Bài 2:Vụ cụ bà 70 tuổi nghe tư vấn mua nhầm "thẻ du lịch" gần 300 triệu: Cận cảnh dự án đang ngổn ngang xây dựng đã bán cho khách đi nghỉ dưỡng
Tiếp tục vụ việc bà Nguyễn Thị Phúc Như (gần 70 tuổi) tốn gần 300 triệu đồng mua thẻ du lịch sau lời mời tắm khoáng miễn phí, nhiều bất cập trong hợp đồng mà Công ty CP Đầu tư phát triển du lịch Ravi ký với khách hàng. Trong đó, đáng nói đến là việc hợp đồng không ghi rõ địa chỉ khu nghỉ dưỡng cụ thể, trong khi dự án gốc vẫn đang trong quá trình thi công.
Hợp đồng không ghi địa chỉ rõ ràng, chỉ mô tả "khu nghỉ dưỡng gốc"
Theo nội dung Hợp đồng mua bán thẻ du lịch số 233330/RVHB ký giữa bà Nguyễn Thị Phúc Như và Công ty Ravi, sản phẩm được mô tả là "Thẻ du lịch 15 năm", cho phép nghỉ dưỡng 7 đêm/năm tại “Khu nghỉ dưỡng gốc”, với tên gọi SAKANA Hòa Bình.
Tuy nhiên, toàn bộ hợp đồng không ghi địa chỉ cụ thể, không kèm bản đồ, giấy chứng nhận đầu tư hay giấy phép xây dựng của khu nghỉ, mà chỉ quy định mơ hồ rằng quyền lợi nghỉ dưỡng sẽ được thực hiện “tại một hoặc một số khu nghỉ dưỡng nhất định do Công ty phát hành”.

Cụm từ “Khu nghỉ dưỡng gốc”, “Khu nghỉ dưỡng liên kết” và “Khách sạn liên kết” được dùng trong nhiều điều khoản, nhưng không có văn bản pháp lý nào đính kèm để xác định cụ thể vị trí, pháp nhân chủ đầu tư hay điều kiện vận hành của các khu này.
Theo Phụ lục hợp đồng, giá bán thẻ là 260 triệu đồng (đã bao gồm thuế GTGT), được yêu cầu thanh toán 100% trong thời gian ngắn để kích hoạt quyền nghỉ dưỡng.
Sau khi thanh toán, khách hàng không được hủy, không có điều khoản rút lại hay hoàn tiền. Điều này khiến khách hàng hoàn toàn rơi vào trạng thái bị động nếu phát hiện sản phẩm không phù hợp sau khi ký kết.
Bán thẻ du lịch cho khách hàng tại dự án vẫn đang xây dựng ngổn ngang
Thực tế, theo ghi nhận của PV Báo Đại biểu Nhân dân, khu nghỉ dưỡng Sakana Hòa Bình vẫn đang trong quá trình thi công dang dở. Nhiều khối nhà trơ khung bê tông, mái lá chưa hoàn thiện, xung quanh ngổn ngang nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.
Việc bán thẻ nghỉ dưỡng gắn với một dự án chưa hoàn thành, chưa đủ điều kiện kinh doanh là hành vi tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng, nhất là khi khách hàng đã phải thanh toán toàn bộ chi phí trước.
Với những gì thể hiện trong hợp đồng, dư luận đặt câu hỏi: Thẻ nghỉ dưỡng mà người dân đang mua rốt cuộc là sản phẩm gì? Nếu không có địa điểm cụ thể, không có dịch vụ hiện hữu, thì bản chất đây có thể chỉ là một hình thức huy động vốn trá hình qua hợp đồng dân sự?
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người cao tuổi trở thành nạn nhân của các sản phẩm tài chính phức tạp, các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ tính pháp lý, minh bạch thông tin sản phẩm và trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng của các đơn vị như Công ty cổ phần đầu tư phát triển du lịch Ravi.
Một số hình ảnh hiện trạng thực tế của khu nghỉ dưỡng Sakana Hòa Bình:

.jpg)

.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)
.jpg)

* Báo Đại biểu Nhân dân tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để thông tin đến bạn đọc và cử tri cả nước.