Đời sống

Kinh nghiệm hay - Cách làm tốt Gặp tỷ phú sầu riêng trên mảnh đất nắng gió Hà Lâm

Thu Hường 30/06/2025 18:52

Ở vùng nắng gió đất Hà Lâm (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng), có một người nông dân miệt mài với đất, kiên định với lựa chọn của mình suốt ba thập niên qua. Đó là ông Nguyễn Minh Hồng Điệp – người đã biến mảnh đất hoang sơ nơi đây thành trang trại sầu riêng rộng 24ha, với doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tình yêu với mảnh đất quê hương thứ hai

Ông Nguyễn Minh Hồng Điệp vốn là một nông dân trồng cây ăn trái tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Những năm 1990, trong một lần lên Lâm Đồng, ông có dịp ghé qua xã Hà Lâm – vùng đất khi ấy còn thưa vắng dân cư, chủ yếu trồng cà phê, điều, chuối. Nhận thấy khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với nhiều loại cây ăn trái, đặc biệt là sầu riêng, ông bắt đầu ấp ủ ý định khởi nghiệp tại mảnh đất này.

726-202506250933291.jpg
Ông Nguyễn Minh Hồng Điệp là một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Hà Lâm (Lâm Đồng). Ảnh: Thu Hường

Năm 1994, ông Điệp quyết định đưa gia đình lên Hà Lâm lập nghiệp. Với số tiền tích góp được, ông mua 1ha đất rẫy, dựng căn nhà gỗ nhỏ làm nơi trú ngụ. Khi ấy, gia đình ông sống chủ yếu bằng việc trồng cà phê, trồng rau, nuôi gà. Những năm đầu vô cùng vất vả, không ít lần ông đã nghĩ đến việc quay lại quê cũ. Tuy nhiên, với tư duy linh hoạt và niềm tin vào giá trị của đất đai, ông kiên trì bám rẫy và dần thử nghiệm trồng sầu riêng ghép giống Dona và Ri6 theo mô hình xen canh với cà phê.

Thấy cây phát triển tốt, cho trái chất lượng cao và có giá trị kinh tế vượt trội, đến khoảng năm 2004, ông bắt đầu chuyển đổi dần sang chuyên canh sầu riêng. Cứ sau mỗi vụ thu hoạch, ông lại dùng lợi nhuận mua thêm đất, mở rộng diện tích. Chỉ riêng năm 2017, ông không mua đất vì dành 5 tỷ đồng để xây nhà. Còn lại, gần như năm nào ông cũng tích lũy để mở rộng vườn. Nhờ quyết tâm và chiến lược tái đầu tư hợp lý, đến nay, gia đình ông sở hữu vùng sản xuất sầu riêng rộng 24ha – một trong những vườn chuyên canh có diện tích lớn nhất tại xã Hà Lâm.

Trang trại sầu riêng của ông được canh tác bài bản, áp dụng công nghệ tưới tiêu tự động, phun thuốc bằng máy bay không người lái và tuân thủ quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, toàn bộ diện tích vườn đã được cấp mã số vùng trồng, phục vụ cho thị trường xuất khẩu chính ngạch. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu hoạch khoảng 200 tấn sầu riêng, đạt doanh thu từ 13 – 15 tỷ đồng. Riêng năm 2024, dù thời tiết không thuận lợi, nhưng nhờ chủ động kỹ thuật và chăm sóc đúng thời điểm, ông vẫn thu về trên 16 tỷ đồng – một con số mà không ít doanh nghiệp cũng mơ ước.

“Bạn đồng hành” trong những mùa quả ngọt

Không chỉ chú trọng sản xuất, ông Nguyễn Minh Hồng Điệp còn tích cực tham gia hoạt động cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ kỹ thuật cho nhiều nông hộ trong xã. Ông là một trong những thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ “Nông dân tỷ phú” của huyện Đạ Huoai – nơi quy tụ hơn 100 hội viên có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên. Tại đây, ông thường xuyên hướng dẫn bà con kỹ thuật xử lý ra hoa, phòng trừ sâu bệnh, cũng như cách bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng khi đưa đi tiêu thụ hoặc xuất khẩu.

Không dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân, ông Điệp còn tạo việc làm ổn định cho 9 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 9 đến 13,5 triệu đồng/người/tháng – mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung khu vực nông thôn. Đặc biệt, trong bối cảnh thời tiết diễn biến thất thường, ông còn là người tiên phong chia sẻ giải pháp xử lý mưa trái mùa, hạn chế rụng bông và trái non – một vấn đề lớn của nhiều vườn sầu riêng trong xã.

726-202506250933292.jpg
Xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng) có hơn 2.300ha sầu riêng, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh hơn 1.800ha. Ảnh: Thu Hường

Theo thống kê của xã Hà Lâm, toàn xã hiện có hơn 2.300ha sầu riêng; trong đó, trên 1.800ha đang ở thời kỳ kinh doanh, với năng suất trung bình 12 – 13 tấn/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 110 triệu đồng/năm.

Trong bối cảnh thị trường sầu riêng đang hướng mạnh đến xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc thông qua hình thức chính ngạch, ông Điệp cùng nhiều nông dân khác tại Hà Lâm đang nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm; đồng thời, đề xuất thành lập trung tâm kiểm định chất lượng ngay tại địa phương để hỗ trợ quy trình kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc và bảo vệ thương hiệu sầu riêng Lâm Đồng.

Không chỉ là người nông dân sản xuất giỏi, ông Nguyễn Minh Hồng Điệp còn là “bạn đồng hành” của nhiều hộ trồng sầu riêng tại Hà Lâm. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa đồng loạt; đồng thời, tham gia các câu lạc bộ sản xuất để kết nối, học hỏi và hỗ trợ cộng đồng.

Theo cán bộ UBND xã Hà Lâm Anh Bùi Quang Trung cho biết: “Gia đình ông Điệp là một trong những hộ tiên phong tại địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn. Ông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn lan tỏa tinh thần nông dân thời đại mới – dám nghĩ, dám làm, dám khác biệt.”

Gần ba mươi năm gắn bó với đất Hà Lâm, ông Điệp vẫn giữ nếp sống giản dị, đi rẫy mỗi ngày, quan sát từng chùm hoa, từng vạt lá. Khi được hỏi về thành công, ông chỉ cười hiền: “Làm nông thì phải thương đất, hiểu cây. Cây không phụ mình nếu mình không phụ đất.”

Từ một mái nhà gỗ giữa rẫy, đến căn nhà khang trang giữa trang trại hàng chục hecta, câu chuyện của ông Điệp không chỉ là tấm gương làm kinh tế giỏi, mà còn là minh chứng cho nhận định: Ở nơi nào có đất lành, có lòng người chăm chỉ, nơi đó sẽ nảy nở những mùa quả ngọt.

Thu Hường