Khoa học - Công nghệ

Thiếu công nghệ bảo quản, nông sản Tây Bắc khó cạnh tranh xuất khẩu

Hạnh Nhung 01/07/2025 18:35

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, điểm yếu lớn nhất của vùng Tây Bắc là thiếu công nghệ bảo quản sau thu hoạch đạt chuẩn, ảnh hưởng đến xuất khẩu. Điển hình như nhãn Sơn La chỉ giữ chất lượng 24 ngày khi sang Hà Lan, trong khi nhãn Thái Lan có thể bảo quản tới 45 ngày.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) chủ trì Diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Nhãn Thái Lan giữ được chất lượng trong 45 ngày, nhãn Sơn La chỉ được 24 ngày

Chiều 1/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Sơn La và Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản Tây Bắc".

Phát biểu tại đây, ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nhấn mạnh, Tây Bắc là vùng đất có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ và giàu bản sắc văn hóa. Những năm gần đây, nhiều địa phương đã chuyển đổi mạnh mẽ sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, bước đầu đạt kết quả tích cực. Diện tích cà phê tại Tây Bắc đã tăng 54%, sản lượng tăng 265% trong 10 năm qua.

Tuy nhiên, theo ông Doanh, tỷ lệ sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng ở Tây Bắc vẫn còn thấp so với các vùng khác. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất mới như dược liệu hay cây ăn quả đòi hỏi quy trình canh tác và quản lý khác biệt, khiến người dân gặp khó khăn trong chuyển đổi.

Tỉnh Sơn La hiện là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với gần 120.000 ha đất canh tác, trong đó cây ăn quả chiếm khoảng 85.000 ha. Các cây công nghiệp như cà phê Arabica, chè, sắn, cao su và mía đường cũng đang phát triển ổn định.

Tuy vây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết, điểm yếu lớn nhất của Sơn La và Tây Bắc hiện nay là chưa có công nghệ bảo quản sau thu hoạch đạt chuẩn để đưa sản phẩm xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Ông dẫn chứng, sản phẩm nhãn của Sơn La chỉ giữ được chất lượng trong 24 ngày khi đưa sang Hà Lan, trong khi cùng sản phẩm từ Thái Lan có thể bảo quản tới 45 ngày. Điều này khiến giá trị thương phẩm bị giảm mạnh, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản vùng.

Toàn cảnh diễn đàn
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Tùng Đinh

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp tại Tây Bắc vẫn còn phân tán, manh mún. Nhiều hộ dân trồng quá nhiều loại cây trên một diện tích nhỏ khiến công tác chăm sóc, thu hoạch kém hiệu quả, chi phí đầu vào cao.

Một lĩnh vực tiềm năng khác là phát triển dược liệu dưới tán rừng cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Theo TS. Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, hiện nay chưa có hành lang pháp lý riêng cho phát triển dược liệu – lĩnh vực giao thoa giữa lâm nghiệp và y học cổ truyền. Thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật, thiếu cơ chế tín dụng và bảo hiểm rủi ro khiến doanh nghiệp ngại đầu tư, địa phương không thể xây dựng vùng nguyên liệu lớn.

Định hình chiến lược phát triển vùng

Để trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng trung du và miền núi phía Bắc, Sơn La đặt trọng tâm vào đầu tư vào công nghệ sau thu hoạch, thúc đẩy các sản phẩm đặc sản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ. Một hướng đi mới đang được triển khai là ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, cảm biến môi trường và hệ thống tưới thông minh trong sản xuất.

Đại diện tỉnh Điện Biên, ông Lò Hồng Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ địa phương tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế cho các sản phẩm chủ lực như cà phê Arabica, chè Shan tuyết. Đồng thời, cần có chính sách kết nối hợp tác xã với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị bền vững.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu cũng đề xuất cần tăng cường liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Bắc nhằm chia sẻ thông tin thị trường, xây dựng các kênh phân phối và thương hiệu chung cho các sản phẩm của khu vực. Từ đó cùng nhau phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững và có giá trị kinh tế cao.

Dây chuyền chế biến dứa tại Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO Sơn La.
Dây chuyền chế biến dứa tại Trung tâm chế biến rau, quả DOVECO Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh

Trên tinh thần hành động - hiệu quả - kết nối liên vùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam yêu cầu, các tỉnh Tây Bắc cần khẩn trương hoàn thành việc xác định vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực đến cấp xã, theo hướng tập trung, liền vùng, liền thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng và liên kết sản xuất. Tập trung phát triển các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu; tăng cường hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh. Doanh nghiệp cũng cần chuyển mạnh từ xuất thô sang chế biến sâu.

Bên cạnh đó, mở rộng thị trường tiêu thụ - đa dạng hóa đầu ra như kết nối nông sản Tây Bắc vào chuỗi siêu thị, chợ đầu mối, bếp ăn công nghiệp, khu du lịch. Tổ chức xúc tiến xuất khẩu tại Trung Quốc, Nhật Bản, EU, UAE… Xây dựng bản đồ thị trường tiêu thụ theo mùa vụ và chủng loại sản phẩm.

Các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu mở về đất đai, khí hậu, mùa vụ phục vụ dự báo, điều hành sản xuất nông nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế và đầu tư phát triển hạ tầng.

Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất cơ chế chính sách về đất đai, tín dụng, hỗ trợ hợp tác xã, đầu tư vùng khó khăn, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp chế biến tại vùng sâu, vùng xa.

Hạnh Nhung