh khốc liệt và nhiệm kỳ Tổng thống khó kéo dài quá một nhiệm kỳ, bài toán đặt ra với mọi chính quyền là: liệu họ có thể - và có nên - sử dụng quyền lực đến mức tối đa trong thời gian ngắn mà họ nắm giữ?

Với Tổng thống Donald Trump, câu trả lời dường như đã rõ: ông không chờ đợi. Và nếu “Dự luật Vĩ đại, Tuyệt vời” được thông qua, đó sẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho phương châm hành động này.

Hồng Nhung