Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): Giải quyết việc làm bền vững ở khu vực nông thôn và miền núi
Theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn), dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) nên có quy định khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, góp phần chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động ở khu vực nông thôn và miền núi, cũng như bổ sung đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn, từ đó tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm.
Bổ sung đối tượng vay vốn tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm
Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về việc làm được quy định tại Điều 4 khoản 4 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị bổ sung cụm từ "sử dụng nhiều lao động tại địa phương, vùng nông thôn, miền núi" vào sau đoạn "người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc".
Theo đó, khoản 4 viết lại như sau: "có chính sách hỗ trợ tạo việc làm, chuyển đổi việc làm, thích ứng với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị, hỗ trợ người sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, là lao động nữ, người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, người đã chấp hành xong quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, sử dụng nhiều lao động tại địa phương, vùng nông thôn, miền núi theo quy định của Chính phủ". Theo đại biểu Hà Sỹ Huân, quy định như vậy nhằm khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động tại chỗ, góp phần chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động ở khu vực nông thôn và miền núi.

Tại Điều 9, khoản 2 của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn. Cụ thể, quy định tại điểm a, b, c, d, đại biểu Hà Sỹ Huân đã đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn là cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ có sử dụng lao động nữ chiếm trên 50% và người lao động là người cao tuổi. Bởi theo đại biểu Hà Sỹ Huân, việc bổ sung đối tượng được vay vốn với mức lãi suất thấp là để tạo điều kiện cho những đối tượng này tiếp cận gần hơn với nguồn vốn, góp phần giải quyết việc làm, tạo động lực cho họ tích cực trong lao động sản xuất, góp phần thực hiện tốt chính sách, chế độ đảm bảo quyền phát huy của phụ nữ và người cao tuổi trong lĩnh vực việc làm.
Bên cạnh đó, tại điểm b khoản 2 Điều 11 dự thảo luật quy định hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của Chính phủ, theo Đại biểu Hà Sỹ Huân, hiện nay Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề với nhiều hình thức, đối tượng khác nhau, như đối với lao động nông thôn có hỗ trợ đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng theo các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo chưa cao, chủ yếu đào tạo ngành nghề về lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm tại gia đình. Người lao động khi được tuyển vào các doanh nghiệp, khu công nghiệp vẫn phải đào tạo lại, như vậy chưa đạt mục đích chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm một cách bền vững. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đào tạo, phát triển nguồn lao động tại địa phương để người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp. Như vậy mới được đào tạo đúng nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu cần tuyển dụng.
Hỗ trợ đào tạo nghề để tự tạo việc làm
Cho ý kiến về đối tượng tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, đánh giá cấp chứng chỉ nghề quốc gia được quy định tại khoản 3 Điều 23 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi): "Nhà nước hỗ trợ các đối tượng sau đây tham gia đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đánh giá cấp chứng chỉ nghề quốc gia, đảm bảo các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g", đại biểu Hà Sỹ Huân đã đề nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung đối tượng là phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề được hỗ trợ. Theo đại biểu Hà Sỹ Huân, sửa đổi như trên là nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò cũng như khả năng tiếp cận nghề nghiệp, thúc đẩy chính sách về bình đẳng giới.

Tại khoản 1 Điều 18 dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định thông tin lao động của người lao động bao gồm các nhóm quy định tại điểm a, b, c, d, đ, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, các đối tượng thông tin đăng ký lao động của người lao động quy định trên chưa đề cập đến thông tin về tình trạng sức khỏe của người lao động. Trong khi đây là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình làm việc của người lao động. Theo đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đã đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung này cho đầy đủ và phù hợp.
Cùng với đó, đại biểu Hà Sỹ Huân đề nghị tại điểm b khoản 2 Điều 11 dự thảo luật cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu sửa đổi theo hướng: Hỗ trợ đào tạo để tự tạo việc làm hoặc hỗ trợ đào tạo nghề khi người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp đóng tại địa phương theo các chương trình khác của Thủ tướng Chính phủ.