Giáo dục

"Tham vọng" từ VinUni đến Google của nam sinh muốn tạo sản phẩm công nghệ “made in Vietnam”

Xuân Quý 30/06/2025 17:00

Nhận thấy tiềm năng lớn trong ngành sản xuất, tân khoa Nguyễn Tường Minh Trường Đại học VinUni thực sự hy vọng một ngày nào đó có thể tạo ra sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” – như VinFast đang làm. Cùng với đó, mong muốn góp phần tạo ra những thứ mang giá trị thực, do người Việt làm chủ, không chỉ gia công hay kiểm thử.

Thực tập tại các tập đoàn danh tiếng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường

Từng mông lung không biết sẽ học gì ở đại học, Nguyễn Tường Minh – tân khoa ngành Kỹ thuật Cơ khí, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni đã lần lượt bước qua thực tập tại Bosch rồi Google.

Ảnh 12. Tân khoa Nguyễn Tường Minh, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính tại lễ tốt nghiệp
Tân khoa Nguyễn Tường Minh, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, VinUni tại lễ tốt nghiệp

Trước khi vào đại học, nam sinh Tường Minh học cấp 3 tại Mỹ từ lớp 9. Khi trở về Việt Nam, Minh vẫn khá mông lung, chưa biết mình muốn học gì hay sẽ làm gì.

Chia sẻ về lý do chọn ngành Kỹ thuật Cơ khí tại VinUni, Tường Minh chỉ nghĩ đơn giản do bản thân thích sáng tạo, thích làm ra thứ gì đó – nên có thể đây là hướng phù hợp. Tuy nhiên, đến năm hai, nam sinh còn từng nghĩ xin chuyển ngành vì thấy khó quá. Nhưng sau này khi đi thực tập, Tường Minh nhận ra ngành này có rất nhiều ứng dụng thú vị, rất nhiều hướng đi thực tiễn.

Khi đang theo học tại VinUni, Tường Minh đã bắt đầu thực tập từ năm hai - đây là điều khá sớm với sinh viên kỹ thuật. Đặc biệt, nam sinh tự nộp đơn vào các vị trí và thực tập tại một công ty Hàn Quốc trong một môi trường không quá áp lực, chủ yếu để làm quen với môi trường làm việc.

Tường Minh bày tỏ, bước ngoặt thực sự đến khi được nhận vào thực tập tại Bosch vào năm ba. Lúc đó, bản thân làm ở TP. Hồ Chí Minh, tham gia nhiều dự án lớn và phức tạp. Cùng với đó, tốc độ lĩnh hội (learning curve) tăng nhanh, và em thực sự trưởng thành trong cách làm việc.

Sau khi thực tập tại Bosch, Tường Minh tiếp tục thực tập ở Google. Đặc biệt, đây là lần đầu Google triển khai chương trình thực tập tại Việt Nam. Trải qua ba vòng phỏng vấn trong khoảng hơn một tháng rưỡi, khi có cơ hội, Minh rời Bosch và bắt đầu thực tập ở Google.

Ngay từ tuần đầu tiên, Minh đã có buổi họp riêng với sếp để trao đổi kỳ vọng công việc. Nam sinh cho biết, Google là một môi trường rất tôn trọng và tin tưởng nhân viên, kể cả thực tập sinh. Họ có hệ thống tài liệu nội bộ cực kỳ bài bản khiến việc học hỏi trở nên rất chủ động và hiệu quả.

Cũng theo Minh, sinh viên VinUni được trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng để cạnh tranh. Thứ nhất là ngoại ngữ, không chỉ giao tiếp hàng ngày, mà còn trong ngữ cảnh chuyên môn. Thứ hai là kỹ năng làm việc nhóm. Ở VinUni, sinh viên được giao rất nhiều dự án nhóm. Chính vì vậy, từ cách phối hợp, thuyết trình, đến giải quyết mâu thuẫn, sinh viên đều được rèn luyện thường xuyên.

compressed_dscf0693-1.jpg
Sinh viên VinUni được trang bị rất nhiều kiến thức, kỹ năng để cạnh tranh

“Về kiến thức chuyên môn, em nghĩ sinh viên VinUni không mạnh hơn các trường kỹ thuật chuyên sâu, nhưng tụi em học nhanh và không ngại hỏi. Khi không biết, em sẽ hỏi bạn bè, hỏi thầy cô cho tới khi hiểu. Có lẽ chính điều đó khiến sinh viên VinUni được đánh giá là chủ động, không ngại việc khó”, Tường Minh chia sẻ .

Nhìn lại 4 năm học tại VinUni, Minh cho rằng, bản thân học được từ bạn bè rất nhiều bởi nếu không có sự giúp đỡ của các bạn, em không biết mình sẽ qua môn kiểu gì. Đặc biệt, trong lúc học, nếu không hiểu bài thì sẽ ôn tập cùng nhau, nhờ các bạn chỉ lại.

Ngoài ra, cơ sở vật chất thì rất hiện đại, nhưng phải đến năm tư em mới bắt đầu tận dụng. Còn ba năm đầu chủ yếu đi thực tập bên ngoài.

Mong muốn tạo ra sản phẩm công nghệ “made in Vietnam”

Nhận thấy tiềm năng lớn trong ngành sản xuất, tân khoa Nguyễn Tường Minh thực sự hy vọng một ngày nào đó có thể tạo ra sản phẩm công nghệ “made in Vietnam” – như VinFast đang làm. Cùng với đó, mong muốn góp phần tạo ra những thứ mang giá trị thực, do người Việt làm chủ, không chỉ gia công hay kiểm thử.

Dành lời khuyên nào cho các bạn sinh viên muốn đi thực tập sớm, Tường Minh cho rằng, tùy mục tiêu mỗi bạn mà có hướng chuẩn bị khác nhau. Với các bạn muốn đi làm sớm như em, thì nên bắt đầu thực tập ở doanh nghiệp từ năm hai hoặc sớm hơn. Nếu chưa có kinh nghiệm thì có thể trình bày các dự án đã làm trên lớp, miễn là thể hiện được kỹ năng kỹ thuật và kỹ năng mềm.

Khi đi phỏng vấn, cũng có hai kiểu câu hỏi. Một là kể về trải nghiệm thật, nên trả lời theo phương pháp STAR (Situation – Task – Action – Result). Hai là câu hỏi giả định, chẳng hạn “Sếp không thích em thì em làm gì?”, không nên vội trả lời, mà hãy hỏi lại để làm rõ tình huống, rồi mới đưa ra giải pháp. Điều đó thể hiện cách phân tích và phản xạ tình huống, điều mà nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.

Chia sẻ về dự định thời gian tới, Tường Minh cho biết, hiện tại em đã ký hợp đồng không thời hạn với Google, dự định sẽ tập trung học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, và phát triển ở công việc này. Đồng thời, em cũng chủ động học thêm những kỹ năng cụ thể.

“Cảm ơn bố mẹ, vì đã “đầu tư” cho việc học - gia đình luôn là điểm tựa tinh thần lớn nhất của con. Cảm ơn các thầy cô, đặc biệt là thầy cô ngành kỹ thuật luôn sẵn sàng hỗ trợ cả trong và ngoài giờ học. Cảm ơn bạn bè, là tài sản quý nhất mà em có được trong 4 năm học tại VinUni.

Nhờ có mọi người, em mới tìm thấy được điều mình thực sự muốn làm và dám mơ đến việc tạo ra một sản phẩm mang tên Việt Nam”, tân khoa Nguyễn Tường Minh bày tỏ.

Xuân Quý