Nghị viện thế giới

Trung Quốc và cuộc chiến chống hàng giả"Bóng ma" hàng giả đe dọa sức khỏe và uy tín quốc gia

Quỳnh Vũ 30/06/2025 07:21

Trung Quốc được biết đến là công xưởng lớn nhất thế giới nhưng cũng là cái nôi của nền công nghiệp hàng giả tinh vi và quy mô nhất hành tinh. Từ hộp sữa trẻ em đến lọ mỹ phẩm cao cấp, từ thực phẩm thiết yếu đến túi xách hàng hiệu, không một lĩnh vực nào thoát khỏi “bóng ma” sao chép. Điều này không chỉ làm tổn hại nghiêm trọng đến các thương hiệu quốc tế và niềm tin người tiêu dùng mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân, an ninh kinh tế và hình ảnh quốc gia.

Thực phẩm giả, thảm họa thật

Vụ bê bối sữa nhiễm melamine năm 2008 đã trở thành biểu tượng đen tối của nạn hàng giả tại Trung Quốc. Gần 300.000 trẻ em bị ảnh hưởng, hàng loạt trẻ bị sỏi thận, trong đó ít nhất 6 trẻ đã thiệt mạng vì uống phải sữa bột có chứa hóa chất melamine - một chất nhựa dùng để làm tăng hàm lượng đạm khi kiểm tra. Cả thế giới bàng hoàng, niềm tin của người dân Trung Quốc vào chuỗi cung ứng nội địa bị xói mòn nghiêm trọng.

Không chỉ sữa, nhiều loại thực phẩm giả vẫn là hiểm họa thường trực. Giấm được pha từ axit công nghiệp, rượu giả chứa methanol gây mù mắt, thịt đông lạnh hết hạn được “tái sinh” bằng hóa chất, dầu ăn lọc lại từ nước cống, hay bột ngọt giả làm từ bột khoáng không rõ nguồn gốc. Đây không còn là câu chuyện buôn lậu nhỏ lẻ mà là một ngành công nghiệp tội phạm có tổ chức, vận hành như dây chuyền sản xuất chính thống.

Một trong những vụ ngộ độc rượu giả chứa methanol gây sốc nhất xảy ra vào khoảng Tết Nguyên đán của Trung Quốc năm 1998. Tại tỉnh Sơn Tây ở phía Bắc, hơn 20 người đã tử vong và hàng trăm người khác bị ảnh hưởng. Sáu người chịu trách nhiệm sản xuất loại rượu độc này đã bị kết án tử hình. Thảm kịch này sau đó đã thúc đẩy Trung Quốc tiến hành một cuộc truy quét rượu giả cũng như siết chặt giám sát hoạt động sản xuất rượu.

sn-melamine.jpg
Sữa bột chứa melamine bị tiêu hủy năm 2008. Ảnh: Reuters/Landov

Cùng với thực phẩm, mỹ phẩm giả cũng là một nỗi ám ảnh đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. Những thương hiệu đình đám như Dior, Chanel, SK-II hay La Mer đều bị sao chép từ bao bì đến mùi hương với giá chỉ bằng 1/5 bán nhan nhản trên các sàn thương mại điện tử. Theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường Trung Quốc, năm 2023 có hơn 4.000 vụ vi phạm liên quan đến mỹ phẩm giả, trong đó không ít vụ có liên hệ với mạng lưới tiêu thụ xuyên quốc gia. Nguy hiểm ở chỗ hàng giả chứa hàm lượng chì, thủy ngân, corticoid vượt ngưỡng cho phép, gây kích ứng, nám da, thậm chí hủy hoại cấu trúc biểu bì.

Từ "thô sơ" đến "siêu nhái" thời công nghệ

Nếu như đầu những năm 2000, hàng nhái nhìn biết ngay là hàng nhái, thì hiện tại, chúng đã tiến hóa thành phiên bản cực kỳ tinh vi đến mức chuyên gia của chính hãng cũng không phân biệt nổi bằng mắt thường.

Cụm từ “superfake” - hàng nhái siêu cấp - xuất hiện ngày càng nhiều. Một chiếc túi Chanel giả có thể có đầy đủ bao bì, hóa đơn, thẻ bảo hành như hàng thật. Một lọ serum SK-II của Nhật được làm giả trong phòng thí nghiệm ngầm với công thức bắt chước đến từng miligram.

Trong một vụ việc điển hình năm 2023 tại Quảng Đông, cảnh sát phát hiện một xưởng sản xuất mỹ phẩm giả cao cấp với quy mô công nghiệp, hàng ngày xuất xưởng hơn 20.000 đơn hàng thông qua các nền tảng thương mại điện tử và livestream. Toàn bộ bao bì đều mang mã QR liên kết đến… website chính hãng nhưng là website giả được dựng lên với chi phí thấp, đánh lừa cả người mua lẫn thuật toán kiểm tra của các nền tảng.

Từ “biến thể” đến “cướp” thương hiệu

Trước những đợt truy quét đối với hàng nhái thương hiệu, đối tượng làm giả sử dụng chiến thuật “biến thể nhận diện”: thay vì “Nike”, chúng đặt tên thương hiệu là “Naik”; thay vì “Adidas”, họ in “Abidas”, hoặc dở khóc dở cười như trường hợp “Dolce&Gabbana” biến thành “Dolce&Banana” - vừa đủ khác để tránh bị kiện, nhưng đủ giống để đánh lừa người mua thiếu hiểu biết.

Một “chiêu thức” phổ biến khác là đăng ký thương hiệu trước cả chính chủ. Hàng loạt thương hiệu quốc tế khi vào Trung Quốc bị sốc khi thấy thương hiệu của mình đã “bị” đăng ký rồi. Chuyện tưởng đùa này ấy vậy mà đã thực sự khiến các hãng lớn lao đao. Vào năm 2015, New Balance từng bị một công ty nội địa kiện ngược vì sử dụng thương hiệu của họ bằng tiếng Trung được đăng ký trước một cách hợp pháp. Kết quả, hãng giày Mỹ bị phạt hơn 15 triệu NDT. Nike từng phải ra tòa tại Quảng Châu để đòi lại thương hiệu chính mình, trong khi Tesla cũng mất gần 3 năm để giành lại tên gọi “特斯拉” (Tesla phiên âm tiếng Hoa) từ một công ty nội địa.

Trung Quốc không thể xây dựng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo nếu vẫn mang tiếng là “thiên đường hàng giả”. Đây chính là động lực buộc chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy quyết liệt cuộc chiến chống hàng giả trên cơ sở thiết lập một hệ thống khuôn khổ pháp lý đa tầng và bao phủ; đồng thời đẩy mạnh các chiến dịch truy quét quy mô lớn nhằm vực dậy niềm tin thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và khẳng định thương hiệu quốc gia.

Quỳnh Vũ