Đời sống

Nghị trường và cuộc sốngKiên định mục tiêu xây dựng nông thôn sinh thái, hiện đại, văn minh

Diệp Anh 30/06/2025 18:25

Trong bối cảnh cả nước chuẩn bị chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhiều đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn đặt ra đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 2 phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Với tư duy tích hợp, giải pháp thực chất, định hướng chiến lược rõ ràng, cả nước đang hướng đến chặng đường mới phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại – xanh, hạnh phúc, bền vững.

Chuyển trọng tâm từ “làm cho dân” sang “đồng hành cùng dân”

Trong nội dung phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 2 phong trào thi đua về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp là trụ đỡ, nông dân là chủ thể, nông thôn là nền tảng. Quan điểm này đã được kiểm chứng qua nhiều giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19 và bối cảnh bất định kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhờ nông nghiệp phát triển ổn định, Việt Nam duy trì được an ninh lương thực, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

img6185-17505810284391827709571.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan các gian trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu. Ảnh: Nhật Bắc

Tính đến tháng 6/2025, cả nước có 79% xã và 51% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 12 tỉnh được công nhận hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn xã, hàng trăm huyện chưa đạt chuẩn; nhiều nơi có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%. Việc biểu dương, khen thưởng các mô hình hay, điển hình tiên tiến chưa kịp thời.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá thực chất kết quả, chia sẻ cách làm hiệu quả, lồng ghép tốt các nguồn lực, tránh dàn trải. Giai đoạn tiếp theo phải chuyển trọng tâm từ “làm cho dân” sang “đồng hành cùng dân”, từ hỗ trợ sang khơi dậy, phát huy nội lực. Các tiêu chí cần cập nhật theo hướng hiện đại, xanh, hạnh phúc, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn với chuyển đổi số, OCOP, vệ sinh môi trường, xóa bỏ tập tục lạc hậu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, hai Chương trình mục tiêu quốc gia đã đóng vai trò “bà đỡ” cho phát triển nông thôn. Hơn 98 triệu mét vuông đất được người dân tự nguyện hiến, hàng triệu ngày công, hàng chục nghìn tỷ đồng đóng góp xã hội hóa. Định hướng đến năm 2030, cả nước có 80% xã đạt chuẩn, 10% đạt chuẩn hiện đại; đến 2035, 90% xã đạt chuẩn, 25% hiện đại, thu nhập nông thôn tăng gấp 2,5 lần.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương đề xuất sửa đổi chính sách, tăng phân cấp và hỗ trợ phù hợp với đặc thù từng vùng. Các tỉnh Hà Giang, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Thanh Hóa… đề nghị, có cơ chế đầu tư hạ tầng chiến lược, phân bổ vốn linh hoạt và duy trì chính sách an sinh cơ bản để không tạo tâm lý “thoát nghèo là mất quyền lợi”.

Nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Bình Phước... đề xuất điều chỉnh nội dung chương trình đã hết đối tượng thụ hưởng; kiến nghị xây dựng bộ tiêu chí mới theo vùng miền, đặc biệt là khu vực đồng bào dân tộc, miền núi, hải đảo. Các mô hình sáng tạo từ cơ sở, như cộng đồng không hộ nghèo, du lịch nông thôn gắn với chuyển đổi số, hợp tác xã kiểu mới… tiếp tục là hạt nhân quan trọng.

Đổi mới tư duy, kiến tạo nông thôn bền vững

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nông thôn không chỉ là không gian cư trú mà là một di sản sống động, chứa đựng bản sắc và tinh thần dân tộc. Những tác phẩm như Bắc Bling, Hạt gạo không chỉ là âm nhạc, mà còn là ký ức văn hóa, là niềm tự hào về hương đồng gió nội.

Từ thành quả xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đã đến lúc chuyển từ “làm gì cho nông thôn” sang “làm sao để người dân trở thành chủ thể kiến tạo”. Bối cảnh chuyển đổi mô hình hành chính đòi hỏi thay đổi cách thức triển khai. Phân cấp mạnh hơn là điều kiện để khơi dậy sáng tạo tại cơ sở; khoa học công nghệ, chuyển đổi số phải trở thành động lực mới.

z6731282947784_c19d61aea3df0ed7c1bd623e57d1c1d1.jpg
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề xuất sáu hướng tiếp cận chiến lược, gồm: tích hợp chính sách, tức là gộp ba chương trình mục tiêu quốc gia để tránh phân mảnh, nâng hiệu quả sử dụng nguồn lực, cải thiện toàn diện thu nhập và chất lượng sống. Đồng thời, chuyển trọng tâm sang năng lực mềm: tăng cường tri thức hóa nông dân, xây dựng cộng đồng sáng tạo, trao quyền quản trị cho dân. Cùng đó, đa dạng sinh kế: khai thác tiềm năng du lịch, logistics, OCOP, coi mỗi hộ là một “tế bào kinh tế” độc lập.

Xây dựng hệ thống khuyến nông cộng đồng, tạo “phòng thí nghiệm mở” cho đổi mới sáng tạo; Xem xã nông thôn như một “sản phẩm tích hợp” cần thiết kế tổng thể về kinh tế - xã hội – văn hóa – môi trường… Bên cạnh đó, phát triển làng thông minh, làng hạnh phúc: mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng sống, chứ không chỉ hoàn thành tiêu chí. Làng thông minh cần kết nối số, làng hạnh phúc phải có an sinh, niềm vui và bình đẳng.

“Người nghèo nghèo cái túi, người giàu giàu cái đầu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đó là một lời nhắc về giá trị tri thức trong phát triển bền vững. Những mô hình như “sách hóa nông thôn” cần được nhân rộng, đưa nông thôn Việt Nam đi lên bằng năng lực nội sinh.

Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, mục tiêu đến năm 2035 là kiến tạo nền nông nghiệp sinh thái, người nông dân văn minh, nông thôn hiện đại, bền vững, hạnh phúc. Bốn nhóm giải pháp then chốt được nêu rõ, gồm: hoàn thiện thể chế, xác định lại vai trò trung tâm, động lực, nền tảng; đầu tư hạ tầng chiến lược, xanh, hiện đại, thích ứng; phát triển con người, đẩy mạnh giáo dục thường xuyên, công dân số; đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm Halal...

Thủ tướng nhấn mạnh, chương trình giai đoạn 2026 - 2035 cần tích hợp, có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm. Nguồn lực nhà nước đóng vai trò vốn mồi để huy động xã hội hóa. Mọi hành động phải thực chất, có thể đo đếm bằng kết quả cụ thể, tạo niềm tin và đồng thuận xã hội… “Chủ trương phải đúng, tổ chức thực hiện phải hiệu quả và người dân phải được hưởng lợi thực chất, không phải bằng những lời hứa suông”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Diệp Anh