Quốc tế

Khi thuế quan trở thành vũ khí đối ngoại

Hồng Nhung 01/07/2025 17:09

Thay vì tập trung vào các vấn đề kinh tế, các cuộc đàm phán thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngày càng trở thành diễn đàn để thúc ép các quốc gia khác thay đổi chính sách quốc phòng, thuế quan và cả lập pháp nội địa - theo cách tiếp cận chưa từng có tiền lệ.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-01 162719
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang biến đàm phán thương mại thành công cụ gây áp lực
chính sách đối ngoại lên các đối tác. Ảnh: Getty Images

Từ tháng 4/2025, sau khi áp thuế lên gần như toàn bộ các nền kinh tế đối tác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở rộng phạm vi các cuộc đàm phán thương mại ra ngoài lĩnh vực kinh tế thuần túy.

Những cuộc thương lượng kín của chính quyền Mỹ hiện nay không chỉ xoay quanh hàng rào thuế quan, mà còn bao trùm nhiều vấn đề như chi tiêu quốc phòng, kiểm soát công nghệ, luật chống độc quyền, khoáng sản chiến lược và thậm chí cả các thỏa thuận ngừng bắn ở Trung Đông.

“Bàn đàm phán tổng hợp”: Thương mại chỉ là phần nổi

Trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thuế quan, các quan chức cấp cao của Mỹ đã gây sức ép yêu cầu các chính phủ các nước tăng mạnh ngân sách quốc phòng, thay đổi hệ thống thuế và gác lại những dự luật trong nước bị Washington xem là gây bất lợi cho các tập đoàn Mỹ.

Chẳng hạn, ông Trump sử dụng thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Iran do Mỹ làm trung gian như đòn bẩy để yêu cầu Trung Quốc tăng mua dầu thô của Mỹ.

Hay như với Canada, ông Trump cũng bất ngờ tuyên bố chấm dứt đàm phán thương mại với Ottawa, viện dẫn lý do nước này sẽ áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số lên các công ty công nghệ Mỹ như Apple, Google và Meta từ tuần sau. Ông gọi đây là “một cuộc tấn công trắng trợn vào nước Mỹ”.

“Tiếp cận thị trường Mỹ nên có cái giá của nó. Nếu gắn thêm yêu cầu về chính sách đối ngoại vào các khoản thuế hay phí bổ sung thì tôi nghĩ cũng là điều hợp lý”, ông Steve Cortes, cựu cố vấn của ông Donald Trump nhận định. “Tôi hiểu vì sao các nước cảm thấy sốc. Nhưng đây không còn là nước Mỹ mà họ từng biết. Giờ họ chỉ có thể quyết định: Chấp nhận luật chơi mới, hoặc từ bỏ”.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump gọi chiến lược này là “cách tiếp cận toàn diện”, cho rằng đây là phản ứng tất yếu nhằm thiết lập lại thế cân bằng quyền lợi mà họ nghĩ rằng Mỹ đã phải “gánh vác” trong suốt hàng chục năm qua. Một quan chức Nhà Trắng giấu tên phát biểu: “Không thể tách biệt thương mại khỏi các vấn đề an ninh, quốc phòng hay công nghệ. Mọi thứ đều liên kết với nhau”.

Trong cách nhìn của ông Trump, các cuộc đàm phán kiểu mới này “kiểu gì cũng thắng”: Nếu các nước không nhượng bộ, ông vẫn giữ được các mức thuế để bảo vệ doanh nghiệp trong nước và tăng thu ngân sách.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đang gây khó khăn cho các cuộc đàm phán thương mại song phương và đa phương. Việc các yêu sách ngày càng mở rộng khiến các đối tác không kịp xoay sở, trong khi thời hạn ngày 8/7 do chính ông Trump tự đặt ra để đạt được một loạt thỏa thuận thương mại đang đến gần.

“Mọi thứ chưa từng có tiền lệ, nếu không muốn nói là mơ hồ”, một quan chức châu Á bình luận.

Ảnh chụp màn hình 2025-07-01 163535
Cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây khó khăn cho các cuộc đàm phán
thương mại khi thời hạn chót để đạt thỏa thuận đang đến gần. Ảnh: CNN

Khi đòn thuế quan trở thành “công cụ”

Vấn đề chi tiêu quốc phòng trở thành điều kiện mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Hà Lan tuần trước, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế lên Tây Ban Nha vì nước này không tăng chi tiêu quốc phòng đúng theo mục tiêu 5% GDP mà Mỹ đề xuất dù Tây Ban Nha là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và không thể tự đàm phán thương mại.

Chiến lược này cũng được áp dụng với các đồng minh châu Á. Tokyo và Seoul đều bày tỏ quan ngại trước yêu cầu của Washington về mức chi quốc phòng 5% GDP, vượt xa con số mà chính Mỹ đang chi hiện nay (khoảng 3,4%).

Hay như việc ông Trump đã đặt điều kiện với Canada: Nếu nước này muốn tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ, họ cần đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa “Golden Dome” do Mỹ thiết kế, dù hệ thống này không thể triển khai nếu thiếu năng lực kỹ thuật từ phía Canada.

Một mảng khác cũng bị Mỹ đưa vào đàm phán là luật công nghệ và thuế kỹ thuật số. Washington hiện đang gây sức ép buộc Hàn Quốc từ bỏ các dự luật chống độc quyền nhằm kiểm soát các nền tảng số lớn vốn bị các tập đoàn Mỹ như Apple và Google phản đối. Đồng thời, Mỹ cũng yêu cầu Anh và EU bãi bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số áp dụng với các công ty công nghệ Mỹ.

Áp lực và bế tắc

Nhiều quan chức và nhà phân tích quốc tế lo ngại chiến lược “ép buộc toàn diện” này của Tổng thống Donald Trump không những làm chậm tiến trình đàm phán, mà còn khiến nền kinh tế toàn cầu thêm bất ổn. Một quan chức châu Á tham gia đàm phán nhận định: “Chưa có dấu hiệu nào cho thấy chiến lược này hiệu quả”.

Các đối tác thương mại của Mỹ đang ngày càng mệt mỏi. Trong khi, việc ông Trump không đáp lại lời kêu gọi từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc kết thúc chiến tranh thương mại, dù các nước NATO đã đồng ý tăng chi tiêu quốc phòng theo đề xuất của Mỹ, cho thấy dù nhượng bộ cũng không đồng nghĩa sẽ được giảm thuế.

Dù đối mặt với chỉ trích và bế tắc, chính quyền Tổng thống Donald Trump không có ý định thay đổi cách tiếp cận. Ông Patrick Childress, cựu cố vấn pháp lý Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, nhận định: “Tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy chính quyền sẽ rút lui hay điều chỉnh chiến lược này”.

Thay vào đó, Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục sử dụng thuế quan như một “đòn bẩy toàn diện” - nơi thương mại chỉ là một phần của bàn cờ lớn hơn về chính trị, quốc phòng và ảnh hưởng toàn cầu. Và các quốc gia, dù là đồng minh hay đối thủ, cũng sẽ buộc phải làm quen với một nước Mỹ mà họ chưa từng đối diện trước đây.

Hồng Nhung