Đời sống

Tiếng nói cơ sở:Phát huy sức mạnh của những "cánh tay nối dài"

Quang Bình 30/06/2025 18:30

Trong những năm qua, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã phát huy mạnh mẽ vai trò "cánh tay nối dài", đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống của người dân; đặc biệt, là các hộ nghèo, đối tượng yếu thế.

Hiệu quả thiết thực từ sự vào cuộc của các đoàn thể

Nhờ sự chung tay của các đoàn thể, nhiều phong trào thiết thực đã được triển khai hiệu quả, từ Quỹ Vì người nghèo, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” đến “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên khởi nghiệp”... Điểm nổi bật trong cách làm của Tuyên Quang là sự chuyển đổi từ hỗ trợ vật chất đơn thuần sang chú trọng giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển sinh kế bền vững, tạo cơ hội để họ thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.

Các cơ sở Hội giúp đỡ các hộ làm nhà, sửa nhà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực
Các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể chung tay giúp các hộ làm nhà, sửa nhà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Ảnh: Tuyên Quang

Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giai đoạn 2021-2025 đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội nghị truyền thông khởi nghiệp, thành lập mới các hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và duy trì trên 400 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Tại Sơn Dương, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện luôn tiếp cận từng hoàn cảnh, nắm rõ nhu cầu của hội viên nghèo để hỗ trợ đúng người, đúng việc và lâu dài. Không chỉ giúp vốn mà còn tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất và tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.” Nhờ đó, nhiều phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm chủ cuộc sống, từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Không kém phần tích cực, lực lượng đoàn viên, thanh niên tỉnh Tuyên Quang cũng đóng vai trò xung kích trong công cuộc giảm nghèo. Lãnh đạo Tỉnh đoàn khẳng định, tuổi trẻ không chỉ xung kích trong các phong trào tình nguyện mà còn đồng hành với người nghèo bằng những hành động cụ thể như hỗ trợ xây dựng nhà ở, đào tạo nghề, kết nối việc làm với doanh nghiệp và triển khai các mô hình kinh tế thanh niên.” Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 150 ngôi nhà nhân ái trị giá trên 11 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 150 hộ thanh niên thoát nghèo và tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, tư vấn cho hàng vạn lao động nông thôn.

Hội Cựu chiến binh các cấp cũng là một lực lượng quan trọng, đồng hành cùng người dân thông qua phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”. Điển hình như Hội Cựu chiến binh xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa thường xuyên vận động hội viên giúp nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, đồng thời kết nối với ngân hàng để hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Tích cực giám sát, phản biện các chính sách giảm nghèo

Nhờ sự hỗ trợ và hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã xuất hiện trên khắp tỉnh. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ (xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang) với mô hình trồng ngô sinh khối, dưa lê, bí đỏ, nuôi ong mật và ốc nhồi đạt thu nhập 350 - 400 triệu đồng mỗi năm. Ông Lã Hoàng Anh (phường An Tường, TP Tuyên Quang) từ một hộ nghèo đã ổn định kinh tế nhờ vay vốn nuôi 7.000 con gà đẻ trứng. Tại huyện vùng cao Lâm Bình, các mô hình nuôi dê, nuôi cá đặc sản, chăn nuôi kết hợp trồng cây dược liệu cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Các hội viên CCB tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho gia đình
Hội viên Cựu chiến binh xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, thu nhập cao. Ảnh: Tuyên Quang

Không chỉ hỗ trợ về kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội còn tích cực giám sát, phản biện trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa hơn 7.000 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 911 tỷ đồng; vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 25 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức còn trao tặng hàng nghìn suất quà, học bổng, thẻ bảo hiểm y tế và tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo, kịp thời giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn.

Những kết quả giảm nghèo ấn tượng của Tuyên Quang trong thời gian qua là minh chứng sinh động cho sức mạnh của sự đoàn kết, chung sức của cộng đồng và vai trò không thể thiếu của các tổ chức chính trị - xã hội. Họ thực sự là "cánh tay nối dài" của cấp ủy, chính quyền, góp phần quan trọng vào việc ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế và đưa người dân Tuyên Quang vươn lên thoát nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Quang Bình