Giáo dục

Chấm thi tốt nghiệp THPT thực hiện ra sao khi vận hành chính quyền hai cấp?

Nguyễn Liên 01/07/2025 19:09

Từ ngày 1/7, cả nước chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Liên quan đến công tác chấm thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT cho biết đã quán triệt rõ quan điểm: học sinh nào, tỉnh nào cũng là học sinh trên đất nước Việt Nam, tất cả đều phải được đối xử công bằng, minh bạch, đúng quy chế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra ngay trước thời điểm chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp - cấp tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp xã/phường.

Công tác coi thi được thực hiện với chính quyền địa phương ba cấp, nhưng chấm thi là chính quyền địa phương hai cấp.

2 bước trong công tác chấm thi, phúc khảo bài thi

Tại Công văn số 2999 ngày 13/6/2025 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn cụ thể các bước trong công tác chấm thi, phúc khảo bài thi đối với các địa phương vận hành chính quyền sau sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết 202 từ ngày 1/7.

Theo đó, các địa phương cần thành lập các Ban chấm thi theo đơn vị hành chính hiện hành. Trong đó, ưu tiên sử dụng nhân sự không thuộc diện điều động, luân chuyển do sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm hạn chế thay đổi khi triển khai nhiệm vụ; đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức hoạt động của các Ban, xác định rõ định mức chi cho hoạt động của các Ban và các thành viên hội đồng thi theo quy định của Bộ Tài chính và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp ở địa phương.

Sau đó, kiện toàn Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Hội đồng thi và các Ban thuộc Hội đồng thi (Ban Phách, Ban Chấm thi, Ban phúc khảo) ngay khi chính quyền cấp tỉnh mới chính thức hoạt động (nếu cần thiết) để lãnh đạo chỉ đạo hoạt động Kỳ thi tại địa phương bảo đảm thông suốt, không có khoảng trống trong công tác chỉ đạo điều hành.

Mô hình hoạt động của Hội đồng thi: một Hội đồng thi có nhiều Ban Thư ký, Ban Làm phách, Ban Chấm thi,.. trong đó số lượng mỗi Ban tương ứng với số tỉnh/thành cũ trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Các Ban của Hội đồng thi thực hiện theo nguyên tắc bốn tại chỗ: lãnh đạo chỉ đạo tại chỗ; nhân sự thực hiện nhiệm vụ tại chỗ; cơ sở vật chất, thiết bị tại chỗ; hậu cần, tài chính tại chỗ.

Chế độ, định mức chi cho hoạt động của các ban, các thành viên hội đồng thi áp dụng chung trong toàn tỉnh mới hay áp dụng riêng theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân của từng tỉnh trước khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh do địa phương quyết định.

Về công tác phúc khảo bài thi sẽ thực hiện theo nguyên tắc tương tự như tổ chức chấm thi.

Thí sinh rời điểm thi sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn. Ảnh: Xuân Quý
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Xuân Quý

Các địa phương vận hành chính quyền sau sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết 202 từ 15/7 sẽ tổ chức kỳ thi như các kế hoạch, văn bản hướng dẫn đã ban hành.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo triển khai thực hiện và báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc về Bộ GD-ĐT để được hướng dẫn, hỗ trợ.

Tất cả đều phải được đối xử công bằng, minh bạch, đúng quy chế

Trao đổi tại Họp báo thông tin về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tổ chức hôm 27/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho biết, công tác coi thi được thực hiện với chính quyền địa phương ba cấp, nhưng chấm thi là chính quyền địa phương hai cấp.

Thứ trưởng nhấn mạnh, với nhiều yếu tố tác động, Bộ GD-ĐT đã lường trước điều này. Đặc biệt là thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần "3 đảm bảo, 6 rõ", Bộ GD-ĐT đã quán triệt rõ quan điểm: học sinh nào, tỉnh nào cũng là học sinh trên đất nước Việt Nam, tất cả đều phải được đối xử công bằng, minh bạch, đúng quy chế.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT Huỳnh Văn Chương, ngay từ ngày 28/6, tất cả ban chỉ đạo thi ở các địa phương đã bắt đầu triển khai việc chấm thi tốt nghiệp THPT thay vì đợi đến 1/7. Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn rõ, trong đó lưu ý những vấn đề cần ưu tiên trong việc điều chỉnh ban chấm thi.

"Tuy nhiên, chỉ những người điều hành cấp cao là có điều chỉnh còn toàn bộ cán bộ chấm thi, địa điểm chấm thi không thay đổi, vẫn trường đó, thầy cô, cán bộ đó. Do vậy, chúng ta yên tâm sự thay đổi này không ảnh hưởng tới hoạt động chuyên môn'', ông Chương nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả thi, phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2025.

Thực hiện phân tích kết quả thi của các thí sinh để có cơ sở đánh giá về chất lượng của đề thi, kỳ thi, công tác dạy học trên phạm vi toàn quốc.

Đồng thời, thực hiện phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi để phục vụ công tác đánh giá kết quả thi của các môn thi. Đây là một trong những yêu cầu mới đối với công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Ngoài việc bảo đảm công bằng trong công tác tuyển sinh, đối với việc dạy và học ở địa phương, điểm hiệu chỉnh cho phép đánh giá khách quan mức độ tiến bộ của từng môn khi so sánh điểm trung bình thi tốt nghiệp các môn khác nhau trong cùng địa phương.

Theo lịch dự kiến của Bộ GD-ĐT, chậm nhất 17h ngày 13/7, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh cùng các Hội đồng thi tổ chức chấm thi, tổng kết công tác chấm thi, gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT (đĩa CD chứa toàn bộ dữ liệu điểm bài thi trắc nghiệm và tự luận), đối sánh kết quả thi.

8h ngày 16/7, các Hội đồng thi công bố kết quả thi.

Chậm nhất ngày 18/7, Các Sở GD-ĐT xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Từ ngày 16/7 đến hết ngày 25/7, các đơn vị đăng ký dự thi thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo.

Chậm nhất ngày 3/8, các Hội đồng thi sẽ tổ chức phúc khảo bài thi (nếu có).

Chậm nhất ngày 8/8, các Sở GD-ĐT sẽ xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo.

Nguyễn Liên