Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội: "Kiến thức, kỹ năng trang bị ở đại học mới chỉ là cơ bản"
PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhắn nhủ với các tân cử nhân trong Lễ Bế giảng, kiến thức, kỹ năng được trang bị ở trình độ đại học mới chỉ là những kiến thức cơ bản nhất.
Ngày 30/6, tại Hội trường Nhà Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã long trọng tổ chức Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho các tân Cử nhân, tân Thạc sĩ và tân Tiến sĩ năm học 2024 – 2025.
Hãy luôn học tập không ngừng nghỉ để trở thành công dân toàn cầu
Phát biểu tại Lễ bế giảng, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội gửi lời chúc mừng đến các nghiên cứu sinh, học viên và các em sinh viên đã hoàn thành chương trình học tập của mình.
Tấm bằng tốt nghiệp các em nhận hôm nay là kết quả của những năm tháng nỗ lực học tập, nghiên cứu, rèn luyện, vượt qua khó khăn với sự quan tâm, hướng dẫn đầy trách nhiệm của Nhà trường, của các thầy cô và tình yêu thương của gia đình.

Theo cô Hiệu trưởng, hôm nay là ngày mà các học trò chính thức bước ra khỏi ngưỡng cửa học đường để bước đi trên con đường mới với nhiều hoài bão, khát vọng cho tương lai.
"Buổi lễ hôm nay là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của các em, bởi đó là sự khởi đầu cho một hành trình mới: Trưởng thành, độc lập và trách nhiệm hơn với chính mình, với gia đình và xã hội. Cô mong các em xác định đúng mục đích khi lựa chọn công việc, luôn kiên định với mục tiêu đặt ra, luôn gắn kết với cộng đồng bằng một trái tim biết quan tâm, chia sẻ, một đôi tai biết lắng nghe và một đôi tay làm những điều có ích", PGS.TS Phạm Thị Thu Hương bày tỏ.
Đồng thời, cô Hương mong học trò hãy mang những tri thức được trang bị từ nơi đây để tiếp tục xây dựng, kiến tạo nên nhiều giá trị cho cộng đồng và xã hội. Hãy biết khát vọng để vươn cao, vươn xa hơn. Hãy nhanh chóng khẳng định năng lực chuyên môn, thích ứng tốt với sự thay đổi và dám dấn thân vì những điều tốt đẹp. Đó là truyền thống, là giá trị căn cốt mà các thế hệ thầy, trò Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã, đang gìn giữ và vun đắp.


Cũng tại Lễ Bế giảng, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhắc học trò rằng kiến thức, kỹ năng được trang bị ở trình độ đại học mới chỉ là những kiến thức cơ bản nhất. Để đứng vững trong một thị trường lao động đầy cạnh tranh của nền kinh tế tri thức, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 khiến cuộc sống của chúng ta xoay chuyển, thay đổi từng ngày, việc tự trang bị thêm về ngoại ngữ, tư duy phân tích, khả năng ứng dụng công nghệ và sáng tạo là vô cùng cần thiết, để trở thành những công dân toàn cầu trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Hãy tiếp tục học tập không ngừng nghỉ.
.jpg)
.jpg)
Gửi lời đến tân Thạc sĩ và Tiến sĩ, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhắn nhủ, tấm bằng ngày hôm nay mới chỉ là sự thành công bước đầu. Cái đích cần hướng tới là những đóng góp cho sự nghiệp khoa học của ngành, của lĩnh vực chuyên môn mà mình đang theo đuổi bằng những công trình nghiên cứu và sản phẩm khoa học có giá trị. Việc học tập và nghiên cứu là liên tục trong suốt cuộc đời.
Thầy cô là "điểm tựa" của hành trình trưởng thành
Đại diện cho các tân cử nhân nhận bằng phát biểu tại Lễ tốt nghiệp, em Nguyễn Hương Nhi, sinh viên ngành Hướng dẫn du lịch quốc tế, khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội cho hay, 4 năm đại học tưởng dài, nhưng ngoảnh lại, như một cái chớp mắt.

"Hồi đó, chúng em đến trường với chiếc balo còn trống rỗng, trống cả kiến thức, kỹ năng, lẫn lòng tin vào bản thân. Nhưng giờ đây, balo ấy đã được lấp đầy bởi những trang tài liệu ghi vội vàng, những đêm chạy deadline đến 2 giờ sáng, những nụ cười sau giờ thuyết trình nhóm, và cả những giọt nước mắt lặng lẽ vì một bài thi chẳng như mong đợi", nữ sinh xúc động chia sẻ.
Cũng theo Hương Nhi, từ một sinh viên năm thứ nhất bỡ ngỡ, nhờ sự dẫn dắt tận tình của thầy cô, sự hỗ trợ từ Nhà trường và sự gắn bó từ bạn bè, chúng em đã dần định hình được bản thân, trở thành những công dân có khát vọng, có tri thức, sẵn sàng bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực.
Những người thầy, người cô, không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn là điểm tựa, là tấm gương, là những người âm thầm lặng lẽ, nhưng chứa chan, ấm nồng mở cánh cửa cho học trò bước vào tương lai, hòa nhập cùng thế giới.

Tại Lễ Bế giảng và trao bằng tốt nghiệp năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã trao bằng tốt nghiệp cho 1405 cử nhân, 11 thạc sĩ và 3 tiến sĩ. Đây là thời khắc đánh dấu cho sự trưởng thành và bước sang chặng đường mới của mỗi sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh tốt nghiệp.