Thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học
Thực hiện kế hoạch giám sát của UBTVQH, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động triển khai các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ đã tổ chức đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Kết quả đánh giá cho thấy, học sinh tiếp thu tương đối tốt và phát huy được năng lực của bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống.
Khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng
Theo Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 88/2014/QH13, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Theo đó, về triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với tất cả các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 12 (hoàn thành chu trình đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông). Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lớp 5, 9, 12 để các cơ sở giáo dục lựa chọn và sử dụng từ năm học 2024 - 2025 (đến nay đã hoàn thành việc thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 theo đúng lộ trình quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14).

Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2 ngoài Tiếng Anh từ lớp 6 đến lớp 12 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa ngoại ngữ 1 đối với cấp tiểu học. Tổ chức thẩm định và phê duyệt Chương trình giáo dục tích hợp.
Bộ cũng đã ban hành Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông (thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT) theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn sách giáo khoa của giáo viên, tổ bộ môn. Các địa phương đã thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định tại Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28/12/2023 của Bộ; tập huấn sử dụng sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đối với một số môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc phân công giáo viên và tổ chức dạy các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử địa lí đã từng bước khắc phục được khó khăn do các giáo viên (Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí) hiện chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học.
Đến nay, vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học này đã cơ bản được tháo gỡ sau khi Bộ tổ chức Hội nghị toàn quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện các môn tích hợp và ban hành công văn ngày 10/10/2023 hướng dẫn về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu, Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá học sinh và tăng cường quản lý, chỉ đạo hoạt động dạy học đối với môn Tiếng Việt cấp tiểu học và môn Ngữ văn cấp trung học.
Năm 2024, Bộ đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ hiệu trưởng trường THCS, THPT về tăng cường tổ chức và quản lý thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức tập huấn về thực hiện kiểm tra, đánh giá đối với cấp THCS, THPT và ban hành công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện xây dựng ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra và hướng dẫn chấm đề kiểm tra định kì bảo đảm các yêu cầu về chuyên môn, kĩ thuật kiểm tra, đánh giá.
Học sinh tiếp thu tương đối tốt, phát huy được năng lực bản thân
Thực hiện kế hoạch giám sát của UBTVQH, Bộ đã chủ động triển khai các nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Sau khi UBTVQH ban hành Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 ngày 18/9/2023 về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” (Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15), Bộ đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25/12/2023 về đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông và Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 20/3/2024 ban hành kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 (Nghị quyết số 32/NQ-CP).
Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch số 390/KH-BGDĐT ngày 22/4/2024 triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ. Thời gian qua, Bộ đã chủ động triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 32/NQ-CP.
Bộ đã tổ chức đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Kết quả đánh giá cho thấy, học sinh tiếp thu tương đối tốt và phát huy được năng lực của bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống. Học sinh được khuyến khích tự học, tự nghiên cứu tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng kiến thức mới; có nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận.
Năm 2025, Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và tăng cường các giải pháp thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 07/02/2025 về tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh THCS, tuyển sinh THPT và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm thuộc thẩm quyền trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, mọi học sinh trong độ tuổi phổ cập giáo dục được đến trường học tập; chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng.
Nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục chưa đáp ứng nhu cầu thực tế
Về kiểm soát chặt chẽ chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, Bộ đã ban hành Thông tư số 26/2024/TT-BGDĐT ngày 25/12/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT ngày 06/8/2020 và Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT ngày 19/3/2022 của Bộ trưởng.
Theo đó, Bộ đã quy định rõ hơn về tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa và thời gian tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa; việc thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa vào tháng 5 hàng năm. Thời gian tiếp nhận hồ sơ thẩm định lại sách giáo khoa vào tháng 9 hàng năm.

Bộ tiếp tục chỉ đạo các địa phương đăng ký nhu cầu số lượng sách giáo khoa; yêu cầu các nhà xuất bản, đơn vị có sách giáo khoa được phê duyệt cung ứng kịp thời để giáo viên và học sinh có sách giáo khoa trước khai giảng năm học mới. Việc cung ứng sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng tiến độ đến các cơ sở giáo dục phổ thông, các đơn vị liên quan, đáp ứng nhu cầu của giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn.
Bộ cũng yêu cầu các Nhà xuất bản tập huấn sử dụng sách giáo khoa, hỗ trợ dạy và học cho giáo viên và học sinh; tiếp tục rà soát kế hoạch, cải tiến hệ thống và cách thức phát hành của các Nhà xuất bản theo quy định của pháp luật để giảm giá thành sách giáo khoa và bảo đảm việc cung ứng đủ, kịp thời sách giáo khoa cho năm học mới 2024 - 2025 trong điều kiện bão lũ xảy ra tại các tỉnh phía Bắc và Trung bộ. Bộ đang nghiên cứu xây dựng kế hoạch thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tuy nhiên, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều kiện để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới tại một số địa phương chưa được đầu tư đồng bộ với việc triển khai Chương trình (cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chế độ chính sách đãi ngộ cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục...), nguồn ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục còn hạn chế nên các cơ sở giáo dục còn gặp khó khăn.
Việc in ấn và phát hành sách giáo khoa tiếng Việt - tiếng dân tộc thiểu số còn gặp khó khăn; việc biên soạn sách cho học sinh khuyết tật, tổ chức dịch song ngữ sách giáo khoa theo chương trình mới gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện; kinh phí cho việc chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille chưa được bố trí.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, là bởi số lượng cơ sở giáo dục phổ thông lớn, phạm vi triển khai rộng; điều kiện kinh tế - xã hội của các địa phương khác nhau, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cùng với đó, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo chưa hấp dẫn, khó thu hút, giữ chân đội ngũ giáo viên, nhất là nhân lực chất lượng cao.