Địa phương

Hà Nội: Vận hành chính quyền địa phương 2 cấp tinh, gọn, thông suốt, hiệu quả

Văn Anh 01/07/2025 11:52

Từ hôm nay, 1/7, 126 xã, phường mới trên địa bàn TP.Hà Nội đã chính thức đi vào hoạt động theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sẵn sàng đi vào hoạt động thông suốt, hiệu quả với quyết tâm thi đua xây dựng bộ máy chính quyền tinh, gọn, mạnh, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.

Triển khai vận hành thử nghiệm từ sớm để tìm giải pháp khắc phục khó khăn

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hồng Nhật cho biết, trong một tuần, từ ngày 20 đến 26/6, 126 xã, phường mới cùng toàn bộ hệ thống chính trị đã vận hành thử nghiệm với quy mô lớn và tính chất tổng thể nhiều kịch bản chưa từng có. Việc triển khai được thực hiện với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, đảm bảo hoạt động của các đơn vị hành chính mới được liên tục, thông suốt, không để xảy ra khoảng trống quyền lực.

Công tác chuẩn bị, từ con người, cơ sở hạ tầng đến kịch bản, được coi trọng, cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành 10 nhóm tình huống. Cơ chế phối hợp, trao đổi giữa các cấp đã phát huy hiệu quả, giúp xử lý kịp thời các sự cố, tháo gỡ khó khăn ngay trong quá trình thử nghiệm. Đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên của các xã, phường mới đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nhanh chóng thích nghi và chủ động tiếp cận công việc.

chi-nhanh-07-8736-9257.jpg
Các Điểm phục vụ hành chính công trên địa bàn TP. Hà Nội đã tích cực bố trí lực lượng, cơ sở vật chất để phục vụ người dân, doanh nghiệp tới làm thủ tục. Ảnh: A.N

Thành phố đã huy động và cử hơn 300 cán bộ kỹ thuật đến từng đơn vị sở, ngành, xã, phường mới để hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp. Các kênh hỗ trợ trực tiếp như Tổng đài 1022 (nhánh 7, 8) và đường dây nóng 19001009 được duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả. 11 tổ công tác của UBND thành phố cũng đã bám sát địa bàn, chỉ đạo, đôn đốc và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho 30 quận, huyện, thị xã và 126 xã, phường mới.

100% cán bộ, công chức đã được cấp tài khoản và vận hành thử nghiệm thành công từ ngày 20/6. Quy trình khép kín từ tiếp nhận văn bản đến, phân công, tham mưu, trình ký số và ban hành văn bản đi đã được thực hiện toàn trình trên môi trường mạng, đảm bảo nhanh, chính xác. Hệ thống thư điện tử công vụ cũng hoạt động tốt, thông suốt.

Bí thư Đảng ủy phường Hồng Hà Bùi Tuấn Anh cho biết, do phường hoàn toàn mới nên trụ sở, cơ sở vật chất của phường hiện nay đặc biệt khó khăn, kể cả máy tính. Đại diện xã Hương Sơn cho biết, trụ sở làm việc của xã hiện còn phân tán, khó khăn về cơ sở vật chất và điều kiện đi lại, làm việc của cán bộ xã.

Còn tại xã Minh Châu, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Tiến cho biết, trụ sở xã cũ chỉ dành cho 25 cán bộ, công chức, nay con số này tăng lên hơn 40 người là cả thách thức trong sắp xếp, bố trí; chưa kể trong số cán bộ được phân công về làm việc ở xã, có người di chuyển hàng ngày lên tới 80km...

Còn theo Bí thư Đảng ủy phường Kim Liên Hoàng Thị Phương Ngọc, quá trình vận hành thử nghiệm cho thấy, đường truyền mạng internet còn thiếu ổn định khi truy cập đồng thời; một số cán bộ chưa làm chủ phần mềm mới. Các thiết bị họp trực tuyến còn thiếu ở một số phòng. Phương án xử lý sự cố đột xuất còn khó khăn...

Ghi nhận thực tế quá trình vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại 126 xã, phường mới từ ngày 20/6 đến ngày 26/6 đã cho thấy sự cố gắng rất lớn của các cơ quan thành phố, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức ở cấp huyện, cấp xã.

Có thể nói, dù gặp không ít khó khăn và thách thức, nhưng các đơn vị địa phương đã tích cực chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, cơ sở vật chất… để công tác sắp xếp bộ máy, diễn ra bài bản, minh bạch, đúng tiến độ, đúng yêu cầu. Hệ thống chính trị từ thành phố đến các quận, huyện, thị, các xã, phường mới đã vào cuộc với tinh thần “thần tốc, quyết liệt, đồng bộ”.

Các địa phương đã rà soát các trụ sở của xã cũ để tận dụng tối đa trang thiết bị cơ sở vật chất sẵn có, bố trí, sắp xếp phù hợp phục vụ cho hoạt động của xã mới từ ngày 1/7; triển khai kịp thời phương án bố trí đủ cán bộ tại các bộ phận để tránh chậm trễ, gián đoạn công việc, ảnh hưởng đến tổ chức hoạt động của cơ quan, đơn vị khi chính thức đi vào vận hành theo mô hình tổ chức mới…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đều cố gắng khắc phục khó khăn, nhanh chóng vượt qua để đặt mình vào bộ máy mới, tiến hành vận hành thử nghiệm. Sau một tuần chạy thử với 10 nhóm tình huống cùng hàng trăm vấn đề mới được đặt ra, không chỉ giúp đội ngũ cán bộ 126 xã, phường mới nhận thức rõ về mô hình mới, đồng thời nhìn nhận được những hạn chế, thiếu sót để chủ động tháo gỡ hoặc báo cáo, đề xuất và không để ảnh hưởng đến chất lượng vận hành chung của bộ máy. Cùng với đó, kiến nghị thành phố hỗ trợ, mặt khác chủ động tìm cách tháo gỡ, hạn chế khó khăn.

Đảm bảo công tác vận hành 126 xã, phường thông suốt

Theo Giám đốc sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh, từ chiều 27/6, Sở Nội vụ đã bắt đầu cấp con dấu cho HĐND, UBND 126 xã, phường mới; toàn bộ mốc giới, địa giới cùng bản đồ 3 lớp hiện trạng, quy hoạch 126 xã, phường mới cũng đã được bàn giao đầy đủ. Sở Nội vụ đã kịp thời tham mưu với UBND thành phố thành lập các tổ công tác để kiểm tra, giám sát các địa phương, đơn vị trong việc lưu trữ, bảo quản, xử lý hồ sơ, giấy tờ đúng quy định.

Về mặt tài chính, thành phố đã hỗ trợ kinh phí mỗi xã, phường 500 triệu đồng, phục vụ việc sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, bố trí phòng làm việc. Một số quận, huyện cũng bố trí thêm kinh phí cho các phường, xã mới cho việc này. Theo Sở Tài chính, 153 xe ô tô đã được phân bổ về 126 xã, phường mới bảo đảm mỗi đơn vị có 1-2 xe ô tô phục vụ công tác.

tay-ho-1-528-456.jpg
Điểm phục vụ hành chính công phường Tây Hồ sáng 1/7. Ảnh: A.N

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, thành phố đã chỉ đạo bố trí 126 điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công tại các xã, phường mới (không bao gồm cả 30 điểm tiếp nhận thủ tục hành chính tại 30 quận, huyện, thị xã trực thuộc Trung tâm phục vụ hành chính công hiện nay) theo nguyên tắc đảm bảo việc hướng dẫn, giải quyết kịp thời thủ tục cho tổ chức, cá nhân và bố trí số lượng người làm việc tại các điểm tiếp nhận đúng quy định.

Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, ngoài việc bố trí cán bộ theo sát tình hình ở các địa phương để hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi gặp khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, trung tâm đã phối hợp với Thành đoàn Hà Nội triển khai lực lượng gồm 252 sinh viên thành thạo về công nghệ thông tin, đã được tập huấn kỹ năng, đưa về mỗi xã, phường 2 sinh viên để tham gia hỗ trợ, hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính trong thời gian đầu chính quyền hai cấp đi vào hoạt động.

Cùng với sự chủ động của các xã, phường mới, trong suốt những ngày qua, các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố và sở, ban, ngành như: Ban Tổ chức Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ... đã bám sát cơ sở, vừa kiểm tra, đôn đốc, vừa hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc. Sau một tuần vận hành thử nghiệm, cho tới trước “giờ G” ngày 1/7, các sở, ngành vẫn tập trung chạy nước rút cho các phần việc quan trọng, bảo đảm cho 126 xã, phường mới đi vào hoạt động thông suốt.

Văn Anh