Sự kiện nổi bật

Thái Nguyên sẵn sàng cùng cả nước vươn mình phát triển

Đồng Văn Thưởng 30/06/2025 16:41

Sáng 30/6, cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; kết thúc hoạt động các đơn vị hành chính cấp huyện.

Chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất để vận hành bộ máy mới

Dự buổi lễ có Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng; Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng; đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn; cùng 92 Bí thư Đảng bộ xã, phường mới.

Bắc Kạn và Thái Nguyên là hai tỉnh có bề dày lịch sử, có chung quá trình hình thành, phát triển (tách ra từ tỉnh Bắc Thái cũ), có mối liên hệ chặt chẽ về địa lý, tương đồng về truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán. Việc sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên để thành lập tỉnh Thái Nguyên mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm mở rộng không gian phát triển, khơi thông nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, toàn diện và đồng bộ. Triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong thời gian qua, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, bám sát các yêu cầu, định hướng của Trung ương. Hai địa phương đã chủ động, tích cực và là những đơn vị đi đầu trong cả nước sớm hoàn thiện, trình Đề án hợp nhất, sáp nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; hoàn thành việc xây dựng, trình phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Sau khi sắp xếp, tỉnh Thái Nguyên có 92 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 77 xã và 15 phường.

z6756231989395_ae8bd1642203b1775e436625824285f9.jpg

Tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đỗ Ngọc Huỳnh đã công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương về việc sáp nhập tỉnh, xã, phường tỉnh Thái Nguyên, thành lập Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên.

Theo đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên (mới), nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 64 người. Ông Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh là ông Nguyễn Đăng Bình. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh là ông Phạm Hoàng Sơn. Ông Đinh Quang Tuyên là Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Chủ trương đúng đắn và tư duy mở

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao và biểu dương tinh thần chủ động, quyết tâm chính trị, sự khẩn trương, nỗ lực vượt bậc của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn trong việc thực hiện nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, nhiều nội dung vượt yêu cầu đề ra.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Thái Nguyên mới cần khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo nguồn lực cần thiết tổ chức vận hành thông suốt hệ thống chính trị cấp tỉnh, cấp xã, không làm gián đoạn bất kỳ hoạt động nào, phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và chuyển đổi số, đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghệ cao, khai thác hiệu quả vị trí trong vùng Thủ đô, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

z6756232240928_a0e3ef3e75a97ae304ed488e987cae84.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại lễ công bố

Phó Thủ tướng Chính phủ mong muốn tỉnh Thái Nguyên mới tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, vững vàng vươn lên để trở thành địa phương phát triển hàng đầu khu vực phía Bắc, kiểu mẫu về kinh tế xanh, du lịch trải nghiệm sinh thái, trung tâm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hiện đại và đô thị thông minh, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh, toàn diện bền vững vùng cũng như của cả nước...

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhấn mạnh, đây không chỉ là khởi đầu của một mô hình tổ chức mới, mà còn là sự tiếp nối một tinh thần đổi mới hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, đoàn kết hơn và mạnh mẽ hơn nhằm thích ứng nhanh với yêu cầu phát triển.

z6756232151134_15b80cd09841afb9a94748b69c495560.jpg
Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng phát biểu
tại Lễ công bố

Trong dấu mốc đặc biệt này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên càng thêm ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, quyết tâm phát huy cao truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, trở thành cực tăng trưởng của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô...

Hợp nhất để khát vọng vươn xa

Trong buổi sáng nay, tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đông đảo người dân đã có mặt để chứng kiến một sự kiện trọng đại, một bước ngoặt lịch sử trong chặng đường phát triển mới của đất nước.

Tại trụ sở UBND phường Gia Sàng, ngay từ ngoài cổng, cờ Tổ quốc và băng-rôn được trang hoàng rực rỡ, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong Ngày hội lớn của non sông. Phường Gia Sàng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích, dân số của 4 phường, xã gồm Hương Sơn, Đồng Liên và một phần của phường Cam Giá, Gia Sàng. Sau thành lập, phường Gia Sàng có diện tích 25,47 km2, quy mô dân số hơn 44 nghìn người.

img_0309-1-.jpg
Phường Gia Sàng mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 4 phường, xã

Với tâm thế vững vàng, sẵn sàng đối mặt với thử thách để kiến tạo một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả và gần dân hơn, Phó Bí thư Đảng ủy phường Gia Sàng Hà Huy Hoàng cho biết, sau khi sáp nhập, khối lượng công việc tương đối lớn, tuy nhiên, với những kinh nghiệm được đúc kết trong quá trình công tác trước đây, tôi và đồng nghiệp sẽ cùng vận hành công việc một cách khoa học, bài bản. Tôi tin rằng với thái độ tận tâm, cầu thị và trách nhiệm, thì dù ở bất kỳ đâu chúng ta cũng sẽ tạo ra những giá trị đích thực và nhận được sự tin yêu của nhân dân. Đó mới là thành công lớn nhất của một người cán bộ.

Bà Nguyễn Thị Loan, người dân sinh sống tại tổ 10, phường Gia Sàng bày tỏ, người dân rất kỳ vọng sau sáp nhập, bộ máy chính quyền của phường nói riêng và của toàn tỉnh nói chung sẽ hoạt động hiệu quả, giảm tình trạng chồng chéo, phân tán nguồn lực. Tôi cũng tin tưởng đội ngũ cán bộ công chức sau sáp nhập sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, năng động, gần gũi và giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện hơn cho người dân.

Không khí tại nhiều xã của tỉnh Bắc Kạn cũ cũng không kém phần sôi động. Nhiều người dân đã có mặt từ sáng sớm để chứng kiến giờ phút trọng đại của đất nước. Chủ tịch UBND xã Phong Quang Nguyễn Ánh Xuân cho biết, xã được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai xã Đôn Phong và Dương Quang có diện tích khoảng 153 km2 với gần 6,2 nghìn người dân. Sau thành lập mới, xã sẽ có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch và phát triển rừng vì có vị trí nằm trên trục đường đi hồ Ba Bể. Một trong những mục tiêu mà xã hướng tới sau khi bộ máy chính quyền mới đi vào vận hành đó là nâng cao chất lượng quản lý và ưu tiên phục vụ người dân.

z6756533101794_846d0d25cbfb762da779da2bd96fa7da.jpg
Một trong những mục tiêu mà bộ máy chính quyền mới hướng đến là nâng cao chất lượng quản lý và phục vụ người dân tốt hơn

Ông Bàn Tài Năng, người dân tộc Dao tại xã Phong Quang cho biết, chúng tôi kỳ vọng việc sáp nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho người dân cũng như chính quyền mới, người dân sẽ được hỗ trợ tốt hơn trong việc đẩy nhanh tốc độ xử lý các thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và thuận lợi trong xử lý công việc cá nhân.

Ngày hội sáp nhập là cơ hội tái cấu trúc, nâng cao chất lượng quản lý, phục vụ người dân tốt hơn. Những tiếng cười, những ánh mắt tin tưởng của người dân Thái Nguyên hôm nay là minh chứng rõ ràng cho tinh thần “Hợp nhất để khát vọng vươn xa”. Việc sáp nhập, hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn không chỉ là thay đổi về địa giới hành chính mà còn là bước đi quan trọng để mở rộng không gian phát triển. Đây là quyết định mang tính chiến lược, có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước.

Đồng Văn Thưởng