Quốc hội và Cử tri

Sửa đổi Luật để tự chủ đại học hướng đến chất lượng

Anh Thảo 29/06/2025 09:45

Tại Phiên chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để tự chủ của các trường đại học đi vào chiều sâu, thực chất và hướng đến mục tiêu chất lượng, cần sửa đổi Luật Giáo dục đại học.

dsc_9221.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

“Chúng ta đang lấy tài chính là chuẩn cho tự chủ ở các trường đại học”

Tự chủ đại học là chủ trương lớn, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của giáo dục đại học. Thực tế cho thấy, số trường tự chủ càng tăng với mức độ tự chủ càng cao, thì chi phí hỗ trợ từ Nhà nước cũng giảm dần. Sau 10 năm, ngân sách cho giáo dục đại học giảm cả giá trị tuyệt đối và tương đối.

Nêu vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, theo Báo cáo 719 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chi ngân sách cho giáo dục đại học năm 2013 là 19.271 tỷ đồng, tương đương 0,43% GDP và 9,3% tổng chi ngân sách cho giáo dục - đào tạo. Tuy nhiên, đến năm 2022 đã giảm xuống còn hơn 10.000 tỷ đồng, chiếm 0,11% GDP và 3,4% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục - đào tạo. Trong khi đó, tổng chi cho giáo dục bình quân trong khu vực và trên thế giới vào khoảng 18 - 23%.

"Đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp đã đề ra. Trong đó, tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quy hoạch các trường đại học, thiết lập hệ thống quản trị đại học tiên tiến. Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy trong lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

"Chúng ta đặt vấn đề tự chủ, thì phải tự chủ về tổ chức, đào tạo, học thuật, còn tài chính chỉ là một phần; trong Báo cáo 719 cũng cho thấy, nhận thức về tự chủ đại học chưa đúng", đại biểu Nguyễn Trường Giang thẳng thắn.

Theo ĐBQH Lê Thị Song An (Long An), thì quá trình thực hiện tự chủ đại học vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác đào tạo, công nghệ cao, như: thiếu các chính sách hợp tác công - tư trong đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghệ cao, cơ chế hỗ trợ trong hợp tác đào tạo, chính sách thu hút giảng viên chất lượng cao đã được nêu ở phần hạn chế trong Báo cáo 719 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước thực trạng này, các đại biểu đều đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có các giải pháp và lộ trình cụ thể để giúp các trường đại học khắc phục hạn chế, bảo đảm việc thực hiện cơ chế tự chủ một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thừa nhận, chúng ta hiện đang "lấy tài chính là chuẩn cho tự chủ ở các trường đại học", Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian tới, một số nội dung về tự chủ đại học sẽ được hoàn thiện và điều chỉnh. Trong đó, có việc sửa đổi Luật Giáo dục đại học để bảo đảm quyền tự chủ tốt hơn cho các trường đại học. “Chúng tôi đang đề xuất, trao đổi với Bộ Tài chính theo hướng cơ chế tự chủ mới của các trường đại học phải được tính toán không phụ thuộc vào mức độ tự chủ về tài chính”, Bộ trưởng cho biết.

Z72_7050 - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn báo cáo với Quốc hội trước khi trả lời chất vấn của các ĐBQH. Ảnh: Phạm Thắng

Cũng theo Bộ trưởng, Nhà nước sẽ xem xét tùy theo các ngành nghề, nhu cầu để có thể đặt hàng, hoặc nếu có hỗ trợ thì sẽ thông qua người học bằng cơ chế học bổng… để các trường có cơ chế tự chủ đầy đủ hơn, sâu hơn. "Giống như các công dân khi đủ 18 tuổi sẽ được bảo đảm các quyền công dân đầy đủ và như nhau, không lệ thuộc vào công dân đấy nghèo hay giàu, nhiều tiền hay ít tiền. Do vậy, không lấy cơ chế tài chính để phán định quyền tự chủ của các trường”, Bộ trưởng nêu vấn đề.

Liên quan đến cơ chế tự chủ của các trường đại học trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng khẳng định, tới đây sẽ có "những bước rất tích cực". Ngay tại Kỳ họp thứ Chín này, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có đề cập đến đối tượng rất quan trọng là các trường đại học. Tin rằng, "sau khi Luật được thông qua sẽ tăng quyền tự chủ về học thuật, khoa học cho các trường đại học”, Bộ trưởng kỳ vọng.

Kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước với huy động nguồn lực xã hội

Nêu câu hỏi, đồng thời cũng đưa ra giải pháp mang tính gợi mở về tự chủ đại học, ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng làm rõ đâu là giải pháp đột phá về thể chế, mang tính thực chất mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới trên một số phương diện cụ thể. Một là, cơ chế tài chính theo đầu ra, theo đơn đặt hàng từ thị trường, doanh nghiệp hoặc từ Nhà nước. Hai là, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào quá trình đào tạo đại học. Ba là, việc gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình, gắn phân bổ ngân sách nhà nước với kết quả đầu ra. Bốn là, việc mở rộng quy mô đào tạo nhưng vẫn bảo đảm nguyên tắc lấy chất lượng làm trung tâm.

Cho rằng, một vài hướng giải quyết "đã có ngay trong nội dung câu hỏi", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để tự chủ đại học đi vào chiều sâu, thực chất và hướng đến mục tiêu chất lượng, thì tới đây, cần sửa đổi Luật Giáo dục đại học theo hướng tăng cường gắn kết giữa hệ thống giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và hệ thống giáo dục phổ thông. Đặc biệt, là "không lấy tự chủ tài chính làm tiêu chí, căn cứ cho mức độ tự chủ đại học". Bộ trưởng cũng cho biết, “Nhà nước sẽ kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước với huy động nguồn lực xã hội cho giáo dục đại học”.

Trong trả lời tại phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng nêu các giải pháp, như điều chỉnh để quản trị bên trong của trường đại học được tốt nhất, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn và có thể sẽ giảm trên 50% số thủ tục hành chính khi sửa Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, việc thực hiện tự chủ giáo dục đại học còn lúng túng, nhận thức chưa đầy đủ; nêu rõ, đây là vấn đề cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Anh Thảo